• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhạt phai phong vị Tết xưa

Văn hoá 27/01/2017 09:00

(Tổ Quốc) - Vẫn hoa đào đỏ, vẫn bánh chưng, trẻ em vẫn tíu tít diện quần áo mới, song giờ đây, dường như hương vị ngày Tết không còn đậm đà như trước.

Tết để nuôi dưỡng đạo lý

Trong cái lạnh run rẩy, người người tất bật như chạy đua với thời gian, lo cho xong hết những việc cuối năm. Trong những tất bật ấy, không ít người nặng lòng với Tết xưa vẫn thèm đâu đó hương nước lá mùi già tắm ngày 30 Tết, mùi lá dong quyện với gạo nếp phảng phất trong không khí từ nồi bánh chưng sôi lục bục.

Vì sao cái Tết không còn là sự háo hức? Lý do đưa ra thì vô vàn. Người thì cho rằng giới trẻ ngày nay thích hướng ngoại, người thì đổ tại do môi trường sống thay đổi, ra chợ mua bánh chưng lúc nào cũng có, đâu như trước đây chỉ Tết đến mới có bánh chưng nên nhà nhà gói bánh, luộc bánh, để những đứa trẻ háo hức ngồi trông nồi bánh chưng…

Song có lẽ, phong vị ngày Tết đậm hay nhạt đi lại do chính mỗi người quyết định. Ngày Tết, dẫu có bao thay đổi thì vẫn là ngày đoàn viên, sum vầy. Bởi vậy, ngày Tết sẽ vụt qua nếu mỗi người không tự biết tạo nên một không gian để lắng mình lại giữa ồn ào cuộc sống, để cùng những người thân yêu của mình cảm nhận khoảnh khắc bên nhau trong những giờ phút giao thời linh thiêng ấy.

Sự đoàn tụ sum vầy là giá trị tốt đẹp nhất của truyền thống Tết

Theo nhiều nhà nghiên cứu, sự đoàn tụ sum vầy là giá trị tốt đẹp nhất của truyền thống Tết.

Nhưng xưa, cả nhà quanh năm vẫn ở trong làng, trong tỉnh, nên Tết thế nào cũng có thể về đoàn tụ. Ngày nay, có thể gia đình bố mẹ ngoài Bắc, con cái ở trong Nam, hay bố mẹ trong nước, con cái ra nước ngoài… Nhà thì quê vợ ở tỉnh này, quê chồng ở tỉnh kia. Ngày Tết, muốn đoàn viên không dễ. Ô tô, tàu hỏa, máy bay… cháy vé. Người người chen chúc, ùn ùn trên các chuyến xe rời thành phố….

Trong bối cảnh đó, việc nhiều gia đình quyết định năm nay về quê nội, năm sau về quê ngoại; năm nay cả nhà sum họp vào dịp Tết, năm sau sum họp vào dịp hè; ngày Tết thay vì về quê thì đưa con cái đi du lịch… chính là những thử nghiệm tạo ra những phong tục mới, truyền thống mới thích hợp hơn.

Sự thử nghiệm những cái mới, phù hợp với đời sống hiện đại không có nghĩa là coi thường ý nghĩa của ngày Tết mà để cuộc sống văn minh hơn.

Thực tế, hiện nay, nhiều bà nội trợ “sợ Tết”, trước Tết thì tất bật mua đồ về chất đầy tủ lạnh, rồi tất bật nấu ăn cả mấy ngày Tết để cúng bái, phục vụ khách, chồng con…

Nhưng theo TS Lê Thị Minh Lý- Thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, ngày Tết, nếu cả nhà cùng chung tay góp sức nấu bánh chưng, trang hoàng nhà cửa, cúng giao thừa… trong không khí chan hòa, vui vẻ thì rất hay, nhưng nếu đổ dồn tất cả mọi công việc cho một hai người thì quá nặng nề, họ chỉ mong đừng có Tết để khỏi khổ. Tại sao không chấp nhận mua bánh chưng dịch vụ, mua giò chả siêu thị; mà siêu thị sang ngày mồng hai Tết đã mở cửa lại rồi, sao nhiều nhà vẫn giữ nếp ngày xưa là trước Tết phải đi chợ tích trữ đủ thứ chất đầy tủ lạnh?

Dù chuộng Tết cổ truyền, nhưng theo TS Lê Thị Minh Lý, chỉ cần gìn giữ những phong tục có ý nghĩa giáo dục cao mà ít gây phiền hà, tốn kém.

