• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhận thức đúng và đủ về môi trường văn hóa

Văn hoá 05/09/2021 09:11

Ðược nhìn nhận là yếu tố rất quan trọng, tác động đến quá trình hình thành nhân cách con người, là “thiên nhiên thứ hai, là cái vườn ươm tạo nên nhân cách văn hóa của con người”, vì vậy, theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn (ảnh nhỏ), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cần nhìn nhận và chú trọng đặc biệt vấn đề xây dựng môi trường văn hóa - đặt trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam hiện đại.

Nhận thức đúng và đủ về môi trường văn hóa - Ảnh 1.

Không gian sáng tạo khởi nghiệp BKH-Up-Co (Hà Nội). Ảnh: BKACAD

- Thưa ông, từ góc nhìn của một người am hiểu sâu về lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa có vai trò như thế nào, đặt trong mục tiêu xây dựng con người Việt Nam đáp ứng đòi hỏi của xã hội hiện đại?

Nhận thức đúng và đủ về môi trường văn hóa - Ảnh 2.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn

- Chúng ta quan niệm rằng, môi trường văn hóa là những điều kiện chung quanh để hình thành nên lối sống văn hóa của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, như vậy, theo logic này, nếu chúng ta có một môi trường văn hóa tốt, chúng ta có điều kiện tốt để xây dựng lối sống văn hóa, và từ đó hình thành những giá trị đạo đức tốt đẹp cho cá nhân và xã hội. Chính vì thế, từ trước tới nay, Ðảng và Nhà nước ta luôn chú trọng xây dựng môi trường văn hóa để phát triển văn hóa đất nước.

Các yếu tố cấu thành nên môi trường văn hóa như các giá trị văn hóa, thiết chế văn hóa, sinh hoạt văn hóa và sản phẩm văn hóa tác động rất lớn đến sự hình thành văn hóa của mỗi cá nhân. Ðó là những yếu tố cung cấp định hướng đồng thời điều kiện cho sự hình thành văn hóa. Nếu như các giá trị cung cấp cho chúng ta các định hướng hành vi nên hay không nên thực hiện thì các thiết chế văn hóa giúp cho mỗi cá nhân địa điểm, sinh hoạt văn hóa và sản phẩm văn hóa giúp hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Ðó là lý do chúng ta luôn coi môi trường văn hóa là thiên nhiên thứ hai, tạo nên nhân cách cho con người.

Trong triết lý của Nho giáo có câu: Nhân chi sơ, tính bản thiện, có nghĩa rằng, bản tính con người sinh ra vốn là thiện. Hiểu theo cách tiếp cận này, môi trường chung quanh con người có vai trò quyết định đến việc người đó sẽ trưởng thành như thế nào. Một môi trường tốt, đầy ắp tình yêu thương, nhân ái sẽ là điều kiện thuận lợi để phát huy những đức tính tốt của con người. Vì thế, xây dựng môi trường văn hóa trong lành, hướng con người đến chân - thiện - mỹ chính là giải pháp căn cơ nhất để chúng ta xây dựng nền văn hóa nói chung, con người nói riêng.

- Dù đã tập trung nhiều nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp, môi trường văn hóa hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề gây bức xúc và quan ngại. Ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

- Xây dựng môi trường văn hóa là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thận trọng. Khác so với các hoạt động kinh tế - xã hội khác, để thấy được hiệu quả từ các hoạt động văn hóa, chúng ta cần có nhiều thời gian để kết tinh, lắng đọng. Nhưng khi đã kết tinh, lắng đọng rồi, những giá trị văn hóa sẽ tạo nên sức mạnh cho dân tộc. Chúng ta chỉ mất 5-10 năm để xây dựng một thành phố hiện đại nhưng phải mất 10-20 năm, thậm chí lâu hơn nữa để hình thành lối sống văn minh cho đô thị đó. Nhưng như Bác Hồ đã nói, “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, việc xây dựng văn hóa, con người luôn phải được xem trọng và coi là mục đích của sự phát triển đất nước.

