(Tổ Quốc) - Thất thoát và thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chính là “lỗ hổng” lớn nhất của du lịch Việt Nam sau hơn 2 năm “đứt gãy” do ảnh hưởng của đại dịch. Để đến hôm nay, khi thực hiện chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch, chất lượng nhân lực du lịch được quan tâm.
NCS – Thạc sĩ Võ Hồng Sơn (Trường ĐH Kinh tế - Tài Chính) nhận định ngành du lịch và khách sạn là ngành công nghiệp lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Có vô số ngành nghề là cần thiết để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng trong quá trình du lịch. Tất cả các ngành nghề này đều có ảnh hưởng đến nhau. Vì vậy các cuộc khủng hoảng hay thảm họa tự nhiên có quy mô xuyên biên giới đều ảnh hưởng đáng kể đến ngành du lịch, trong đó có đại dịch Covid-19.
NCS – Thạc sĩ Võ Hồng Sơn viện dẫn thông tin từ Hiệp Hội Du Lịch Châu Á Thái Bình Dương (PATA) về một số trường hợp để làm nổi bật tính dễ tổn thương của du lịch tại các điểm đến trên toàn cầu như: Sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã làm giảm gần 40% lượng khách du lịch trong khu vực; Vụ đánh bom Bali năm 2005 đã chứng kiến tỷ lệ lấp đầy khách sạn trên đảo giảm từ 70% xuống dưới 20%; Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 đã gây ra sự sụt giảm 4% lượng khách quốc tế và giảm 6% doanh thu du lịch quốc tế; Vụ phun trào núi lửa năm 2010 ở Iceland đã khiến hơn 100.000 chuyến bay phải ngừng hoạt động, khiến các hãng hàng không mất khoảng 1,7 tỷ USD chỉ trong 6 ngày; Và không thể không đề cập tới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi các chính phủ áp dụng các hạn chế đi lại để kiểm soát sự lây lan, cả du lịch quốc tế và nội địa về cơ bản đã đóng cửa, với lượng khách quốc tế năm 2020 giảm xuống chỉ còn 27% so với năm trước.
Thống kê của Tổng cục Du lịch khiến chúng ta phải xót xa, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp. Đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh và phụ huynh khi lựa chọn đăng ký vào các ngành du lịch.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cảnh báo nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhân lực du lịch bị thất thoát rất nhiều. Trong số lao động du lịch mất việc, 43,66% chuyển nghề đều là người có thâm niên 5-10 năm trong nghề và 23,56% là người có thâm niên trên 10 năm. Số lượng hướng dẫn viên chuyển nghề lên đến hơn 70%, và trong số này có lực lượng đông đảo hướng dẫn viên biết 2-3 ngoại ngữ. Riêng tại TPHCM – Trung tâm du lịch lớn cả nước – dịch Covid-19 đã khiến 80% nhân lực du lịch nghỉ việc.
Trước đó, Hội đồng Lữ hành Thế giới (WTTC) cũng đã chỉ ra, trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 đã làm mất đi 62 triệu trên tổng số 334 triệu việc làm trong ngành du lịch. WTTC cũng dự báo, sau khi dịch bệnh đi qua, thế giới sẽ xảy ra khủng hoảng trầm trọng nguồn nhân lực du lịch và khuyến nghị mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt thực trạng này.
Một thống kê từ Tổng cục Thống kê cho hay, tháng 3/2022 (chỉ nửa tháng sau chính sách mở cửa) có khoảng 41,7 nghìn lượt khách quốc tế tới Việt Nam, con số này gấp 2,2 lần so cùng kỳ năm 2021. Sang tháng 4/2022, khách quốc tế tới Việt Nam đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng gấp 2,4 lần so với tháng 3 và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 88,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ giảm 10,5%; bằng đường biển giảm 58,7%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch lữ hành tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022 và tháng 4/2022 có các kỳ nghỉ lễ nên nhu cầu du lịch của người dân tăng mạnh.
