(Tổ Quốc) - Có một bận, tôi được nghe anh Trần Tiến tâm sự: “Mình có mấy thằng bạn thơ thân lắm như Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật… nhiều lắm, nhớ chẳng hết.
Chúng nó thuở hàn vi thương mình ca sỹ quèn mà chưa nổi tiếng, thế là hùa vào động viên mình làm nhạc. Đến khi mình nổi tiếng thì lại chẳng thấy thằng nào nhờ mình phổ thơ. Cho nên đến giờ mình chưa từng phổ thơ ai...”.
Nói thật nghe ông nhạc sỹ nổi tiếng này “năm câu ba chuyện” như thế, tôi có phần ngờ ngợ, nghĩ không có nhẽ anh quên, hoặc là tôi “mụ mị” rồi. Là bởi chính tôi đây, có nhẽ cũng đã gần nửa thế kỷ, khi ấy còn là một người lính ở Trường Sơn, chẳng đã nghe bài hát “Din ba cầu” của anh phổ thơ anh Phạm Tiến Duật đó sao? (Khi ấy anh Duật cũng đang là một người lính Trường Sơn). Bài hát Din ba cầu ấy, cũng lại do chính anh Trần Tiến ôm ghi ta trình diễn với những lời hát mộc mạc, khỏe khoắn: “To là din ba cầu/ Ấy, khỏe là din ba cầu/ Đại đội có mình tớ/ Nên quý như con đầu… Hớ hơ…” Lính ta nghe anh hát, khoái lắm, vỗ tay cứ vang rừng. Những người lính Hà Nội nhìn anh cứ mê mẩn, bởi khi ấy anh đang là ca sỹ trẻ của đoàn ca múa Hà Nội vào mặt trận phục vụ, người còn thơm lừng mùi hoa sữa. Anh xung phong cùng đoàn vào tuyến đường Trường Sơn ác liệt, nơi có nhà thơ Phạm Tiến Duật đang làm ngất ngây bao người yêu thơ. Tôi biết hai anh này gặp là mê nhau ngay, cái giống người tài vốn vậy, họ nhận ra nhau nhanh lắm, chỉ một buổi là thành tri âm tri kỷ, Bá Nha - Tử Kỳ. Thế là suốt đêm ấy đọc thơ, đàn hát, tâm đắc đến nỗi anh Tiến nhập tâm ngay bài thơ Din ba cầu của anh Duật, và ôm đàn hát ngay thành lời. Tài thế chứ! Anh em chúng tôi là cứ lác mắt. Còn anh Duật cũng xúc động lắm, cứ ngơ ngẩn nhìn anh Tiến còn hơn cả nhìn nữ ca sỹ Huyền Châu xinh đẹp ngồi bên. Từ đấy hai “bố” này cứ nắm tay nhau đi diễn khắp các đơn vị, hét toáng cả rừng Trường Sơn lên bài hát Din ba cầu trong tiếng vỗ tay rào rào của lính tráng!