Trong hoàn cảnh như vậy, xây dựng môi trường văn hóa sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Hình thành hệ giá trị để định hướng lối sống chẳng hạn là rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi mà chúng ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng, nền kinh tế thị trường khiến cho lợi ích cá nhân được đề cao và tạo ra sự đa dạng, xung đột về lợi ích, chưa kể những tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới khiến nhiều trải nghiệm của chúng ta từ trước không còn đúng trong xã hội mới, những giá trị truyền thống tưởng chừng bền vững giờ lại bị thách thức bởi những giá trị mới. Khi những giá trị cũ, không còn phù hợp chưa mất hẳn, những giá trị mới lại chưa định hình một cách rõ ràng, thì sẽ tạo ra những khoảng trống nhất định trong việc định hướng giá trị chung cho mỗi cá nhân và cả xã hội. Ðiều này gây ra rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt hiện nay ở cả trong từng gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Ðây là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta quan ngại về việc phát triển văn hóa trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chứng kiến các yếu tố khác của môi trường văn hóa cũng gặp vấn đề. Các thiết chế văn hóa còn khó khăn trong chuyển đổi mô hình hoạt động, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi. Các sản phẩm văn hóa của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong nước. Tất cả những vấn đề này cần phải được lưu ý trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Dù chúng ta đã có nhận thức tốt hơn rất nhiều về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, tuy nhiên, ở chỗ này, chỗ kia, với một số người vẫn chưa xác định được đúng tầm mức ý nghĩa của văn hóa. Nên dường như ở nhiều nơi, việc xây dựng và phát triển văn hóa chỉ là việc riêng của ngành văn hóa, thể hiện cụ thể ở bố trí nguồn lực cho văn hóa chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực văn hóa. Trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, ban hành năm 2009, chúng ta đã đặt chỉ tiêu 1,8% tổng chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa, điều mà đến tận thời điểm này (năm 2021) chúng ta vẫn chưa thực hiện được. Các khu vui chơi, giải trí có nhiều hơn nhưng những nơi dành cho phúc lợi chung, ở địa thế thuận tiện lại phải nhường chỗ cho các khu trung tâm thương mại. Chế độ đãi ngộ với văn nghệ sĩ, cán bộ làm văn hóa cũng có nhiều bất cập khiến cho sự nhiệt tâm, cống hiến để tạo ra những sản phẩm văn hóa xứng tầm thời đại chưa đáp ứng được yêu cầu của Ðảng và Nhà nước cũng như nhu cầu của nhân dân.

- Với một hiện trạng cần xem xét và điều chỉnh như vậy, đặt trong bối cảnh đất nước và thế giới đang trải qua thử thách lớn - dịch Covid-19, gây hậu quả nặng nề và lâu dài, cần có những giải pháp như thế nào để tạo dựng môi trường văn hóa có hiệu quả tích cực cho quá trình xây dựng con người Việt Nam hiện đại?

- Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất vẫn xuất phát từ nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, vị trí của môi trường văn hóa đối với sự phát triển văn hóa, đất nước nói chung, mỗi tổ chức, cá nhân nói riêng. Cần nhận thức rằng, xây dựng môi trường văn hóa cũng giúp hình thành văn hóa gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, nhờ vậy mỗi thiết chế này sẽ hoạt động tốt hơn và từ đó, xã hội cũng phát triển bền vững hơn.

Hình thành các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định để điều tiết các mối quan hệ trong các yếu tố của môi trường văn hóa cũng là một giải pháp quan trọng. Xây dựng môi trường văn hóa cần phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả xã hội, không chỉ riêng một ngành hay một cá nhân cụ thể nào. Những thí dụ cụ thể, những điển hình tốt cũng cần được truyền thông, phổ biến rộng rãi hơn để công chúng hiểu hơn về lợi ích của việc xây dựng môi trường văn hóa.

Môi trường văn hóa giờ đây cũng khác trước, không chỉ là không gian hiện thực, yếu tố trực tiếp mà còn cả những không gian ảo, thông qua internet và mang tính gián tiếp. Lưu ý để tất cả các không gian này, xem xét bối cảnh xã hội số, kinh tế số, công dân số trong mối quan hệ với việc hình thành văn hóa số là một giải pháp hướng tới tương lai. Làm được như vậy, chúng ta góp phần tạo điều kiện hình thành nên một môi trường văn hóa Việt Nam lành mạnh, phù hợp với việc phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo Nhandan.vn

NỔI BẬT TRANG CHỦ