Giải thích về sự "hồi sinh" của du lịch sau chính sách mở cửa 15/3, Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, Uỷ viên BCH Trung Ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và Hướng nghiệp JobWay cho rằng, về mặt tâm lý có thể thấy trong thời gian qua bị dồn nén quá nhiều do phải cách ly, giãn cách. Nó như một lo xo bị nén và chỉ chờ cơ hội thuận lợi để bung ra. Du lịch giống như một cục than hồng, lúc nóng rực, lúc được bao phủ bởi lớp bụi than, nhưng nó vẫn âm ỉ chờ ngày bùng cháy. Du lịch luôn là nhu cầu, là sở thích của tất cả mọi người, bởi vì khi đó, ta được trở về với chính ta, với những giây phút thư giãn và khám phá những điều mới mẻ. Chính vì vậy, du lịch sẽ hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch và nguồn lao động trong lĩnh vực này sẽ luôn rất cần để phục vụ đông đảo du khách.
"Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch tại Việt Nam cũng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Các bằng chứng trên cho thấy ngành du lịch đang đối mặt với khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử cả về khí hậu, tự nhiên và dịch bệnh. Covid-19 không thể được ứng phó theo cách tương tự như các cuộc khủng hoảng trước đó, và các chiến lược phát triển du lịch trước năm 2019 cần phải thay đổi và điểu chỉnh. Vì thị trường, kênh phân phối và sản phẩm đều thay đổi đáng kể. Du lịch đã trở nên nhỏ hơn, đơn giản hơn và được quản lý nhiều hơn trước. Trong đó nâng cao khả năng phục hồi điểm đến du lịch (Tourism Destination Resilience-TDR) thông qua công tác đào tạo.", NCS – Thạc sĩ Võ Hồng Sơn cảnh báo.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học KH XH & NV- ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng: Việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch cũng đã được thể hiện rất rõ trong chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ nộp hồ sơ đăng ký của các trường đại học những năm qua. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các cơ sở đào tạo có ngành du lịch đã dẫn đến cạnh tranh nhau trong tuyển sinh và đào tạo. Học sinh còn tâm lý e ngại ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến sự bấp bênh trong nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Đơn cử như: Trường Đại học KH XH&NV- ĐHQG Hà Nội năm 2018 có tỷ lệ chọi là trên 80, năm 2019 là gần 55, năm 2020 là gần 46, năm 2021 chỉ còn hơn 27 và nay (2022) nhích hơn xíu là hơn 34; Khoa Du lịch (Đại học Văn hóa TPHCM) trong năm 2020 tuyển được 330 sinh viên, năm 2021 tuyển được 320 sinh viên, và dự kiến năm 2022 chỉ tiêu tuyển 240 sinh viên; Truường Đại học Tài chính – Marketing là trường đại học có sinh viên theo học các ngành du lịch và liên quan đến du lịch vẫn chiếm tỷ lệ cao, năm 2021 tuyến được gần 800 sinh viên nhưng dự báo năm 2022 này sẽ thấp hơn.
Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Trần Hoàng Phương, Q.Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội kiêm Chánh Văn phòng Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng: Sau 2 năm nghỉ dịch thì tay nghề, kỹ năng và kiến thức của nhân lực du lịch (hướng dẫn viên) bị sụt giảm nghiêm trọng. Vì thế cũng khó cho các công ty lữ hành khi không còn "lòng tin", không thể nhắm mắt đưa tay giao tour, giao khách cho hướng dẫn viên trong giai đoạn này được. Vì độ chắc chắn phải kiểm tra, huấn luyện đội ngũ phục vụ lại toàn diện về mọi mặt. Đó là chưa kể việc cập nhật tuyến điểm thường xuyên do qua dịch mọi thứ đã thay đổi rất nhiều.
"Nhân lực (trong đó quan trọng là hướng dẫn viên) là bộ phận cực kỳ quan trọng, mang tính chất quyết định thành công của tour vì thế cần tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp để họ có thể an tâm làm nhiệm vụ. Đặc biệt, khi du lịch quay trở lại nhu cầu tìm hướng dẫn viên chất lượng cao vô cùng khó khăn, nhiều người đã bỏ nghề, nhảy việc. Song song đó thu nhập bấp bênh, lúc có lúc không khiến cho "đất sống" của hướng dẫn viên ngày càng ít... Việc thiếu nguồn nhân lực sẽ tạo ra "rào cản" lớn trong thời điểm khi các hoạt động du lịch đang trở lại trong điều kiện bình thường mới. Vì thế, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.", Thạc sĩ Nguyễn Trần Hoàng Phương nói thêm.
(...còn tiếp)