• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Nhặt em bé từ thùng rác”: nóng bỏng giáo dục giới tính tại Trung Quốc

Giáo dục 15/02/2017 20:14

(Tổ Quốc) - Người Trung Quốc không ngại “ngây thơ” trong chuyện “phòng the”; nếu hiểu biệt sâu, họ có thể bị đánh giá là vô đạo đức.  

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng nóng kinh tế và hiện đại hóa với tốc độ cao, nhiều người cho rằng những quan niệm bảo thủ về xã hội và tình dục của Trung Quốc đã thay đổi.

Ở bề mặt nổi, dường như nhận định trên là không sai. Tại các thành phố lớn, số lượng các khách sạn tình yêu và cửa hàng bán đồ tình dục đã bùng nổ, thậm chí còn nhiều hơn các cửa hàng cà phê và quán trà. Tuy nhiên, nếu nhắc đến cụm từ “giáo dục giới tính” với  bất kỳ người Trung Quốc nào, có nhiều khả năng, bạn sẽ nhận được những cái nhìn ngượng ngùng hoặc lảng tránh.

“Em bé được nhặt về từ thùng rác”

Một trong những câu trả lời thông dụng nhất cho câu hỏi “bố mẹ ơi, con từ đâu sinh ra?” mà các bậc phụ huynh Trung Quốc thường đưa ra cho con cái mình, chính là họ nhặt được em bé… từ một thùng rác nào đó. Một số người khác tỏ ra “tâm lý” hơn khi nói, em bé chui ra từ một cái chân của người mẹ.

Lý do các ông bố bà mẹ chọn cách trả lời như vậy không phải bởi vì họ đang trêu chọc đứa trẻ, mà do họ không dám đối mặt với vấn đề giới tính. Cho đến thời điểm hiện tại, các bậc phụ huynh Trung Quốc vẫn tin rằng, dạy trẻ em về an toàn tình dục sẽ dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, vì vậy, họ quyết định bỏ qua và không nhắc gì đến điều này.

Giờ học giáo dục giới tính tại một trường tiểu học của Trung Quốc

Theo Cecily Huang, một nhà sản xuất người Trung Quốc hiện đang làm việc cho hãng tin ABC tại Australia, mẹ cô luôn cho rằng con gái mình chưa từng quan hệ tình dục, mặc dù Huang đã 34 tuổi và từng sống chung với bạn trai trong hơn một năm.

Tại Trung Quốc, quan hệ tình dục trước hôn nhân từng được nhìn nhận là một hành động sai trái, đáng xấu hổ. Huang cho biết, cô và các bạn không hề được dạy dỗ về giới tính khi còn đang trên ghế nhà trường. Ở trung học, họ có tham dự lớp học “vệ sinh sinh lý”, nhằm mục đích chuẩn bị tâm lý cho học sinh về những thay đổi cơ thể khi dạy thì. Khi nói đến phần về nữ giới, các nam sinh sẽ được yêu cầu rời khỏi lớp học và ngược lại.

Nhiều em gái Trung Quốc vẫn tin rằng, hôn bạn trai sẽ bị mang thai. Thậm chí, nhiều thế hệ học sinh còn truyền nhau câu chuyện về một nữ sinh đã vô cùng hoảng sợ, nghĩ mình “dính bầu” khi để một bạn nam cùng lớp sử dụng khăn mặt của mình.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet đã trở thành một kênh tin tức – giáo dục hiệu quả và riêng tư hơn để thanh thiếu niên Trung Quốc tìm hiểu về giới tính và tình dục. Mặc dù có thể tiếp cận được rất nhiều nguồn tin, tuy nhiên, hầu hết các thông tin trên Internet đều không mang tính khoa học, mà chỉ phục vụ cho mục đích thương mại. Và đương nhiên, nếu xem phải các nội dung khiêu dâm, giới trẻ sẽ nhận được những thông điệp sai lầm hoặc thiếu rõ ràng.

Giáo dục giới tính đã, và vẫn đang là một chủ đề cấm kỵ

Huang tiết lộ, rất nhiều bạn gái của cô tại Trung Quốc không uống thuốc tránh thai khi quan hệ tình dục, bởi họ quan niệm, biện pháp này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Trong khi đó, cánh đàn ông hầu như luôn từ chối sử dụng bao cao su. Vì thế, phần lớn trong số họ lựa chọn cách “phóng tinh bên ngoài” – chưa bao giờ được đánh giá là biện pháp tránh thai an toàn nhất.

