• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhạt nhẽo như…hài trên truyền hình

Văn hoá 29/06/2012 09:45

(Toquoc)- Có một thời kỳ, các tiểu phẩm hài trên truyền hình đặc biệt có sức hút với khán giả. Nhưng như một vận động viên điền kinh không biết phân phối sức, những tiểu phẩm hài trên truyền hình đang ngày một đuối.

(Toquoc)- Có một thời kỳ, các tiểu phẩm hài trên truyền hình đặc biệt có sức hút với khán giả. Nhưng như một vận động viên điền kinh không biết phân phối sức, những tiểu phẩm hài trên truyền hình đang ngày một đuối.

Thăng và trầm

Khoảng 5 năm trước, những tiểu phẩm hài trên truyền hình là món ăn hấp dẫn, được khán giả nhiệt tình đón nhận. Thậm chí, nhiều tên tuổi các diễn viên hài đã nổi tiếng nhờ đóng các tiểu phẩm hài trên truyền hình và từ đó “làm mưa làm gió” trên sân khấu.

Thành công nhất phải kể đến chương trình “Gặp nhau cuối tuần” thu hút khán giả mọi lứa tuổi ngồi trước màn hình mỗi sáng thứ Bảy. Nhờ có sự thành công của tiểu phẩm hài trên truyền hình mà thời điểm đó, sân khấu kịch đâu đâu cũng diễn hài và “khai phá” ra hàng loạt các tên tuổi nghệ sỹ hài như Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Quang Thắng, Vân Dung…

Chương trình hài trên truyền hình: Bao giờ mới trở lại "thời hoàng kim"? (ảnh minh họa)

Suốt một thời gian dài, các tiểu phẩm hài luôn được ưu đãi sóng. Thậm chí, trước khi phát sóng một số bộ phim, tiểu phẩm hài cũng được xen vào phát sóng. “Thừa tự tin” với sự thành công của tiểu phẩm hài và các sao hài, Đài truyền hình VN thậm chí còn làm hẳn một bộ phim mà phần lớn diễn viên là các ngôi sao hài đã thành công từ các chương trình của nhà đài là “Những người độc thân vui vẻ”. Nhưng thời kỳ “đỉnh cao” này không lâu. Dấu mốc của thời kỳ này có thể coi là từ cuối năm 2006, đầu năm 2007, khi “Gặp nhau cuối tuần” của nhà Đài dần mất đi sự đặc sắc vốn có và phải dừng lại. Cũng tương tự, ngay cả “Gặp nhau cuối năm”- một chương trình được đầu tư kỹ lưỡng cũng có phần nhạt dần sau từng năm. Và bộ phim “Những người độc thân vui vẻ” dù được mua lấy kịch bản từ Trung Quốc nhưng mỗi tập phim cũng không khác gì một tiểu phẩm hài kém duyên mà khán giả không thể cười nổi. Giống như số phận của “Gặp nhau cuối tuần”, bộ phim đã phải dừng giữa chừng vì bị dư luận phản đối.

Gần đây, các tiểu phẩm hài lại tái xuất trên truyền hình. Những tưởng hài trên truyền hình sẽ sống lại khi khán giả không ngớt bàn tán về các câu chuyện hỏi đáp hài hước của “Hỏi Xoáy- đáp Xoay”. Tuy nhiên, sự thay đổi nhân sự khiến các chương trình cứ dần dần “thiếu muối” và giờ đây có thể khẳng định, không còn nhiều khán giả ngồi lại trước ti vi để theo dõi chương trình này.

Gần đây nhất là “thảm họa” của hài trên truyền hình khi Quang Thắng và Vân Dung tái xuất trên chương trình hài của Đài TH Hà Nội. Vào vai hai nông dân, ngoại hình xấu xí với bối cảnh lò gạch, tiểu phẩm chỉ là những câu thoại cố gây cười mà chẳng thể chọc khán giả cười của hai nhân vật.

Thậm chí diễn viên Xuân Bắc, khi được hỏi nhận xét thế nào về hài kịch hiện nay, đặc biệt là hài trên truyền hình đã trả lời khá “hài” rằng: “Tôi không dám nhận xét, vì tôi mà nói ra rồi lại sinh ra cãi nhau. Chỉ biết rằng giờ tôi không dám nhận lời đi đóng hài trên truyền hình nữa”.

Có trở lại thời hoàng kim?

Nhưng hài kịch và tiểu phẩm hài là mảnh đất mà các nhà đài không muốn bỏ. Chương trình “Thư giãn cuối tuần” được coi là sự trở lại của “Gặp nhau cuối tuần” đang được phát sóng đều đặn. Tuy nhiên, liệu tiểu phẩm hài trên truyền hình có thể sống lại thời hoàng kim hay không thì lại là câu “hỏi xoáy”.

Lý giải về sự đi xuống của biểu đồ hài kịch trên truyền hình, diễn viên hài Thành Trung chia sẻ: “Cái gì cũng có giới hạn của nó, dùng nhiều thì dần dần sẽ hết. Chúng ta đã trải qua những chương trình hài hay nhất nên khán giả sẽ khó có thể vừa lòng với những chương trình tiếp theo như hiện nay”.



Theo Thành Trung, để lấy được nước mắt khán giả còn khó hơn lấy được nụ cười. Trong khi đó, khán giả ngày càng khó tính hơn bởi trình độ thưởng thức nghệ thuật cao hơn, bởi vậy, đòi hỏi các nghệ sỹ phải cống hiến hết mình nếu muốn có sự hồi sinh của hài kịch. Diễn viên Thành Trung cho biết: “Để hài kịch sống lại, chúng ta còn thiếu nhiều. Ngoài vốn thì còn thiếu biên kịch, diễn viên, đạo diễn… Trong đó đặc biệt là vấn đề kịch bản. Kịch bản chỉ đóng 1/2 sự thành công của tiểu phầm hài kịch nhưng là “bộ xương” để nghệ sỹ sáng tạo. “Xương” không tốt, đắp càng nhiều “thịt” thì càng dễ đổ”.

Nghệ sỹ hài Chí Trung thì lý giải: “Hài trên truyền hình là hài xem miễn phí, hài "mậu dịch", ngay cả người thực hiện cũng chỉ coi là "chuyện thoáng qua" nên làm đơn giản, sơ sài. Rất ít những chương trình hài truyền hình được đầu tư kỹ càng về tâm, tài, tiền như Gala Cười, Gặp nhau cuối năm… Và đương nhiên, không đầu tư thì chất lượng phải kém”.

Với tình hình này, để có được những chương trình, tiểu phẩm hài “ra tấm ra món” trên truyền hình, có lẽ khán giả còn phải đợi dài dài./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