• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhạc hàn lâm đến gần hơn với khán giả Việt

Văn hoá 07/05/2012 16:11

(Toquoc)-Liên tiếp những không gian âm nhạc cổ điển được mở ra trong thời gian qua đã được công chúng đón nhận, thậm chí nhiều khán giả đã sẵn sàng móc hầu bao một khoản không hề nhỏ để kiếm được tấm vé xem hoà nhạc. Đó là một tín hiệu lạc quan cho thể loại âm nhạc hàn lâm vốn dĩ được coi là kén khán giả này.

(Toquoc)-Liên tiếp những không gian âm nhạc cổ điển được mở ra trong thời gian qua đã được công chúng đón nhận, thậm chí nhiều khán giả đã sẵn sàng móc hầu bao một khoản không hề nhỏ để kiếm được tấm vé đi xem hoà nhạc. Đó là một tín hiệu lạc quan cho thể loại âm nhạc hàn lâm vốn dĩ được coi là kén khán giả này.

Từ trong nhà ra ngoài phố

Nhà hát Lớn Hà Nội có thể coi là địa chỉ đỏ cho những đêm nhạc cổ điển. Với 900 ghế ngồi bố trí theo ba tầng, Nhà hát Lớn Hà Nội hội tụ đủ các yếu tố khá chuẩn về kĩ thuật âm thanh, ánh sáng… nên nhiều chương trình tầm quốc tế như hoà nhạc Hennessy… luôn chọn đây làm điểm đến lý tưởng cho những buổi diễn đỉnh cao. Các chương trình hoà nhạc trong nước như chương trình Điều còn mãi do báo Vietnamnet tổ chức định kỳ hàng năm, chương trình nhạc jazz của nghệ sĩ saxophone Quyền Văn Minh… cũng chọn Nhà hát lớn là “Thánh đường”.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam vài năm trở lại đây đã liên tục lên kế hoạch cho các chương trình hoà nhạc đặt vé trước hàng tháng trời. Trong năm nay, các chương trình hoà nhạc đặt vé trước đã kín lịch đến tháng 12, mỗi tháng sẽ có một chương trình hoà nhạc. Và tất nhiên, Nhà hát lớn Hà Nội vẫn là “đích đến” của các buổi hoà nhạc đặt vé trước này.

Nhạc hàn lâm đã dần dần thu hút được lớp khán giả của riêng mình (Ảnh chương trình hòa nhạc của nghệ sĩ Quyền Văn Minh)

Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình cũng là một địa chỉ đón nhận nhiều các chương trình nhạc hàn lâm, đơn cử như hoà nhạc Toyota. Trung tâm văn hoá Pháp, Viện Goethe Hà Nội, Trung tâm văn hoá Hàn Quốc thời gian gần đây cũng liên tục diễn ra các chương trình hoà nhạc giao hưởng trong chính khuôn viên nhỏ bé của mình. Các chương trình hoà nhạc ấy đã mang đến cho công chúng Việt những bản nhạc được coi là vĩ đại trong nền âm nhạc thế giới của các thiên tài và cả những bản nhạc mộc mạc, dân dã đầy chất Việt.

Không chỉ có vậy, nhạc cổ điển còn “lân la” đến cả những phòng trà, các câu lạc bộ âm nhạc như góc nhỏ tầng 3 của quán cà phê trên đường Quán Sứ của nghệ sĩ Quyền Văn Minh. Tại đây, những bản nhạc đậm chất trữ tình cũng đã được vang lên với tài năng của các nghệ sĩ dòng nhạc cổ điển Việt Nam. Riêng phòng hoà nhạc của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam với sức chứa 350 người từ lâu đã là một địa chỉ quen thuộc cho những ai yêu mến nhạc cổ điển. Nơi đây cũng là điểm đến cho các học sinh, sinh viên ngành nhạc để học tập, nghe và luyện cách cảm thụ âm nhạc.

Nhưng thú vị hơn hết là trong năm vừa qua, nhạc cổ điển đã được các nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đưa ra đường phố, tạo cơ hội mở hơn nữa để khán giả có thể đến gần hơn với dòng nhạc vốn được coi là bác học này. Chương trình hoà nhạc Luala Concert Thu đông 2011 lần đầu tiên ra mắt khán giả thủ đô tháng 11/2011.



