(Tổ Quốc) - Nhằm thúc đẩy nỗ lực của Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chương trình "Thể thao cho ngày mai (SFT)" để mang lại niềm vui về thể thao cho ít nhất 10 triệu trẻ em ở 100 quốc gia vào năm 2020.
VĐV TDDC Kohei Uchimura, Nhật Bản. Ảnh jsfd.org
Lĩnh vực Thể thao vì sự phát triển (SfD) đã mang tới những thay đổi trong xã hội thông qua thể thao. Thể thao ở đây được đề cập tới thông qua các hoạt động và sự phát triển thể chất để mang tới lợi ích cho cá nhân, xã hội, về mặt y tế và kinh tế. Dù thể thao là một công cụ cho hoà bình và phát triển đã diễn ra trong cộng đồng quốc tế một khoảng thời gian, Chính phủ Nhật Bản gần đây mới bắt đầu tìm cách đóng góp cho lĩnh vực này - một phần trong nỗ lực của Tokyo để tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020. Nhằm thúc đẩy nỗ lực của Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chương trình "Thể thao cho ngày mai (SFT)" để mang lại niềm vui về thể thao cho ít nhất 10 triệu trẻ em ở 100 quốc gia vào năm 2020.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện từ năm 2016 cho thấy đạt được mục tiêu này là khó với tốc độ hiện tại. Sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Nhật Bản đang tạo ra nhiều vấn đề khác nhau cho thế giới thể thao ở Nhật Bản, và tầm quan trọng của việc hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua thể thao chưa được hiểu đúng đắn. Hầu hết người dân Nhật Bản không quen thuộc với cả SfD và SFT, mặc dù phạm vi và số lượng hoạt động của SFT được kỳ vọng sẽ được gia tăng theo cách tiếp cận quảng bá cho Olympic Tokyo và Paralympic.
Phát triển thể thao (SD) và Thể thao vì sự phát triển tại Nhật Bản
Hoạt động hỗ trợ phát triển chính thức
Chính phủ Nhật Bản từ năm 1989 đã thành lập các chương trình Hỗ trợ cho các chương trình hỗ trợ cộng đồng quy mô nhỏ (ví dụ, xây dựng phòng tập thể dục cho người khuyết tật), từ 10 triệu yên trở xuống và do các tổ chức thứ 3 ở các nước đang phát triển vận hành. Nguồn vốn chủ yếu được các cơ quan ngoại giao Nhật Bản tại nước ngoài phân phối. Còn chương trình hỗ trợ tài trợ cho các lĩnh vực văn hóa đã tồn tại từ năm 1975, chủ yếu để hỗ trợ văn hóa và giáo dục đại học. Về phần thể thao, có thể được nhìn thấy trong tất cả các chương trình này như là một hoạt động cơ sở, liên quan đến 'an ninh con người', và là một phần của văn hóa.
Ngoài ra, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thể thao đã được cung cấp thông qua các chương trình tình nguyện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Dự án Hợp tác Kỹ thuật Cơ sở. Theo khuôn khổ này, các hoạt động liên quan đến SD và SfD lớn nhất mà Chính phủ Nhật Bản đã tham gia là cung cấp các tình nguyện viên. Tình nguyện viên JICA được lựa chọn bằng cách thông qua các kỳ thi mà tiêu chuẩn đánh giá là dựa trên yêu cầu hỗ trợ. Sau khi dành khoảng 70 ngày đào tạo tại Nhật Bản, họ được cử ra nước ngoài trong khoảng hai năm. Tính đến năm 2016, cơ quan phụ trách Tình nguyện viên Nhật Bản hợp tác ở nước ngoài (JOCV) - đã gửi hơn 42.000 tình nguyện viên đến 88 quốc gia kể từ năm 1965. Khoảng 10% - hơn 4.000 tình nguyện viên đã tham gia vào các hoạt động thể thao. Kể từ những năm 1980, tầm quan trọng của hỗ trợ giáo dục đã tăng lên, và nhiều tình nguyện viên đã được gửi đến tham gia các chương trình giáo dục thể chất. Vì các nước đang phát triển có thêm các đề xuất khác nhau (ví dụ, hướng dẫn cho các đội tuyển quốc gia của họ hoặc hỗ trợ việc nâng cao trình độ từ mức cơ sở), tình nguyện viên phải có trình độ chuyên môn khác nhau. Điều này cũng có nghĩa là các chương trình và hoạt động của SfD trở nên trùng lặp với các khía cạnh phát triển SD truyền thống.
