(Toquoc)- “Chỉ có tôi mới hiểu được chính mình. Âm nhạc của tôi không diễn nhiều mà phải thật”.
(Toquoc)- “Chỉ có tôi mới hiểu được chính mình. Âm nhạc của tôi không diễn nhiều mà phải thật”.
25 năm nay, từ năm 1990, cứ mỗi độ Thu về, Phú Quang lại có chương trình âm nhạc riêng của mình về Hà Nội và lần nào cũng “cháy vé”. Được cho là “khó tính” vì luôn tự dàn dựng, đạo diễn các chương trình âm nhạc của mình. Nhưng quả thật, các đêm nhạc Phú Quang đều thành công và trở thành một hoạt động văn hóa đặc biệt mỗi dịp chào mừng Kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô. Vừa được đề cử “Công dân thủ đô ưu tú”, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện.
+ Đầu tiên, xin chúc mừng nhạc sĩ được đề cử “Công dân thủ đô ưu tú”. Ông đón nhận thông tin được đề cử như thế nào?
- Việc đón được đề cử danh hiệu này tuy không phải là một giải thưởng, song tôi vô cùng trân trọng. Tôi trân trọng tấm lòng của những người không đố kỵ, ghen ghét. Những tấm lòng ấy khiến tôi có niềm tin vào cuộc đời hơn để có tiếp động lực mà lao động, cống hiến. Có lần tôi được trao giải Nhất cuộc thi sáng tác tình ca trong một cuộc thi do TP Hồ Chí Minh tổ chức. Tôi đã 25 năm sống ở TP Hồ Chí Minh, nhưng dù sao với nơi ấy, tôi vẫn là kẻ ngụ cư, vì thế được trao giải Nhất làm tôi vô cùng cảm động.
Nhạc sĩ Phú Quang: “Nếu được là công nhân âm nhạc tử tế, như thế đã là quý lắm rồi”
+ 25 năm ở TP Hồ Chí Minh, nhưng lần này Hà Nội lại đưa ông vào danh sách “Công dân thủ đô ưu tú” thì đó có phải là điều đặc biệt?
- Tôi chỉ biết trân trọng cảm ơn tấm lòng đã rộng mở với mình. Trong kho tàng sáng tác của tôi, có những bài không hề nhắc đến một từ Hà Nội nào như Thương lắm tóc dài ơi, Bâng quơ, hay Nỗi nhớ mùa đông... nhưng người nghe đều thấy đẫm chất Hà Nội, tâm hồn người Hà Nội ở trong đó.
+ Hà Nội trong ca khúc của ông rất đẹp và thơ nhưng nhiều người khi bước chân đến thành phố này lại cho rằng, họ có cảm giác hẫng hụt thậm chí thất vọng vì nó?
- Cũng không trách họ được. Nếu họ chỉ lướt qua Hà Nội như một du khách thì cái đập vào mắt họ chính là những con đường nhỏ hẹp, bụi bặm và hàng quán lộn xộn. Muốn yêu được Hà Nội phải hiểu được con người, những tấm lòng Hà Nội, về những giá trị ẩn chứa bên trong cuộc sống của mỗi con người nơi đây. Hà Nội mạnh về nội công chứ không phải là ngoại kích. Nếu so về độ hoành tráng thì Hà Nội không so được với TP Hồ Chí Minh. Người Hà Nội đáng yêu ở cái thẳm sâu bên trong.
Không nhất thiết phải quê Hà Nội, sinh ra, lớn lên ở Hà Nội mới có tình yêu Hà Nội. Theo tôi, bất cứ người nào hiểu, trân trọng và biết yêu Hà Nội thì đều có thể coi là người Hà Nội. Tôi thích câu thơ của Annaton Franc: “Quê hương tôi là nơi có bầu trời xanh và mây trắng”.
+ Từ năm 1990 đến nay, năm nào ông cũng tổ chức show diễn ở Hà Nội. Có bao giờ ông bị áp lực bán vé?
- Áp lực không có vì may mắn dân Hà Nội thương mình. Bao giờ vé cũng bán hết trước đêm diễn 5 ngày. Vé là do người khác làm, tôi chỉ lo làm nhạc thế nào thật hay. Vì 1 năm làm 2 lần/ 6 đêm nên tôi cố gắng để làm sao cho lần này hay hơn lần trước. Người ta thấy hay hơn thì sẽ đi xem. Có khán giả đợt nào cũng đi xem, xem liền cả chục buổi.
Nhiều nhà báo hỏi tôi, mỗi khi có một chương trình mới là so với chương trình trước thế nào? Tôi không dám so sánh, nhưng tôi luôn cố gắng trân trọng khán giả, cố gắng xứng đáng với tình cảm của khán giả dành cho.
Tôi không phải là người khéo léo lắm. Nhưng tôi làm việc luôn hết mình mà không chờ đợi được ghi nhận. Cũng giống như tình yêu. Họ yêu ai thì sẽ hết lòng hết dạ, họ làm mọi điều với mong muốn đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Có lúc nào được đáp trả, được công nhận thì tôi cảm thấy rất hạnh phúc nhưng nếu không thì cũng không sao vì tôi làm việc trước hết là nhằm thỏa mãn nhu cầu, mong muốn của chính bản thân mình.
+ Nhiều nghệ sĩ có quan điểm, sáng tạo là để thỏa mãn nhu cầu của bản thân, nên có nhiều tác phẩm nghệ thuật xa lạ với cuộc sống. Ông có bao giờ đặt yếu tố nghệ thuật cao hơn yếu tố cuộc sống?
- Tôi đặt yếu tố công chúng lên trên hết. Tôi luôn làm để dành cho họ những cái mà tình cảm họ làm cho mình. Tôi không sợ kẻ xấu nhưng luôn áy náy với người tốt. Luôn cảm thấy mình nỗ lực chưa đủ với mọi người.
Chương trình nghệ thuật nào cũng vậy, trước hết phải đến được với khán giả trong sự yêu mến của họ. Nhiều chương trình tốn kém, nhưng thê thảm lắm. Lễ hội này, kia, tốn kém bao nhiêu tiền của nhưng dư âm của nó đọng lại được bao nhiều? Có bao nhiêu điều để làm nhưng sao festival nào, lễ hội nào cũng phải có múa rồng, múa sạp? Chúng ta cần phải làm lễ hội cho nhân dân nhưng phải làm sao cho xứng với đồng tiền bát gạo bỏ ra.
+ Nhiều người cho rằng vì quá kỹ tính mà ông thường tự đứng ra tổ chức các chương trình của mình?
- Kỹ tính là một phần nhưng phần khác là tôi muốn tự làm để có thể thể hiện ý tưởng, mong muốn của mình được chính xác nhất. Chỉ có tôi mới hiểu được chính mình. Âm nhạc của tôi không diễn nhiều mà phải thật. Nhiều người cố thử diễn nhưng đều thất bại. Vì thế tôi nghĩ rằng thôi thì mình cố gắng mà thật thà để khán giả đến với mình. Và chỉ có tôi mới đòi hỏi được các nghệ sĩ thật thà đến tận cùng.
Nhiều nhạc sĩ trẻ phát biểu rằng các nhạc sĩ Việt Nam đều là công nhân âm nhạc. Nếu được là công nhân âm nhạc tử tế, như thế đã là quý lắm rồi còn hơn là một thằng ất ơ.
+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Dạ Minh (thực hiện)