(Tổ Quốc) - Là công dân của một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới, nhưng người dân Nhật Bản cũng “nổi tiếng” về trình độ Tiếng Anh “chưa bao giờ bằng ai” của mình.
Đổ nhiều công sức, tiền của vào học tiếng Anh, nhưng trình độ tiếng Anh của người Nhật vẫn "dậm chân tại chỗ" |
Trong bảng xếp hạng chỉ số trình độ Tiếng Anh (EF English Proficiency Index, EPI), Nhật Bản đứng ở vị trí 26/63 quốc gia, dưới Hàn Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, những người nước ngoài từng sống ở đây cho biết, trong thực tế, năng lực sử dụng tiếng Anh của dân Nhật còn tệ hại hơn rất nhiều. Một báo cáo của tổ chức English First cho biết “trong vòng 6 năm trở lại đây, trình độ Tiếng Anh của người trưởng thành Nhật Bản không hề tăng lên một chút nào.” Theo bảng xếp hàng của chứng chỉ TOEIC, Nhật Bản đứng ở vị trí 40/48; còn chứng chỉ TOEFL tuyên bố trình độ tiếng Anh của người dân đất nước mặt trời mọc vào dạng tệ nhất ở châu Á.
E ngại khi đưa tiếng Anh vào trường học
Hệ thống giáo dục của Nhật Bản bao gồm 6 năm cấp I, 3 năm cấp II, 3 năm cấp III và 4 năm (hoặc 2 năm) đại học. Cho đến tận năm 2002, hầu hết học sinh Nhật Bản mới bắt đầu học tiếng Anh như một môn học bắt buộc khi bước vào cấp II. Mặc dù, học sinh có thể chọn các ngôn ngữ khác, nhưng phần lớn các em đều chọn tiếng Anh bởi đây cũng là một môn thi đầu vào trong kỳ thi đại học.
Một số trường cho học sinh tiếp xúc với tiếng Anh từ lớp 1 |
Một trong những cuộc tranh cãi lớn nhất liên quan đến giáo dục ngoại ngữ tại Nhật Bản là việc Bộ Giáo dục, Khoa học và Văn hóa nước này đưa tiếng Anh vào cấp I. Năm 1998, theo yêu cầu của Bộ, tiếng Anh bắt được được giới thiệu tại một số trường tiểu học tại đây, kể từ năm 2002. Đến tận năm 2011, tiếng Anh mới trở thành môn học chính thức cho học lớp 5 (10 tuổi) nhưng cũng chỉ ở mức một buổi/tuần và giáo viên không chấm điểm. Mặc dù vậy, nhiều trường vẫn giảng dạy theo chương trình tiếng Anh của riêng mình, và có một số trường bắt đầu cho học sinh tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ lớp 1.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Nhật Bản, đến năm 2020, tiếng Anh sẽ trở thành môn học chính thức cho học sinh lớp 3 và lớp 4, trong khi số lượng giờ tiếng Anh cho học sinh lớp 5 và lớp 6 sẽ được tăng lên.
Đổ tiền tấn vào học tiếng Anh
Số tiền được Chính phủ và cả người dân Nhật Bản đổ vào để cải thiện tình hình học tiếng Anh của con em mình được đánh giá là khổng lồ. Hàng năm, Chính phủ rót hơn 3 triệu yên vào Chương trình Trao đổi và Dạy học (JET) – trả tiền cho những giáo viên, tình nguyên viên từ hơn 40 quốc gia trên thế giới, đến để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến dạy và học tiếng Anh tại các trường mẫu giáo, cấp I, cấp II và cấp III tại Nhật Bản. Tính đến năm 2015, chỉ tính riêng chi phí trả lương, JET đã tiêu tốn khoản tiền lên tới 130 triệu USD.
Chương trình JET tiêu tốn số tiền khổng lồ của Chính phủ |
Về phía các bậc phụ huynh, không hài lòng với chương trình giáo dục tiếng Anh của Chính phủ, người Nhật Bản thường gửi con cái đến các lớp học thêm, học gia sư tại nhà hoặc cho theo học tại hệ thống trường tư bằng tiếng Anh – với niềm tin rằng, càng đầu tư nhiều tiền, thế hệ trẻ của nước này sẽ có thể giao tiếp tiếng Anh tự tin với phần còn lại của thế giới.
Nhưng “dốt” vẫn cứ… dốt
Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để giải thích cho tình trạng trình độ tiếng Anh của người Nhật vẫn giậm chân tại chỗ, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, cũng như lượng tiền đã bỏ ra. Có thể điểm qua một số nguyên nhân chính như sau:
Tiếng Anh dạy trên lớp chỉ tập trung vào ngữ pháp |
Vấn đề đầu tiên, theo các chuyên gia, đó chính là việc nền giáo dục Nhật Bản quá coi trọng các kỳ thi đầu vào – tình trạng chung của giáo dục châu Á. Tương tự như tại Việt Nam, kỳ thi đại học được coi là một trong những sự kiện lớn nhất, với hơn 500.000 thí sinh tham gia hàng năm. Do tiếng Anh là một môn thi bắt buộc, nên việc dạy và học tiếng Anh trên lớp chủ yếu tập trung vào ngữ pháp và các câu trắc nghiệm hơn là những tình huống giáo tiếp trong thực tế. Theo một thống kê của Bộ Giáo dục nước này, chỉ có khoảng 40% giáo viên cấp II và cấp III Nhật Bản kết hợp cả 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết trong nội dung giảng dạy của mình trên lớp.
Ông Masaaki Tsuya, CEO của Bridgestone. Năm 2013, tập đoàn này đã đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ công sở chính |
Thứ hai, tiếng Anh không thực sự được coi trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hầu hết các công ty mới chỉ coi tiếng Anh là một kỹ năng được ưu tiên, chứ không phải là bắt buộc tiến hành tuyển dụng. Cho đến nay, mới chỉ có một nhóm nhỏ các tập đoàn lớn của nước này dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ công sở chính trong hoạt động hàng ngày và kêu gọi nhân viên tăng cường sử dụng tiếng Anh. Trong xã hội Nhật, tiếng Anh vẫn bị coi như một thứ “trang trí”, chứng tỏ đẳng cấp, thay vì phục vụ cho cuộc sống. Trong nhiều trường hợp, cổ súy học tiếng Anh còn bị coi là đi ngược lại với bản sắc quốc gia. Năm 2013, Hoji Takahashi, một luật sư 71 tuổi đã kiện đài truyền hình NHK, yêu cầu đền bù 1,41 triệu Yên vì đã sử dụng những từ ngữ vay mượn từ tiếng Anh trong chương trình phát sóng. “Đất nước này đang trở thành một tỉnh của nước Mỹ,” ông Hoji nói.