(Tổ Quốc) - Chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc, chiều 19/4, tại Hà Nội, NXB Kim Đồng đã tổ chức chương trình giao lưu, trò chuyện cùng Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh, tác giả cuốn sách "Nhạc sĩ Hoàng vân – Cho muôn đời sau…".
"Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…" là một tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân do con gái ông – Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh viết với nguồn tư liệu tin cậy và kiến thức âm nhạc sâu rộng. Cuốn sách được phát hành vào tháng 2.2022 và cho tới nay đã nhận được rất nhiều phản hồi tốt từ công chúng yêu nghệ thuật và giới nghiên cứu âm nhạc.
Nhạc sĩ Hoàng Vân sinh năm 1930 tại Hà Nội. Năm 1946, khi mới 16 tuổi, ông từ giã gia đình rời Hà Nội đi kháng chiến. Yêu âm nhạc và được học từ nhỏ, Hoàng Vân đã sáng tác các ca khúc đầu tiên tại mặt trận mà nổi tiếng nhất là "Hò kéo pháo". Từ đây, ông gắn đời mình với âm nhạc mà mỗi sáng tác sẽ là một dấu mốc cuộc đời.
Với "Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…", tác giả Lê Y Linh đã cho công chúng hiểu hơn về một nhạc sĩ Hoàng Vân trong đời sống và trong nghệ thuật. Công chúng sẽ được biết đến thế giới nghệ thuật Hoàng Vân một cách đầy đủ, bên cạnh mảng ca khúc rất nổi tiếng còn là những đóng góp lớn của ông dành cho khí nhạc, giao hưởng…Bên cạnh đó, với những lát cắt tiếp cận lịch sử âm nhạc hiện đại của Việt Nam sống động và hấp dẫn, bạn đọc bước đầu được tìm hiểu, học hỏi, khám phá một số kiến thức âm nhạc phổ thông, góp phần nâng cao năng lực cảm thụ và gu thẩm mĩ của mình.
Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh – con gái nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ: "Khi cha tôi mất, phải rất lâu sau tôi mới đủ can đảm mở lại những ngăn kéo ở dưới giường ông năm, nơi chứa những di vật của ông những năm cuối đời". Nhưng khi mở ngăn kéo ra thì phần lớn ở đó là tiểu thuyết, từ điển, tạp chí Âm nhạc, những bài báo… Đáng kể, ở đó có "rất nhiều bút và giấy nhưng không còn giấy nhạc nữa", cũng "không có nhật kí, không có chuyện kể, chỉ có những bài báo, những bản thảo nhạc, những cuốn sổ tay sáng tác mà tôi dần dần tìm thấy ở các tủ trong căn nhà cổ mang màu thời gian từ hơn thế kỷ nay. Ông không viết gì khác ngoài sáng tác nhạc, thơ và thư pháp. Ngay cả gần khi ông mất, không còn sáng tác nữa, ông cũng không bao giờ có dự định viết hồi ký".
Chia sẻ về cuốn sách cũng như cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng: "Những ai muốn đi tìm giá trị đích thực của một thời hoàng kim, đỉnh cao về nghệ thuật trong âm nhạc Việt Nam mà Hoàng Vân và một số đồng môn đương đại của ông đã xây dựng nên phải tự đặt ra trước hết là mục tiêu 'hiểu' những giá trị nghệ thuật ấy. Và nhiệm vụ là phải biết phát huy được những thành tựu đó. Bởi thành tựu mà chỉ liệt kê để trong bảo tàng hay thư viện, không phát huy để phục vụ tương lai âm nhạc của nước nhà, thì liệu chữ 'thành tựu' đã đủ ý nghĩa hay chưa? Tựu trung, việc bàn về tài năng của nhạc sĩ bằng cách phân tích những giá trị âm nhạc to lớn và mẫu mực trong tác phẩm của Hoàng Vân thật sự sẽ có ý nghĩa hơn khi đưa ra được những giải pháp cấp thiết nhằm làm lan tỏa những giá trị đó, giúp cho lớp trẻ thấy được những vẻ đẹp của nó và cho họ cũng như khán thính giả ngày nay những cảm hứng với đời sống dài lâu".
Nhà văn Trương Quý, người đã từng thực hiện nhiều cuộc gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Hoàng Vân khẳng định: "Viết về một tác giả âm nhạc từng có ảnh hưởng to lớn đến thẩm mĩ công chúng nhiều thập niên, cuốn sách Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau là một nỗ lực khắc họa chân dung con người sáng tạo ở phương diện làm rõ các thao tác 'nhà nghề' một cách dễ cảm thụ nhất đối với đại chúng. Người nghe đã thuộc lòng những bài hát vô cùng nổi tiếng của Hoàng Vân sẽ có mong muốn được biết điều gì đã khiến nhạc sĩ bền bỉ viết nên chúng, những âm điệu của một thời rắn chắc như thép nhưng cũng mềm dẻo như lụa?".
Được biết, sau 3 năm thực hiện việc sưu tầm, lưu trữ tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân, Tiến sĩ Lê Y Linh cho biết, đã thống kê được hơn 700 tác phẩm dưới nhiều hình thức; hàng trăm video về nhạc sĩ và về tác phẩm, 170 bản thu, hơn 500 bản nhạc viết tay, hơn 200 bản nhạc đã được in, hơn 10 phim truyện, hơn 200 bài báo và sách viết về ông. Hiện các tư liệu này đang dần dần được đưa trên trang web hoangvan.org, bảo tàng số của nhạc sĩ để bảo quản và vẫn tiếp tục được bổ sung.