Thế rồi một thời gian sau, anh Phạm Tiến Duật về Hà Nội lấy vợ, tổ chức đám cưới ngay tại nhà anh Trần Tiến, trên gác hai nhà 94 đường Nam bộ. Căn phòng nhỏ, đám cưới cũng tùng tiệm, nhưng vui vẻ lắm. Bạn bè, anh em lính tráng, rồi văn nghệ sỹ đủ kiểu đến tấp nập, chẳng có chỗ mà ngồi cho hết. Lại có cả mẹ anh Duật từ Phú Thọ về, anh Đỗ Chu hay chuyện thế mà cũng giãn hết bạn bè văn nghệ để nhất mực “Bầm bầm con con” với mẹ anh Duật và cứ ôm cái ấm nước trên tay để rót nước mời Bầm uống liên tục…
Trong đám cưới ấy, khi men rượu làng Vân và bia hơi Hà Nội đã “tây tây”, thì lại chính là anh Trần Tiến chứ chẳng là ai khác ôm ghi ta hát đến khản cả cổ bài hát “Din ba cầu” để mừng cô dâu chú rể, làm tất thảy người dự cứ vỗ tay hát theo rầm rầm. Khí thế quá, cứ như sắp nhảy xuống đường hành quân vào Trường Sơn hết lượt…
Đấy, bài hát ấy còn đây, thế mà sao anh Trần Tiến lại bảo đời anh chửa phổ thơ bất kỳ ai bao giờ là làm sao nhỉ?! Hay là anh quên, hay là chính tôi nhớ nhầm, bài hát ấy là do ai khác phổ nhạc, mà anh Trần Tiến chỉ là người ca sỹ trình bày! Ừ, thì cũng đã sao, bởi cũng đã gần nửa thế kỷ rồi còn gì…
Nhạc sĩ Trần Tiến (ảnh hopamviet.vn) |
Nhưng đúng là anh Trần Tiến dường như chưa phổ thơ ai bao giờ thật, nếu có bài Din ba cầu thì trường hợp này cũng chỉ là hy hữu. Lý giải vì sao anh ít phổ thơ thế, anh Trần Tiến nhăn nhó: “Phổ thơ khó lắm chứ cậu tưởng à, chỉ trong nghề mới biết nó khó. Có loại thơ để đọc, có loại để ngâm, có loại chỉ để nhìn, đọc lên hay ngâm lên là hỏng bét. Còn loại thơ để hát thì chỉ có nhạc Trịnh tự phổ thơ mình mà thôi. Mình nhớ có lần nhạc sỹ Thanh Tùng đùa trêu ai đó: “Ông phổ thơ thế này, phải gọi là “Ngâm thơ tân kỳ” chứ không phải là nhạc, nếu bỏ lời đi, thì chẳng hiểu nó là cái gì.”. Này, mình nhớ không nhầm thì Thanh Tùng cũng chưa phổ thơ ai bao giờ cả”.
Hỏi: “Nhưng có nhiều nhạc sỹ phổ thơ hay lắm, anh phục nhất là ai?” Giả lời ngay: “Hoàng Hiệp, Lê Yên và vài người nữa. Phổ thơ hay cực. Thế mới biết phổ thơ là một nghề. Đấy là sự kết hôn tài tình giữa nhà thơ và nhạc sỹ.”
Tôi nghĩ đấy là một cái lý của anh. Nhưng còn một cái lý khácđể trả lời câu hỏi vì đâu anh không phổ thơ ai. Quan sát nhạc sỹ Trần Tiến nhiều năm, tôi thấy trong con người nghệ sỹ của anh có hẳn ba con người: Ca sỹ, nhạc sỹ sáng tác, và một nhà thơ. Hãy cứ đọc thôi những ca từ của anh, hỏi có là thơ không nhé: “Tạm biệt chim én xưa/ Tạm biệt những giấc mơ/ Và giàn hoa tím bên nhà ai nhớ mong/ Chào nụ hoa bé nhỏ/ dịu dàng trong đám cỏ/ Đợi chờ con én những chiều xa rất xa… (Bài hát Tạm biệt chim én). Hoặc trong bài Ngẫu hứng sông Hồng: “Tôi ôm con sáo bé bỏng của tôi/ lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa/ Một ngày mùa thu đưa cha qua sông/ Một ngày dòng sông đầy tiếng sóng và gió/ Con sáo sang sông bạt gió/ Con xít thương ai lội sông tìm ai?” Hay bài hát Chị tôi: “Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong/ Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không/ Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu Ðông/ Chị tôi chưa lấy chồng…/ Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo/ Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi/ Chị thương hai đứa em thương mẹ già con đau/ Chị tôi chưa lấy chồng…” (Tưởng cứ như hồn thơ Nguyễn Bính!)…
Gần gũi anh tôi biết, con người thơ ca trong anh lúc nào cũng dồi dào cảm xúc, cũng hừng hực những ý tưởng và ngôn từ, anh thường ghi vào một cuốn sổ nhỏ đút trong túi quần, rồi đi đâu cũng cứ lẩm nhẩm cho những giai điệu tràn về thành câu hát, như một cung đoạn sáng tạo khép kín, chẳng còn một chỗ nào cho thơ ca bất kỳ ai khác, kể cả những người bạn thân nhât “len” vào. Con người nghệ sỹ của Trần Tiến là một thực thể âm nhạc hoàn chỉnh, vừa là nhà thơ tạo nên những ca từ, vừa là nhạc sỹ hát lên những dòng thơ ấy bằng nhịp phách, bằng giai điệu, rồi lại vừa bằng chính vòm ngực và cổ họng của mình - người ca sỹ để chuyển tải nó đến với rừng, với suối, với non cao biển rộng, và với những trái tim con người…
Nhạc sĩ Trần Tiến (ảnh zing.vn) |
Ấy thế mà một ngày gần đây, anh lại phổ thơ, liền một lúc hai bài thơ của một nhà thơ trẻ. Có lạ không kia chứ?
