(Tổ Quốc) - Công chúng Thủ đô sẽ được đắm mình trong không gian âm nhạc của hai bản giao hưởng “Tiếng vọng” và “Leningrad” trong đêm diễn duy nhất, lúc 20g ngày 14/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Buổi hoà nhạc do Nhạc trưởng, Giám đốc Âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Honna Tetsuj chỉ huy.
Đây là chương trình hòa nhạc đặc biệt, kỷ niệm chuỗi 100 chương trình “Hòa nhạc đặt vé trước” do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam xây dựng và công diễn từ năm 2005 tới nay. Trải qua 12 năm, chương trình đã trở thành thương hiệu riêng về chất lượng biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, tạo dựng được hình ảnh đẹp trong lòng đông đảo quý thính giả yêu nhạc trong cả nước.
Chương trình lần này có sự phối hợp của Viện Goethe tại Việt Nam và Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật bản tại Việt Nam. Đêm nhạc có sự hiện diện của các nghệ sĩ khách mời tới từ Đức và Nhật Bản: Maekawa Kosei - kèn oboe và 3 nghệ sĩ đầu bè của dàn nhạc nổi tiếng của Đức: Premysl Vojta - bè trưởng horn, Martin Griebl - bè trưởng Trumpet, Michael Massong - bè trưởng Trombone.
Bản giao hưởng “Leningrad” do dàn nhạc giao hưởng Frankfurt Radio Symphony Orchestra trình diễn |
Bản giao hưởng “Tiếng vọng” được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân soạn năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tác phẩm bao gồm 4 phần: “Ngược dòng thời gian - Trăng của tình yêu”, “Tiếng vọng chiến trường xưa”, “Đợi chờ trong im lặng” và “Những tượng đài bất tử”. Bản nhạc thuộc thể loại Nocture, hướng người nghe suy tư, hồi tưởng về cõi tâm linh với lòng biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã viết tác phẩm này trên cơ sở 4 câu thơ của tác giả Trương Quang Được: “Một nếp nhà tranh bên sông vắng. Một chiếc thuyền nan chở đầy trăng. Ai đó chờ ai trong im lặng. Đã mấy xuân rồi, dứt chiến tranh”.
Bản Giao hưởng số 7 cung Đô trưởng mang tên “Leningrad” của nhà soạn nhạc người Nga Dmitri Shostakovich. “Với bản số 7 tôi đã bắt đầu sống trở lại... Chúng tôi đã có một chuyến đi gian nan, nhưng sau đó có thể hít thở dễ hơn.” Đó là những lời của Dmitry Shostakovitch về tác phẩm nổi tiếng nhất của mình: Bản giao hưởng số 7, hay còn được gọi là bản “Giao hưởng Leningrad”. Bản nhạc gồm bốn chương mà Shostakovitch (1906-1975) ban đầu đặt tựa là “Chiến tranh”, “Những ký ức”, “Quê nhà mênh mang” và “Chiến thắng”. Bộ máy quan liêu của Stalin lại không thích những tiêu đề như vậy, nên sau đó những tiêu đề đều được rút lại. Nhưng ngay cả khi không còn những tiêu đề này, ta vẫn có thể tìm được chủ đề chung của tác phẩm: chiến tranh. Bản giao hưởng là một di sản nghệ thuật thể hiện tinh thần đấu tranh chống lại cuộc chiến huỷ diệt do quân Đức khởi xướng, cuộc chiến mà cho tới năm 1944 vẫn nhắm vào công dân và thành phố Leningrad. Cho tới hôm nay, bản giao hưởng vẫn được đánh giá như là một lời chứng bằng âm nhạc của những nạn nhân của thế chiến thứ hai.
Dưới đạn bom quân Đức, bản Giao hưởng được biểu diễn lần đầu tại Leningrad vào ngày 09/8/1942. Thay vì tìm nơi trú ẩn, khán thính giả vẫn ngồi yên nơi khán đài. Biểu hiện cho ý chí của họ sẽ còn sống mãi và sẽ luôn chiến thắng chiến tranh, biểu trưng cho sự lôi cuốn kì diệu của bản nhạc này. Tác phẩm vĩ đại của Shostakovich mời gọi chúng ta tưởng niệm và tôn vinh, bằng âm nhạc, cách mà chúng ta đã vươn lên khỏi chiến tranh và bạo lực.
Lựa chọn hai bản giao hưởng có những nét tương đồng, BTC mong muốn khán thính giả sẽ một lần nữa được sống trong những hào quang của âm nhạc, để thấy dù chiến tranh có tàn khốc đến mấy thì “tiếng hát” vẫn có thể “át tiếng bom”.
Thùy Anh