Và từ đó đến nay, định kỳ hàng tuần, hoà nhạc đường phố Luala Concert đều trình diễn ở sân trước NXB Âm nhạc, chiếm một góc nhỏ trên con phố Lý Thái Tổ, nhưng ảnh hưởng của nó thì không nhỏ chút nào. Luala Concert Thu đông 2011 thậm chí đã trở thành 1 trong 10 sự kiện âm nhạc nổi bật của Hội nhạc sĩ Việt Nam và chiếm một vị trí trong nhóm đề cử giải Cống hiến vừa qua. Năm 2012 này, Luala Concert đã trở lại với buổi trình diễn đầu tiên vào đầu tháng 4 vừa rồi, giới thiệu tới công chúng các gương mặt nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, Vũ Ngọc Hà và Lê Quốc Hưng (Phù Sa Band). Họ mang tới phong cách nhạc Jazz, Blue và nhạc thử nghiệm hoà trộn. Sự trở lại của mùa biểu diễn xuân hè này đã nhận được hưởng ứng nhiệt tình của công chúng.



Luala concert Thu đông 2011 đã được công chúng đón nhận nhiệt tình (Ảnh: Ngọc Thành)



Khi nhạc cổ điển có sức quyến rũ với khán giả Việt

Trước kia, thể loại nhạc cổ điển vẫn được coi là kén khán giả và được liệt vào danh sách “ế ẩm” so với nhạc trẻ, nhạc trữ tình… Không ít nghệ sĩ dòng nhạc cổ điển đã bày tỏ lo ngại xen lẫn buồn phiền rằng, nhạc hàn lâm không có chỗ đứng và khán giả Việt lại càng thờ ơ với dòng nhạc này, nhất là giới trẻ.

Nhưng giờ đây, tình hình xem ra đã có vẻ khác. Bằng chứng là chương trình hoà nhạc Hennessy lần thứ XVI vừa diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội trong tháng 4 vừa rồi đã khá thành công về mặt khán giả. Khán phòng Nhà hát chật kín người nghe, ai cũng say sưa theo các giai điệu nhạc cổ điển, đặc biệt là tiếng vĩ cầm của nữ nghệ sĩ Sarah Chang. Mặc dù chương trình phát vé mời, nhưng không ít khán giả để có được may mắn ngồi phía trong Nhà hát lớn Hà Nội xem hoà nhạc đã sẵn sàng bỏ ra số tiền không hề nhỏ để có được tấm vé với giá “chợ đen”, có lúc lên tới 6 triệu đồng/cặp.



Những khán giả không có vé mời, đã được BTC “chiêu đãi” bằng việc bố trí một màn hình lớn phía trước quảng trường Cách mạng tháng Tám để truyền sóng trực tiếp. Rất đông khán giả đã tập trung ở Quảng trường để theo dõi chương trình này. Điều đó đủ thấy sức mê hoặc của nhạc cổ điển với người Việt, đặc biệt khi nhạc công lại là các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.

 Khán giả xếp hàng để xem chương trình hòa nhạc Luala Concert trên vỉa hè Lý Thái Tổ (Ảnh: Ngọc Thành)

Không chỉ riêng hoà nhạc Hennessy- chương trình đã có thương hiệu quốc tế mà nhiều chương trình hoà nhạc khác cũng rất hút khán giả Việt. Đêm nhạc “Quyền Văn Minh và những người bạn”- một sự pha trộn giữa âm nhạc thính phòng bác học với dòng nhạc jazz ngẫu hứng, trình diễn những ca khúc kinh điển thế giới và những ca khúc trữ tình Việt Nam diễn ra đầu năm nay cũng là tiêu điểm chú ý của dư luận. Giá vé chương trình lên tới 1,7 triệu đồng nhưng khán phòng Nhà hát lớn khi ấy cũng chật kín. Ngay trước thềm buổi diễn, phía trước cổng Nhà hát, nhiều “cò” cũng đã ra giá vé chương trình lên gấp đôi. Nhiều khán giả đã sẵn sàng móc hầu bao để có được một ghế trong khán phòng Nhà hát lớn.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, ngoài các chương trình hoà nhạc miễn phí trình diễn tại phòng hoà nhạc của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam thì các chương trình hoà nhạc đặt trước, giá vé thường dao động từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Với giá cả được cho là “phải chăng”, hợp túi tiền của nhiều người Việt nên các chương trình cũng khá đắt khách. Thế mới biết, suy nghĩ tưởng như đã thành chân lý rằng khó ai bỏ tiền ra để xem hoà nhạc nay không còn đúng nữa. Không ít người dân Việt đã không ngần ngại mở hầu bao của mình để được thưởng thức những tác phẩm nhạc cổ điển.

