Thời gian gần đây, các tác phẩm khí nhạc, nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng cũng như những bản hùng ca… đang được đưa đến số đông công chúng theo hướng gần gũi, phổ cập hơn, không còn ở thế “riêng một góc trời”.
Thời gian gần đây, các tác phẩm khí nhạc, nhạc cổ điển, giao hưởng thính phòng cũng như những bản hùng ca… đang được đưa đến số đông công chúng theo hướng gần gũi, phổ cập hơn, không còn ở thế “riêng một góc trời”.
Tín hiệu đáng mừng này được nhận thấy rõ kể từ khi những người yêu nhạc (tạm gọi là) hàn lâm, có khả năng làm chủ công cụ truyền tải thẩm mỹ và cảm xúc này, quyết tâm đưa nó đến cộng đồng vốn đang “no xôi chán chè” với những thể loại âm nhạc khác.
Nỗ lực tôn vinh âm nhạc đỉnh cao
Nhạc hàn lâm ở Việt Nam, cũng như ở nhiều nước khác, luôn có tầng lớp công chúng riêng. Tại Việt Nam, những đêm nhạc cổ điển đặc biệt, thuần chất, có sự đầu tư kỹ càng về mọi mặt tuy xuất hiện không nhiều nhưng luôn khiến khán giả chờ đợi.
Hòa nhạc "Giai điệu mùa thu" lần thứ 5 (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Các chương trình Giai điệu mùa thu đến hẹn lại lên vào khoảng tháng 8 hàng năm ở TPHCM, Hòa nhạc Hennessy cũng mỗi năm diễn ra một lần, các chương trình đặc biệt của Dàn nhạc Giao hưởng VN, Dàn nhạc Giao hưởng của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, đêm hòa nhạc của các nghệ sĩ danh tiếng như NSND Đặng Thái Sơn… thường trở thành những sự kiện văn hóa nổi bật của tuần hoặc tháng mà chúng được tổ chức.
Vé để theo dõi các chương trình này luôn rất khó tìm hoặc được bán với giá cao so với mặt bằng chung của các chương trình âm nhạc. Điều đó đủ để thấy sức hút của âm nhạc đỉnh cao vẫn còn đó. “Thương hiệu” cho các chương trình này từ đó mà dần hình thành.
Ngay trong thời điểm này, chương trình hòa nhạc Giai điệu mùa thu hội ngộ mùa thứ 5 vừa có các đêm diễn trong các ngày 19, 20, 21/8/2009. Tuy không đưa Giai điệu mùa thu tới Singapore được như mục tiêu đề ra, nhưng không thể phủ nhận nỗ lực và quyết tâm tổ chức của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (HBSO) trong thời điểm có nhiều khó khăn này.
|
Công chúng đã được thưởng thức những đêm diễn đa dạng về tiết mục và loại hình trình diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và nhiều “nhân tài” âm nhạc Việt Nam từ nước ngoài trở về. Nếu vì khó khăn mà bỏ lỡ những “giai điệu” tuyệt vời mỗi khi “mùa thu” tới thì làm sao những dòng chảy của âm nhạc Việt có thể “hợp lưu” ở Giai điệu mùa thu như hôm nay và những năm sau!
Sang tháng 9 tới đây sẽ là lần đầu tiên diễn ra chương trình VietNamNet Concert với tên gọi “Điều còn mãi”. Báo VietNamNet chọn đúng thời điểm có ý nghĩa với bất kỳ một người dân nước Việt nào, đó là Ngày Quốc khánh 2/9, lúc 14 giờ, để tổ chức chương trình tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Điều này sẽ giúp gợi nhớ đến không khí tưng bừng, thiêng liêng năm xưa khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Cách mạng tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chương trình dự định sẽ diễn ra thường niên vào mỗi ngày 2/9 không chỉ nhằm thể hiện và biểu dương lòng tự hào dân tộc của lớp người tinh hoa văn hóa, những người đang góp phần vào sự chuyển mình của đất nước trong thời kỳ mới, mà còn để gửi tới khán giả những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam, từng lay động trái tim hàng triệu người Việt Nam yêu nước qua nhiêu thời kỳ lịch sử và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao thuộc cả lĩnh vực nhạc hát, nhạc đàn.
Đồng hành với chương trình biểu diễn, ấn phẩm đặc biệt “Điều còn mãi” của VietNamNet Concert còn cung cấp các tư liệu xung quanh hoạt động của chương trình - điều mà không phải chương trình âm nhạc nào cũng tính đến để giúp khán giả có thể “hiểu” rõ hơn về nững tác phẩm mà mình đã được thưởng thức, đồng thời tôn vinh các tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ biểu diễn…
Nhạc hàn lâm - biến tấu để gần gũi hơn
Chắc chắn rằng khi đã là một loại hình nghệ thuật thì âm nhạc hàn lân cũng có rất nhiều cánh cửa để có thể đến với công chúng. Vấn đề là những người theo đuổi thể loại âm nhạc này có bằng tâm huyết và sức sáng tạo của mình mở những cánh cửa đó không. Loại nhạc kén người nghe này cũng cần được làm mới, được biến tấu để trở nên gần gũi hơn với công chúng và nhất la chinh phục công chúng trẻ.