Ảnh minh họa. Nguồn Tokyo2020
Hỗ trợ liên quan đến thể thao dưới hình thức hỗ trợ kỹ thuật cũng được cung cấp thông qua Dự án Hợp tác Kỹ thuật Cơ sở. Dự án này tài trợ cho các hoạt động của các trường đại học, thành phố, tổ chức và các nhóm khác mang lại lợi ích cho cộng đồng ở các nước đang phát triển và được coi là một dạng của ODA. Mặc dù số lượng nhỏ, các dự án này đã được thực hiện ở Lào, Campuchia, Kenya và Malaysia. Nhìn chung, trong khi hỗ trợ quốc tế liên quan đến thể thao được cung cấp dưới hình thức tài trợ công nghệ, các dự án như vậy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí ODA và số tiền tài trợ là tương đối nhỏ so với số tiền được các quốc gia phát triển khác hỗ trợ.
Hoạt động của các tổ chức liên quan đến thể thao
Trong khi quy mô hỗ trợ cấp quốc tế được cung cấp bởi các tổ chức liên quan đến thể thao không lớn, đã có một số nhóm hoạt động trong nhiều năm. Ủy ban Olympic Nhật Bản, Hiệp hội Thể thao Nhật Bản, Viện Judo Kodokan và các nhóm khác đã tham gia vào các dự án như vậy và họ đang mời hoặc cử đi huấn luyện viên, vận động viên và các quản trị viên thể thao. Các nhóm này cũng tham gia rất sâu vào các dự án ODA liên quan đến thể thao. Tuy nhiên, không giống như các nước phát triển khác, các hoạt động này không có sự ủng hộ về mặt chính sách như một lĩnh vực phát triển và công việc của họ phần lớn gắn liền với các sáng kiến trao đổi.
Gần đây Japan League đã có đóng góp vào Chiến lược châu Á hướng đến các nước đang phát triển. Trong thị trường bóng đá toàn cầu, bao gồm phí phát sóng bản quyền, hơn 200 tỷ yên được cho là chảy từ châu Á đến châu Âu mỗi năm. Chiến lược châu Á nhằm mục đích phát triển nền bóng đá châu Á để đảo ngược dòng chảy này. Ngoài việc chuyển giao kiến thức để quản lý các giải đấu chuyên nghiệp và tăng cường hỗ trợ cấp cao, các sáng kiến này đã bao gồm việc thiết lập các phòng hỗ trợ kỹ năng và cung cấp bóng, đồng phục để tăng số lượng người tham gia vào môn bóng đá của khu vực. Đồng thời, sáng kiến này cũng có những lĩnh vực ít liên quan trực tiếp đến bóng đá hơn, chẳng hạn như giáo dục chống thiên tai, đào tạo về chế độ ăn uống và tiếp thị du lịch. Các dự án này đã được thực hiện tại Thái Lan, Việt Nam, Brunei, Myanmar, Indonesia, Malaysia, Qatar, Singapore, Campuchia, Đông Timor, Philippines, Lào, Sri Lanka, Bhutan, Nepal, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc). Các dự án đã được thực hiện tại một loạt các nền tảng khác nhau, như các trại tị nạn, trường học và cộng đồng bị thiệt hại do thiên tai. Một loạt các quan hệ đối tác đã được thành lập, bao gồm ở mức câu lạc bộ với các câu lạc bộ bóng đá Nhật Bản, các tổ chức viện trợ, các công ty và các phương tiện truyền thông. Những điều này có thể được mô tả như những hoạt động hàng đầu cho thấy việc thực hiện chương trình của SfD Nhật Bản.