 “Mỗi gia đình một vẻ, một cách ăn Tết, không nên bắt buộc phải theo một khuôn khổ nào, chỉ cần giữ được tinh thần ngày Tết là kế thừa và chuyển giao. Điều quan trọng là người lớn cần giáo dục cho con cháu hiểu, yêu những nét đẹp của truyền thống để tự giác giữ gìn”- bà Lý chia sẻ.

Với những gia đình “trốn Tết” bằng cách đi du lịch, bà Lý cũng cho rằng, đó cũng không phải là sự hưởng thụ sai lệch. Tuy nhiên, nếu hài hòa ngày lễ Tết với dịp nghỉ thì sẽ vừa giữ gìn được văn hóa truyền thống, vừa tạo được cơ hội nghỉ ngơi bên nhau của các gia đình.

“Ngày cuối năm là ngày quan trọng. Đó là ngày mình dọn dẹp dan thờ, bày biện sắp cơm cúng tổ tiên. Ngày 23 tháng Chạp cũng vậy, cứ tưởng tượng rằng trong nhà có một ông thần bếp- người coi sóc việc gia đình, mình làm mâm cơm tiễn ông ấy về trời báo cáo cho Ngọc Hoàng những gì mình làm được trong năm qua. Vì vậy, phải làm xong bữa cơm cúng trời đất đêm cuối năm, đón năm mới ngày mùng 1. Rồi sau ngày đầu tết đi thăm ông bà, họ hàng anh chị em, chúng ta có thể đi du lịch. Vì đây là kỳ nghỉ có ý nghĩa với gia đình. Đừng coi nặng đó là sự hưởng thụ sai lệch”- bà Lý nhận xét

Xã hội càng hiện đại, càng cần Tết cổ truyền

Nhiều giá trị của các phong tục tập quán trong ngày Tết dần bị mai một, vì nhiều người trẻ không nhận thức được Tết là một di sản văn hóa. Theo TS Lê Thị Minh Lý, Tết truyền thống là cái Tết của ông bà tổ tiên, của gia đình.  Xã hội càng hiện đại, ta càng cần có một dịp trong năm để ngồi lại với nhau để chia sẻ, nhìn lại những chặng đường đã đi trong năm qua, nhớ về tổ tiển và giáo dục con cái. Đó chính là ý nghĩa của Tết.

Chẳng hạn, trước Tết có tục tảo mộ, là dịp hướng con cháu đến ông bà, tổ tiên để đừng mất gốc, quên cội nguồn. Tết về, mọi gia đình trang hoàng nhà cửa thì “ngôi nhà” của người đã khuất cũng cần được chăm sóc. Trẻ nên được dắt ra nghĩa trang, nhổ cỏ mộ; trường hợp hỏa thiêu gửi cốt ở chùa thì đưa con cháu đến chùa thắp hương; người lớn tranh thủ kể lại tính cách, công ơn, kỷ niệm sâu sắc về ông bà để con cháu ghi khắc và tự hào.

Đêm giao thừa nên giữ tục cúng tổ tiên, trời đất. Giao thừa là thời điểm giao hòa giữa năm cũ - mới trong phạm vi vũ trụ. Đặt mâm ngoài sân cúng Trời Đất, người lớn giáo dục con cháu ý thức tôn trọng quy luật tự nhiên. Đặt mâm trên bàn thờ cúng tổ tiên, cha mẹ giáo dục con cháu ý thức hướng về nguồn cội; hôm nay con cháu biết cúng ông bà, thì vài chục năm nữa chính chúng ta sẽ không bị con cháu lãng quên. Chính việc lưu giữ từ thế hệ trước qua thế hệ sau như thế tạo thành văn hóa. Chưa kể là niềm tin vào cõi tâm linh sẽ luôn giúp con người sống tốt hơn, chừng mực hơn, biết kiềm chế bản thân hơn...

Bà Lý cũng cho rằng, cần thiết phải giáo dục về giá trị, ý nghĩa của Tết. “Để ngay từ nhỏ, giới trẻ của chúng ta đã hiểu rằng Tết là thiêng liêng, là gia đình, là ông bà tổ tiên, là truyền thống, là dịp con cháu bày tỏ sự biết ơn của mình đến với người lớn tuổi, người lớn lại bày tỏ sự yêu thương, chăm chút đến với con cái. Từ đó biết yêu thương nhau hơn. Đó là giá trị bền vững của Tết”./.

 

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