Bên vại bia, anh kể với tôi: “Thời gian rồi, chẳng hiểu sao anh lại nổi hứng lên, tập phổ thơ (Anh bao giờ cũng bắt đầu bằng lối nói rất khiêm tốn như thế, mà tôi nghi là có khi anh giả vờ khiêm tốn). Tập phổ thơ thôi nhé, nhưng nó lại vừa được một giải thưởng nghệ thuật quốc tế ở một festival âm nhạc lớn” “Thơ ai thế anh?” Anh khì khì: “Thơ của một ông Thứ trưởng trẻ tuổi. Hai bài: “Giáng sinh không em” và bài “Cao nguyên đá”. “Tên ông ấy là gì vậy anh?” “Trần Tuấn Anh, con trai của bác Trần Đức Lương. Mình đọc thơ cậu ấy thấy rất được. Thú vị nhất là thấy ông Thứ trưởng này rất biết thương dân. Một lần công cán đi qua núi đá nghèo Hà Giang, nhìn núi đá cảm tác mà thành bài thơ Cao nguyên đá đầy nhân ái. Chuyện cứ như cổ tích ấy nhỉ! Này, mình hát cho cậu nghe nhé, vừa được nghe thơ mà vừa được nghe nhạc. Nghe đây...”
Thế là anh Trần Tiến hát, bài hát Cao nguyên đá, thơ của nhà thơ Trần Tuấn Anh:
Kìa bát ấu tẩu, nằm trên triền núi,
Dằn lòng một chiều cuối đông
Kìa bát ấu tẩu sưởi ấm con người
Một đời rừng già , núi cao
Mênh mông đá, cao nguyên ơi
Cao nguyên đói, mênh mông đá.
Hạt ngô nảy mầm vượt lên sỏi đá
Bật dậy, bật dậy nghiến răng
Hạt ngô nảy mầm, thương bé H’mông
Đợi một mùa vàng ngóng trông
Biết làm gì, và sẽ làm gì
Ngẩng lên, ngẩng lên chỉ thấy đá
Cúi đầu cắm mặt, đá quê hương
Vẫn vẹn toàn cuộc sống trường tồn
Một hôm, tưởng anh đang ở Vũng Tàu, tôi gọi điện thoại thăm anh, thì đầu dây đằng kia anh mau mắn khoe với tôi là bài hát Cao nguyên đá được nhóm Ngũ cung nó thu hay lắm cậu ạ. Rồi anh nói thêm: “Chẳng hiểu bây giờ cái nhà thơ thương dân ấy nó làm gì rồi nhỉ?” Tôi chỉ mới kịp nói với anh Trần Tiến rằng, nhà thơ Trần Tuấn Anh ấy em biết, vì năm 2015 vừa được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam cùng một đợt với em” thì thấy từ đầu kia, giọng Trần Tiến hết sức vội vã: “Anh phải tắt điện thoại rồi. Anh đang ngồi trên máy bay chuẩn bị bay em ạ”…
Thế là tôi không kịp “thông tin” về ông nhà thơ Cao nguyên đá cho anh vui, là: Trong phiên họp Quốc hội vừa qua, nhà thơ Trần Tuấn Anh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 2015, vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu là Bộ trưởng Bộ Công thương…
Châu La Việt