Trong khi đó, ngân hàng bóng chuyền của Hiệp hội bóng chuyền Nhật Bản đã thu thập hơn 6.000 quả bóng chuyền từ khắp nơi trên Nhật Bản - bao gồm các quả bóng được sử dụng gần như mới từ các giải đấu chính thức. Ngân hàng bóng chuyền của Hiệp hội Bóng chuyền Nhật Bản cũng đã thu thập các cột, lưới, ăng-ten, hộp đựng bóng và các thiết bị khác để quyên góp cho các nước đang phát triển thông qua hơn 30 sáng kiến. Tuy nhiên, trái ngược với các hoạt động của J-League, các hoạt động của ngân hàng bóng chuyền có thể được coi là thể hiện sự tham gia của hình thức SD cổ điển.
Hoạt động của các nhóm dịch vụ công
Số lượng các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận thực hiện các hoạt động SD hoặc SfD ở Nhật Bản đã tăng mạnh kể từ năm 2000. Ví dụ như triển khai nhiều sáng kiến sau trận động đất 2011 để cung cấp cơ hội tham gia các môn thể thao cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Những hoạt động thể thao như vậy giải quyết vấn đề thiếu cơ hội tập thể dục và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ về mặt tinh thần trong số khoảng 380.000 người được sơ tán đến 2.000 phòng tập thể dục trường học và các trung tâm khác khi thảm hoạ xảy ra.
Hơn nữa, Quỹ Nhật Bản, được thành lập năm 1972 với tư cách là một tổ chức chính phủ thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cũng có mục tiêu thúc đẩy trao đổi giữa các cá nhân trong giới nghiên cứu Nhật Bản, giáo dục tiếng Nhật, nghệ thuật, xuất bản, phim ảnh và văn hóa. Các dự án của Quỹ Nhật Bản đã gửi các giảng viên thể thao ra nước ngoài và thực hiện các bài giảng cũng như nhiều hoạt động liên quan đến Karate, Judo và các môn võ thuật khác.
Một số trường đại học và viện nghiên cứu Nhật Bản cũng thực hiện các hoạt động liên quan đến SD hay SfD. Các cơ hội hiếm có dành cho các trao đổi nghiên cứu đặc biệt liên quan đến SfD cũng được thúc đẩy, như các hội nghị thường niên về thể thao từ năm 2002. Năm 2013, Hiệp hội Phát triển Quốc tế Nhật Bản đưa ra một phiên lên kế hoạch "vai trò mới cho thể thao trong Hội nghị mùa xuân thường niên lần thứ 13 về thể thao của họ". Gần đây, Hiệp hội Giáo dục thể chất, Y tế và Khoa học thể thao Nhật Bản cũng đã cân nhắc mở ra một lĩnh vực mới là "phát triển thể thao quốc tế". Đại học Tsukuba và Viện Thể dục và Thể thao Quốc gia ở Kanoya cũng cung cấp chương trình thạc sĩ chung về "Hoà bình và phát triển quốc tế thông qua thể thao" và mở rộng các cơ sở nghiên cứu của họ. Nhìn chung, điều này cho thấy rằng các nhóm dịch vụ công là một cơ chế ngày càng tăng trong không gian SfD và họ dự kiến sẽ cung cấp cơ hội ngày càng nhiều cho các học viên và các nhà nghiên cứu SfD.