Nhưng có lẽ, đáng kể nhất và cũng là thành công vượt trội trong việc kéo khán giả đến với nhạc cổ điển phải là chương trình hoà nhạc đường phố Luala Concert. Khi mà chương trình mới chỉ lên ý tưởng, không ít ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại về chất lượng chương trình, bởi vốn dĩ, thánh đường của nhạc cồ điển phải là các sân khấu hội tụ đủ các điều kiện về âm thanh, kĩ thuật. Cùng với đó là lo ngại chương trình sẽ chỉ để “mua vui” khi gây sự tò mò ban đầu cho khán giả. Ngay chính nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, cố vấn chuyên môn của Luala Concert cũng bày tỏ rằng anh chỉ dám mơ mộng rằng trong vài ba giây, thứ âm nhạc thiêng liêng kia lọt vào tai vài người đi đường để rồi sau đó có thể mở ra một sự bừng thức nào đó. Nhưng thực sự, kết quả đã khiến ngay các nghệ sĩ cũng phải ngạc nhiên.

Câu trả lời của những buổi diễn đã phá tan sự nghi hoặc và lo ngại. Khán giả ngày càng kéo đến buổi diễn của dàn nhạc ngày càng đông hơn, có trật tự hơn. Vỉa hè đường Lý Thái Tổ, nơi biểu diễn của 20 nghệ sĩ luôn chật cứng khán giả. Đây là bất ngờ lớn ngay cả với những người tổ chức chương trình. Điều này đã minh chứng rằng, khán giả Việt không hề thờ ơ với âm nhạc hàn lâm mà chỉ là họ chưa có cơ hội tìm hiểu cũng như cơ hội để thưởng thức những tác phẩm âm nhạc của dòng nhạc này.

Sau thành công đầu tiên ngoài mong đợi, chương trình hoà nhạc đường phố Luala Concert đã triển khai kế hoạch trở lại với khán giả thủ đô trên vỉa hè Lý Thái Tổ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ công chúng. Buổi ra mắt đầu tiên của Luala concert xuân hè 2012 vừa rồi thu hút rất đông khán giả. Hơn hai tiếng đồng hồ trình diễn, các nghệ sĩ đã phô diễn tài năng cùng ban nhạc, mang nhạc jazz đến thật gần với công chúng, đặc biệt là khi phần nhạc jazz được phối với các làn điệu và âm sắc dân gian Việt Nam. Khán giả tới xem chương trình, hoặc thảng đi qua thì âm thanh tuyệt diệu của nhạc jazz lọt vào cũng đủ khiến người nghe ngây ngất. Những buổi diễn đông nghịt khán giả cùng với những tràng pháo tay không dứt là phần thưởng quý giá nhất cho các nghệ sĩ…

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy gần đây khi nhắc đến nhạc cổ điển đã không khỏi vui mừng: “Thời gian gần đây, khán giả Việt Nam đã bắt đầu chú ý tới âm nhạc bác học. Đó là một tín hiệu đáng mừng, bằng chứng là những buổi biểu diễn của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã được khán giả đặt vé từ trước”.  Ngoài ra, Bùi Công Duy cũng bày tỏ hi vọng rằng, từ chỗ biết đến nhạc cổ điển này, sẽ có các chương trình để đào tạo khán giả cho nhạc hàn lâm. Bởi thực tế hiện nay, khán giả Việt phần đông chưa hiểu được nhiều về các tác phẩm nhạc cổ điển nên chưa thực sự yêu thích. Nghệ sĩ Bùi Công Duy bày tỏ tin tưởng rằng, một khi khán giả hiểu về âm nhạc hàn lâm thì họ sẽ yêu mến dòng nhạc này.

Nghệ sĩ Sarah Chang trong chuyến sang Việt Nam tham dự hoà nhạc Hennessy XVI cũng bày tỏ rằng, cô chọn bản giao hưởng Mùa thu nổi tiếng để biểu diễn cũng là bởi muốn gần gũi và hoà nhập hơn với mọi người.

Quả thực, ngoài việc cần phổ cập kiến thức về âm nhạc cổ điển cho khán giả thì việc các nghệ sĩ chủ động tiếp cận khán giả có ý nghĩa quan trọng. Bởi chính sự gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả sẽ góp phần đưa khán giả đến gần hơn với âm nhạc hàn lâm và từ đó, dòng nhạc bác học này sẽ có lớp khán giả của riêng mình./.



Minh Anh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