(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại phiên họp thứ 40, sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2024.
Số người khiếu kiện từ các địa phương kéo về Hà Nội tăng
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2024.
Báo cáo nêu rõ, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.297 kiến nghị của cử tri. Sau khi rà soát, phân loại, Ban Dân nguyện đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Ban Dân nguyện sẽ theo dõi, đôn đốc để các kiến nghị của cử tri được giải quyết, trả lời đúng thời hạn.
Về tình hình khiếu nại, tố cáo, trong tháng 10 và tháng 11/2024, nhất là trong khoảng thời gian diễn ra Kỳ họp lần thứ 8, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với tháng 9/2024, số người khiếu kiện từ các địa phương kéo về Hà Nội tăng, phát sinh 307 người so với trước Kỳ họp thứ 8.
Về công tác tiếp công dân của Quốc hội, các cơ quan đã tiếp 520 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 456 vụ việc, trong đó có 37 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, các cơ quan đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 50 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 18 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 388 vụ việc.
Về thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ tại các Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, qua công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị tại các kỳ báo cáo trước, có 03 kiến nghị về 05 vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét và giải quyết dứt điểm theo quy định pháp luật.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công khẳng định, ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay. Cụ thể:
Chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan xem xét, có giải pháp kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất và bảo đảm cơ chế đấu giá đất minh bạch nhằm hạn chế hiện tượng trả giá cao rồi bỏ cuộc, ảnh hưởng đến kết quả đấu giá đất; nghiên cứu để đưa ra chế tài xử lý đối với hành vi thao túng thị trường bất động sản.
Bộ Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tại bếp ăn tập thể, bếp ăn căng tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý các nguồn cung cấp thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Về các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người của 17 địa phương thường xuyên tập trung khiếu kiện đông người tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc, nhất là vụ việc mới phát sinh.
Về 13 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, đề nghị chỉ đạo các địa phương tổ chức tiếp, đối thoại các công dân, ban hành quyết định giải quyết (nếu còn thẩm quyền) hoặc tổ chức rà soát, rà soát lại nếu có căn cứ để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Nhân dân rất quan tâm và đánh giá cao Trung ương, Quốc hội, Chính phủ làm gương về sắp xếp tinh gọn bộ máy
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2024 đã khái quát, tổng hợp cơ bản hoạt động công tác dân nguyện của Quốc hội; cung cấp thông tin đánh giá, nhận định tình hình triển khai công tác dân nguyện thuộc trách nhiệm của các cơ quan.
Trên cơ sở tình hình công tác dân nguyện trong kỳ báo cáo, Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng đề xuất và kiến nghị một số nội dung trong Báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ban Dân nguyện đã tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo; công tác tiếp công dân của Quốc hội; thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Trên cơ sở ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó khái quát hơn những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ 8, nhất là đổi mới tư duy, phương pháp, quy trình lập pháp; đánh giá sự cố gắng của Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tập trung tháo gỡ khó khăn trong đời sống sản xuất, đất đai, nhà ở, giáo dục và đào tạo, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; đánh giá cao việc Quốc hội quyết định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; bổ sung trong Báo cáo về việc Nhân dân rất quan tâm và đánh giá cao Trung ương, Quốc hội, Chính phủ làm gương về sắp xếp tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Dân nguyện bổ sung vào Báo cáo về những băn khoăn của người dân về tình trạng thiếu và xuống cấp nhà vệ sinh công cộng ở thành phố lớn; thiếu nhà ở xã hội; tình trạng ùn tắc, ngập úng tại các đô thị lớn.
Đối với những nội dung bổ sung trong kiến nghị, đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại thành phố Hà Nội, tại tỉnh Bắc Giang, tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hải Phòng – đây là 4 địa phương có đoàn đông khiếu kiện đông người, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 41.
Các ý kiến tại Phiên họp cũng đề nghị công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đối với 13 vụ việc phức tạp của 13 địa phương; công khai 17 địa phương có đoàn khiếu kiện đông người. Tăng cường theo dõi, giám sát tình hình giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo, có phương pháp thống kê cách làm hay, trách nhiệm đôn đốc, giám sát của các cơ quan Quốc hội và các Đoàn ĐBQH.
Các ý kiến cũng kiến nghị, đề xuất tăng cường công tác tuyên truyền tốt hơn các chủ trương mới của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; tăng cường chỉ đạo bảo đảm Tết cho người dân, đặc biệt cho các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai vừa qua, các vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm hơn công tác phòng chống tội phạm trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; Chính phủ nghiên cứu cách thức để quản lý các phương tiện xe máy dưới 50 phân khối và xe đạp, xe máy điện, hạn chế tình trạng mất an toàn giao thông...
Khẩn trương hoàn thành các phương án, đề án, sửa đổi các luật để tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong hai ngày diễn ra phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tập trung xem xét việc tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và công tác lập pháp, xem xét thông qua chương trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2025, cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết sắp xếp 50/51 địa phương. Vì thế, tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét tỉnh duy nhất còn lại là Ninh Bình.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trước mắt, các cơ quan chức năng phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để triển khai ngay các Luật được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua, đảm bảo rút ngắn thời gian các khâu chuẩn bị văn bản hướng dẫn để quy định mới đi vào thực tế nhanh nhất, phải đảm bảo các luật được thông qua đi vào thực tiễn khơi thông dòng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Dự kiến các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 là: 122 văn bản, trong đó có 60 nghị định, 06 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 56 thông tư.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu cần khẩn trương hoàn thành các phương án, đề án, sửa đổi các luật để tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.