SfD trong chính sách thế thao và Olympic cùng Paralympic Tokyo 2020
Vào tháng 10 năm 2015, chính phủ Nhật Bản đã thành lập Cơ quan Thể thao Nhật Bản như một bộ phận đối ngoại của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ. Ý tưởng là nơi này sẽ thống nhất các chính sách thể thao nhiều năm qua được thực hiện bởi hàng loạt các cơ quan - bao gồm Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch. Trước đó, việc xây dựng một cơ quan chính phủ mới trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hướng tới việc dàn mỏng chính quyền trung ương và phân cấp quyền lực cho chính quyền địa phương trở nên không dễ dàng. Và khi Tokyo được chọn để tổ chức Olympic và Paralympic 2020, những bên tham gia vào ngành thể thao nhận ra cơ hội được chờ đợi từ lâu - là thành lập cơ quan trên và cơ cấu gồm năm phòng ban: bộ phận chính sách, bộ phận thể thao vì sức khoẻ, bộ phận thể thao mang tính cạnh tranh, thể thao quốc tế và bộ phận Olympic/Paralympic (có xác định thời hạn).
Các hoạt động liên quan đến SD và SfD được thực hiện bởi bộ phận Olympic/Paralympic đã được quyết định nhanh chóng trong suốt thời gian Tokyo giành quyền đăng cai Olympic. Trong bài thuyết trình giành quyền đăng cai cuối cùng của Thủ tướng Abe, ông đã nêu ra chương trình 'Thể thao cho ngày mai" - SFT để Nhật Bản đóng góp cho xã hội, quốc tế thông qua thể thao cho đến năm 2020. Mục tiêu của SFT là mang niềm vui của thể thao đến ít nhất 10 triệu trẻ em tại 100 quốc gia vào năm 2020 thông qua các dự án: (1) hỗ trợ việc thành lập các học viện thể thao, (2) đóng góp cho thể thao quốc tế thông qua các quan hệ đối tác song phương chiến lược, (3) tăng cường các hoạt động chống doping quốc tế, (4) phát triển sự tham gia vào Olympic/Paralympic trên toàn quốc, và (5) nghiên cứu ý tưởng về kho lưu trữ thể thao kỹ thuật số.
Mặc dù kế hoạch đã được phân bổ khoảng 1,22 tỷ yên trong ngân sách của Cơ quan Thể thao cho năm tài chính 2016 và 1,17 tỷ yên cho ngân sách 2017, vẫn khó có thể xác định phần trăm ngân sách nào đã, đang và sẽ được sử dụng thực tế cho các chương trình SD và SfD theo những nội dung trên. Tuy nhiên, nhiệm vụ, mục tiêu và điều kiện cụ thể được liệt kê ở trên cho thấy rằng một tỷ lệ nguồn tiền dự chi lớn sẽ được phân bổ cho các sáng kiến SD truyền thống. Còn các dự án đóng góp cho thể thao quốc tế thông qua quan hệ đối tác song phương chiến lược có thể được coi là phiên bản SfD của Nhật Bản. Chúng bao gồm xuất khẩu giáo dục thể chất theo phong cách Nhật Bản cho các trường học ở các nước đang phát triển và hỗ trợ việc tổ chức các sự kiện thể thao. Cơ quan Thể thao đã ký thoả thuận với một tổ chức SFT và các tổ chức liên quan khác để thực hiện các dự án.
Kể từ khi SFT được đưa ra, ngân sách và số lượng thành viên tham gia chương trình này dường như đã phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, khi những đóng góp thực tế cho các nước đang phát triển vẫn cần được xem xét vì mới có tác động rất hạn chế. SFT sẽ cần phải tạo ra nhiều kết quả hơn để lời hứa vươn tới 10 triệu người ở 100 quốc gia được thực hiện. Trên thực tế, Nhật Bản khó có khả năng đạt được điều này trong khuôn khổ hiện tại, nơi công việc của văn phòng điều hành chủ yếu liên quan đến việc công nhận các hoạt động của những thành viên trong hiệp hội như các dự án SFT. Điều này cho thấy ngân sách - hơn một tỷ yên từ Chính phủ Nhật Bản hầu như chưa được sử dụng hiệu quả. Hơn nữa, khi các hoạt động thực hiện tự nguyện với các quỹ tư nhân cũng được tính là một phần của SFT, thì các biện pháp và tác động thực sự của chương trình rất khó xác định.