Nhìn vào lịch diễn của Nhà hát Giao hưởng Việt Nam sẽ thấy các chương trình được lên theo năm ngày càng dày đặc. Trong số này, có những chương trình mang màu sắc mới mà trước đây chưa hề có.
Chương trình "Hòa nhạc cho trẻ em" tại Hà Nội hôm 14 và 15/8/2009 (Ảnh: Vũ Dũng) |
Các đêm Hòa nhạc Toyota xuyên Việt thường niên do Dàn nhạc Giao hưởng VN trình diễn được chia làm hai hình thức: một chương trình chuyên biểu diễn những tác phẩm khí nhạc mang tính chất kinh điển, một chương trình tiến gần hơn đến khán giả đại chúng. Hai đêm hòa nhạc với những tác phẩm nhạc phim trong và ngoài nước nổi tiếng nhất được tổ chức vừa qua đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Trong chương trình này có cả phần… trò chơi. Khán giả được phép lên sân khấu vung gậy chỉ huy, tập làm nhạc trưởng và nhận quà.
Thành công này đã được chứng minh trước đó qua các chương trình Hòa nhạc Hennessy hay các chương trình hòa nhạc khá đa dạng do Đại Sứ quán các nước ở VN tổ chức.
Bên cạnh các đêm nhạc kinh điển biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, đến Việt Nam và một số nước châu Á khác, trong series các chương trình Hennessy Concert còn có thêm Hensessy Artistry mang tính đại chúng hơn. Còn như tại Trung tâm Văn hóa Pháp, khán giả có thể thưởng thức những đêm hòa nhạc có chất lượng tốt ở đây với giá vé chỉ từ 25 đến 50 ngàn đồng.
Cũng nằm trong mục tiêu đưa nhạc hàn lầm đến công chúng rộng rãi, đầu tháng 8 vừa qua, Dàn nhạc Giao hưởng VN đã tổ chức chương trình “Hòa nhạc cho trẻ em” mà ở đó khán giả nhí được giáo dục âm nhạc thông qua những bản nhạc của các nhà soạn nhạc danh tiếng như Franz Joseph Haydn, Sergei Prokovieff được viết riêng cho trẻ em, với sự dẫn giải của tiến sĩ Vũ Tự Lân và vai trò chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi.
Một ví dụ dễ thấy nhất của việc “biến tấu” nhạc cổ điển chính là album được bàn luận rất nhiều và có lẽ cũng là được đánh giá cao nhất của ca sĩ Mỹ Linh với tên gọi “Chat với Mozart”. Được nhạc sĩ Dương Thụ đặt lời trên phần giai điệu của các tác phẩm âm nhạc cổ điển được hòa âm mới, album đã trở thành sản phẩm được khán giả trẻ đón nhận không thua gì những album nhạc pop hay R&B khác.
Mới đây thôi, ban nhạc rock Unlimited của TPHCM đã "phá cách" thực hiện đêm nhạc giao hưởng rock gây tiếng vang không nhỏ. Ca sĩ Đức Tuấn vừa phát hành album nhạc kịch được đầu tư công phu "Music of the night" và sẽ tổ chức một liveshow nhạc kịch đầu tiên tại VN vào tháng 9 tới. Giống như trong kinh doanh, khi trong đời sống có nhiều món ăn để người nghe, để lựa chọn thưởng thức, nếu nhạc hàn lâm đứng quá xa, tách biệt, luôn coi mình là loại nhạc “bác học” chứ không phải một sản phẩm trước hết để giải trí, thì cơ hội “chiến lĩnh thị trường” của nó so với những dòng nhạc đại chúng khác, vốn gần gũi hơn, sẽ dễ bị thu hẹp lại. Nếu hạn chế phổ biến trong đời sống thì đó sẽ là điều đáng tiếc cho sự đa dạng hóa về mặt thưởng thức đối với khán giả nói chung và với chính giá trị của nhạc hàn lâm nói riêng.
Rất may là nhạc hàn lâm, cổ điển cũng như những bản khí nhạc, thanh nhạc có tầm vóc nhất định của Việt Nam sau một quãng dài “ngủ đông”, nay đang dần được “đánh thức" và khơi dậy.
Giới trẻ ở bất kỳ đất nước nào, dân tộc nào cũng sẽ thiên về nghe nhạc đang thịnh hành, trừ một số ít có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc cổ điển hoặc giới sinh viên học nhạc.
Thực ra trong kho tàng âm nhạc cổ điển có rất nhiều tác phẩm mà nếu biết cách chọn lọc có thể chuyển đến mọi tầng lớp, lứa tuổi… mà không cần có sự hiểu biết sâu hoặc qua giáo dục âm nhạc.
Để bắt đầu nghe nhạc cổ điển, nếu có một người bạn có hiểu biết về loại hình nghệ thuật này giải thích cho một số kiến thức cơ bản, chung nhất về âm nhạc thì rất tốt. Nên nên theo dõi lịch biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia) để đi nghe những chương trình phù hợp với hiểu biết của mình, từ việc tham khảo nội dung, chỉ dẫn từ bạn bè hay các phương tiện truyền thông.
Việc thu thập, nghe và xem các DVD, CD nhạc cổ điển cũng là một thú vui giải trí nên làm sau một ngày học hành hoặc làm việc bận rộn.
Nhạc trưởng Lê Phi Phi:
Nhạc trưởng Lê Phi Phi
(Theo Vietnamnet)