(Tổ Quốc) - Với những nỗ lực của các y bác sĩ từ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19, chúng ta tin rằng tất cả sẽ vượt qua dịch bệnh nguy hiểm này.
Đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 đã lây lan cho hơn 80.000 người trên thế giới và làm hơn 2.700 người thiệt mạng. Đã có không ít những y bác sĩ Vũ Hán vì dịch bệnh nguy hiểm toàn cầu này.
Đến với chương trình "Cất cánh" tháng 2 với chủ đề "Món quà vô giá" được phát sóng trên kênh VTV6, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi tuyến đầu chống dịch chia sẻ tới khán giả những câu chuyện sau gần một tháng đương đầu với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).
Công việc của Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ yếu là tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. Ngoài các ca bệnh thông thường khác của các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, đây là tuyến đầu trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona.
"Tôi là Nguyễn Trung Cấp đến từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – nơi tiếp nhận và cách ly các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Đặc trưng của các vùng dịch là nhu cầu của xã hội vượt xa so với khả năng đáp ứng hiện tại. Vì thế, trong tất cả các vùng dịch, chúng ta chỉ có thể hướng tới một mục tiêu chính: hạn chế số người mắc bệnh, hạn chế số thiệt hại về nhân mạng, kinh tế và xã hội; những mục tiêu khác chúng ta có thể bỏ qua, ví dụ như sự tiện nghi, sự dễ chịu của bệnh nhân – đôi khi chúng ta không đạt được.
Và nếu như người bệnh cùng với thầy thuốc chấp nhận điều đấy, cùng chia sẻ với nhau thì chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm. Nhưng thiếu đi sự chia sẻ, đồng cảm đó, sức ép đối với các nhân viên y tế sẽ gia tăng lên rất nhiều. Đồng nghĩa với đó, sự kiệt sức của nhân viên y tế gia tăng và hiệu quả lao động của họ sẽ giảm đi một cách nghiêm trọng.
Chúng tôi phải đối mặt với một vấn đề khác nữa – vấn đề tin giả "fake news". Chúng xuất hiện gây ra sự hoảng loạn của xã hội, sự giành giật đến cả vật tư y tế dùng để phòng chữa bệnh, giành giật nhau cả sự chăm sóc của thầy thuốc và dẫn tới sự phân tán nguồn lực cần thiết dành cho những người đang mắc bệnh, thậm chí dẫn tới sự phân biệt, ngược đãi đối với cả những người đang làm công tác chống dịch.
Tuy nhiên, vượt qua cả những điều đó, tất cả nhân viên của chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng và vững tin bước vào cuộc chiến. Đó không chỉ cuộc chiến của các thầy thuốc mà đằng sau đó còn là của muôn vàn những người làm nhiệm vụ khác nữa: những người làm công tác vệ sinh, những nhân viên phục vụ nấu ăn, những bảo vệ… Không có họ, những nhân viên y tế chúng tôi gặp vô vàn khó khăn. Trong cuộc chiến này, có họ sát cánh, chúng tôi luôn luôn biết ơn.
Có thể dịch bệnh còn có nguy cơ diễn biến phức tạp nhưng cá nhân tôi tin rằng chúng ta sẽ vượt qua. Mỗi một khi có một bệnh nhân được hồi phục, được ra viện, được trở về với cộng đồng, chúng tôi rất vui.
Tôi không biết những nhân viên y tế đã trải qua các vùng dịch có phải những người hùng hay không? Tôi không biết. Nhưng tôi nghĩ thế này: chúng tôi chẳng bao giờ có đủ can đảm đi xem công an có súng bắt tội phạm, chúng tôi cũng chẳng bao giờ đủ can đảm đi xem bộ đội tháo gỡ bom mìn nhưng chúng tôi đứng trước dịch bệnh, luôn vững tâm, không lùi bước.
Chúng tôi hi vọng rằng với sự góp sức của cộng đồng, chúng ta sẽ chiến thắng tất cả."