Vấn đề và triển vọng cho SfD của Nhật Bản
Một số quốc gia phát triển đã cẩn trọng khi tìm hiểu về khái niệm SfD cách đây nhiều năm, và đã theo đuổi các chính sách, nghiên cứu theo cách phản ánh các hoạt động thực sự được thực hiện ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, có vẻ như Nhật Bản đã đột ngột mở chiếc ô SFT trùng với đợt tranh quyền đăng cai Olympic và Paralympic 2020. Trước đó, chỉ có một số lượng hạn chế các dự án SfD được thực hiện một cách lặng lẽ như một phần của ODA hoặc bởi các tổ chức phi chính phủ. Có rất ít sự thảo luận về SfD như một lĩnh vực mới, với rất ít người tham gia vào các chương trình SfD của chính quyền, chính sách hoặc nghiên cứu về nó. Những người tham gia SfD thường thực hiện công việc đó tách biệt với trách nhiệm nghề nghiệp thường xuyên của họ, hoặc chỉ là một phần nhỏ trong hoạt động của họ và ít người là chuyên gia SfD.
Hướng tới Olympic 2020 và Paralympic Tokyo, những thay đổi năng động trong thể thao và các lĩnh vực liên quan dưới sự lãnh đạo của Cơ quan Thể thao mới đang được mong đợi và SfD nên được bao gồm như một trụ cột trung tâm.
Nếu điều này có thể được thực hiện một cách chiến lược, Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ tri thức và tài nguyên thể thao chuyên biệt của họ. Như đã mô tả ở trên, hơn 4.000 JOCV đã hoặc đang tham gia vào các chương trình JICA. Các tình nguyện viên có kinh nghiệm đã dành trung bình hai năm tham gia những hoạt động liên quan đến thể thao ở các nước đang phát triển và hiện đang hoạt động ở cả Nhật Bản cũng như nước ngoài trong trường học, tổ chức quốc gia, viện nghiên cứu, hiệp hội thể thao, các tổ chức thành phố trong khu vực, hiệp hội cạnh tranh, giải đấu chuyên nghiệp, những công ty tư nhân, NPO và NGO. Nếu một khuôn khổ được tạo ra để tận dụng lợi thế kinh nghiệm của họ, nhiều người có thể sẽ tham gia một cách nhiệt tình. Điều này có thể sẽ xây dựng nên một đội ngũ những người hỗ trợ vận động viên tại Olympic Tokyo 2020 và Paralympic Games, đặc biệt là từ các nước đang phát triển. Nếu tận dụng được đội ngũ này, một dịch vụ hỗ trợ tuyệt vời có thể được cung cấp cho các vận động viên khi những tình nguyện viên hiểu rõ tiếng nói và phong tục nước họ. Dịch vụ như vậy tại sự kiện thể thao quy mô lớn có thể là một đặc điểm độc đáo chưa được tìm thấy tại các sự kiện tương tự đã diễn ra ở các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Nhật Bản cho SfD phải hướng đến tạo ra một tầng lớp mới những người thể hiện sự quan tâm đến SfD. Nếu mục tiêu của SFT là hướng tới 10 triệu người ở 100 quốc gia, một hệ thống cần được tạo ra để tài trợ cho các hoạt động như vậy trên toàn thế giới, thì cần phải tạo khuôn khổ để nói cho người dân Nhật Bản rằng ngân sách này đang được sử dụng thích hợp. Tài trợ, thông tin và khuôn khổ để chia sẻ kinh nghiệm là cần thiết để thực hiện các dự án SfD chung và trong SFT. Tăng số lượng người tham gia SfD và đạt được những tri thức thực tế từ việc thực hiện dự án sẽ giúp đảm bảo rằng khái niệm về SfD tồn tại ở Nhật Bản không chỉ tới năm 2020 mà còn đi xa hơn.