Tương tự như Việt Nam, vấn đề lớn nhất đối với phụ  nữ Trung Quốc là, một khi mang thai, họ sẽ hoặc phải kết hôn ngay lập tức, hoặc phải lựa chọn phá thai, bởi vì một đứa con ngoài giá thú không được chấp nhận về cả mặt xã hội lẫn luật pháp tại Trung Quốc.

Theo truyền thống, người Trung Quốc không được quan hệ tình dục khi chưa kết hôn. Độ tuổi kết hôn hợp pháp ở quốc gia đông dân nhất thế giới là 20 đối với nữ, và 22 đối với nam - độ tuổi kết hôn “già nhất” trên thế giới, cũng như trong lịch sử Trung Quốc. Độ tuổi này được tính toán để phù hợp với chính sách một con trước đây của nước này.

Đáng buồn là, nhiều thanh niên vẫn lựa chọn bỏ rơi con mình do không chịu được những áp lực từ gia đình và xã hội. Ước tính mỗi năm, có khoảng 10.000 đứa trẻ bị bỏ rơi trên đường phố tại Trung Quốc. Ngoài ra, căn bệnh HIV cũng là một mối đe dọa đáng kể. Trong vòng 5 năm qua, mặc dù tổng số ca nhiễm HIV trên toàn Trung Quốc sụt giảm, nhưng tỷ lệ mắc bệnh trong giới trẻ lại tăng tới 35%.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân mấu chốt chính là giáo dục giới tính tại Trung Quốc, thậm chí còn không được đem ra thảo luận, chưa nói đến việc được giảng dạy hiệu quả trong trường học.

Sự cần thiết của giáo dục giới tính không được nhìn nhận đầy đủ tại Trung Quốc

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Cecilia Huang hỏi ba nam sinh viên của Đại học Vũ Hán rằng họ có biết sử dụng bao cao su đúng cách không. Một người cho biết, hồi nhỏ, cậu ta thường nghịch bao cao su bằng cách bơm nước vào bên trong. Một người khác chia sẻ, cậu mới chỉ đọc hướng dẫn sử dụng bên ngoài, mà chưa có cơ hội vận dụng vào thực tế. Người cuối cùng tỏ ra ngượng ngập và từ chối trả lời.

Nhìn chung, người Trung Quốc không e ngại mình “ngây thơ” nếu được hỏi về tình dục. Ngược lại, nếu bạn hiểu biết cặn kẽ về vấn đề này, bạn sẽ nhận được những đánh giá tiêu cực từ những người xung quanh.

Những cá nhân “dũng cảm” muốn thay đổi thực tế

Giáo sư Peng Xiaohui của Đại học sư phạm Hoa Trung (thuộc thành phố Vũ Hán) là một trường hợp hiếm hoi tại Trung Quốc. Ông là một chuyên gia giới tính và luôn mong muốn được nâng cao nhận thức của người dân nước mình về lĩnh vực này. Các bài giảng của ông rất nổi tiếng trong giới sinh viên; tuy nhiên, bên ngoài xã hội, ông lại bị đánh giá là đang tuyên truyền các giá trị xấu, và biến nam thanh niên thành những người đồng giới. Peng thậm chí từng bị một người phụ nữ phản đối bằng cách ném phân vào mặt.

Giáo dục giới tính tại Trung Quốc vẫn bị đánh đồng với khiêu dâm và vô đạo đức

Vị giáo sư của Đại học Hoa Trung cho biết, vấn đề cốt lõi là các nhà giáo dục và cộng đồng Trung Quốc đang đánh đồng giáo dục giới tính với khiêu dâm và vô đạo đức. Mặc dù năm 2001, Bộ Gia đình nước này đã soạn thảo luật về giáo dục giới tính, nhưng việc thực hiện còn rất sơ sài, và chưa thực sự hiệu quả.

Theo Peng, tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, tình hình đã bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên, ông và những đồng nghiệp tâm huyết với thế hệ trẻ Trung Quốc còn phải làm rất nhiều việc, để có thể đem giáo dục giới tính trở thành một khái niệm được chấp nhận, trên những phần còn lại của quốc gia rộng lớn này.

(Theo ABC)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