Nhằm thu hút du khách nước ngoài, sắp tới, Nhật Bản sẽ cho xây dựng một hồ cá Heo, một công viên giải trí và hồ tạo sóng khổng lồ ở Kyoto, cố đô của xứ sở Hoa Anh đào.
Nhằm thu hút du khách nước ngoài, sắp tới, Nhật Bản sẽ cho xây dựng một hồ cá Heo, một công viên giải trí và hồ tạo sóng khổng lồ ở Kyoto, cố đô của xứ sở Hoa Anh đào.
Nhưng có một số ý kiến trái chiều cho rằng, khu công viên thủy sinh dự kiến mở cửa vào năm 2012 có nguy cơ phá vỡ bầu không khí lịch sử của Kyoto, thành phố của những ngôi nhà và đền chùa cổ kính.
Tuy nhiên, Kyoto có xây khu công viên thủy sinh hay không thì các chuyên gia cho rằng, Nhật Bản cần xem xét lại cách tiếp cận ngành du lịch của mình, ngành công nghiệp trị giá 944 tỷ USD trên toàn thế giới, lớn hơn cả ô tô và thép. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, tuy có nhiều điểm đến hấp dẫn như thành phố cổ Kyoto, thành phố Tokyo hiện đại hay các khu trượt tuyết và nghỉ dưỡng bên bờ biển, Nhật Bản cũng chỉ thu hút khoảng 8,4 triệu du khách nước ngoài năm 2008, một con số hết sức khiêm tốn so với lượng du khách 79 triệu người tới Pháp, 58 triệu người tới Mỹ và 53 triệu người tới Trung Quốc (TQ). Chính phủ Nhật Bản cho biết, năm 2009, lượng du khách tới Nhật giảm 18,7%, xuống còn 6,79 triệu người.
Năm 2008, Nhật Bản chỉ thu về 10,8 tỷ USD từ du khách nước ngoài, bằng 1/10 doanh thu 110 tỷ USD mà Mỹ kiếm được từ du khách quốc tế. Các quan chức chính phủ Nhật Bản cho rằng, thiếu ngân sách cho du lịch khiến nước này trở thành điểm du lịch kém hấp dẫn. Theo các nhà phê bình, cho đến nay, thị trường du lịch ở Nhật Bản hầu như chỉ phục vụ cho du khách nội địa. Điều này có nghĩa là phần lớn cơ sở hạ tầng du lịch của Nhật không đáp ứng được kì vọng của du khách nước ngoài.
Bên cạnh đó, chiến lược phát triển du lịch của Nhật bị tác động theo hướng đầu tư cho các dự án xây dựng và công viên giải trí, còn công tác bảo tồn các di sản văn hóa và tự nhiên của quốc gia chưa được quan tâm nhiều.
Alex Kerr, người dân sống lâu năm tại Kyoto và sáng lập ra Iori, công ty chuyên trùng tu các ngôi nhà cổ cho biết, sau chiến tranh, Kyoto ít quan tâm đến việc bảo tồn các khu phố truyền thống dù chúng là điểm đến thu hút du khách nhất. Còn Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Kyoto cho biết, vào những năm 1990, hơn 40.000 ngôi nhà gỗ cổ đã biến mất khỏi trung tâm Kyoto. Mặc dù các ngôi đền và khu vườn cổ vẫn còn nhưng chúng đang dần bị lấn át bởi các tòa nhà hiện đại và biển quảng cáo tràn ngập khắp thành phố.
Theo Alex Kerr, chính phủ Nhật từ lâu đã thờ ơ với việc đầu tư cho du lịch, ngành công nghiệp được xem là chỉ duy trì các việc làm có mức lương thấp.
Các quan chức Kyoto cho rằng, du lịch có thể tồn tại song song với phát triển hiện đại. Keiji Yamada, thống đốc tỉnh Kyoto cho biết: “Dĩ nhiên chúng tôi quan tâm đến cảnh quan ở Kyoto và sẽ gìn giữ nó, nhưng chúng tôi cũng phải cạnh tranh với thế giới".
Các quan chức địa phương cho rằng, khu công viên thủy sinh sẽ đặc biệt thu hút du khách. Tập đoàn Orix cho biết, khu công viên thủy sinh sẽ là “một không gian tương tác và giáo dục”, giới thiệu các sinh vật biển trong và ngoài nước. Tetsuya Nagai, người phát ngôn của tập đoàn Orix nói: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp với người dân địa phương và sẽ xem xét ý kiến của họ”. Nhưng nhiều người dân không đồng tình với kế hoạch của Orix và cho rằng họ muốn để yên cho công viên Umekoji.
Theo New York Times