• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943

Văn hoá 19/02/2023 07:31

(Tổ Quốc) - Với khoảng 1.500 chữ, được soạn thảo trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh cách mạng, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng, liên quan mật thiết đến vận mệnh quốc gia, dân tộc và công cuộc kiến thiết nền văn hóa mới theo nguyên tắc Dân tộc, Khoa học và Đại chúng. Một trong những nhiệm vụ cần kíp để chấn hưng văn hóa mà Đề cương nhấn mạnh là phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt.

Vai trò của ngôn ngữ, chữ viết

Sau các phần Đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật - Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam, tại phần V, Đề cương đề ra nhiệm vụ cần kíp đối với những nhà văn hóa mác xít Đông Dương, nhất là những nhà mác xít Việt Nam trong xây dựng, kiến thiết nền văn hóa mới của dân tộc, đó là phải "tranh đấu về tiếng nói, chữ viết" (với các nhiệm vụ cụ thể: Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói; Ấn định mẹo văn ta; Cải cách chữ quốc ngữ,…). Đồng thời Đề cương đề xuất biện pháp, cách thức để thực hiện, đó là phải làm tốt công tác: Tuyên truyền và xuất bản; Tổ chức các nhà văn; Tranh đấu giành quyền lợi thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ…; Chống nạn mù chữ.

Ngôn ngữ, chữ viết là những thành tố quan trọng, một biểu hiện sinh động của văn hóa, phản ánh quá trình không ngừng sáng tạo của biết bao thế hệ trong việc định hình một ngôn chữ, chữ viết riêng mang đậm bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử của người Việt.

              Đề cương về văn hóa Việt Nam: Sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của Đảng - Ảnh 3.

Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, văn minh phương Tây, chữ Quốc ngữ đã bắt đầu hình thành (vào thế kỷ XVII) ngày càng hoàn thiện và trở thành ngôn ngữ chính thức của dân tộc. Tuy nhiên vào những thập niên đầu thế kỷ XX, dưới chính sách cai trị thâm độc, tàn bạo của thực dân, phát xít và phong kiến tay sai muốn "trói buộc" và "giết chết văn hóa Việt Nam", chúng thực hiện đồng loạt các chính sách hà khắc như: Đàn áp các nhà văn hóa; Ra tài liệu, tổ chức các cơ quan và các đoàn thể văn hóa để nhồi sọ; Kiểm duyệt rất ngặt những tài liệu văn hóa; Mua chuộc và hăm dọa các nhà văn hóa; Mật thiết liên lạc với tôn giáo để truyền bá văn hóa trung cổ, văn hóa ngu dân… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học… Những chính sách cai trị đó khiến cho đại đa số người dân Việt Nam không được đến trường, không biết đọc, biết viết, cam chịu thân phận của người dân nô lệ để chúng dễ bề cai trị, thôn tính. Việc không biết chữ ảnh hưởng lớn đến trình độ nhận thức; tinh thần làm chủ của người dân; gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, vận động; truyền bá tư tưởng, học thuyết cách mạng cũng như tập hợp, cổ vũ sức mạnh đại đoàn kết trong nhân dân.

Ý thức sâu sắc về hiện trạng đời sống văn hóa nước nhà, Đề cương đã vạch ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa dân tộc, đó sẽ là nền văn hóa xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo; một nền văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung với ba nguyên tắc vận động là Dân tộc, khoa học và đại chúng. Nền văn hóa đó phải tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà người nghệ sĩ, trí thức đồng thời là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - tư tưởng.

Trong nhiều nhiệm vụ cấp bách phải tiến hành ngay lúc bấy giờ để chấn hưng nền văn hóa dân tộc mà Đề cương nêu ra đó là phải tranh đấu để gìn giữ, phát huy ngôn ngữ, chữ viết. Tiếng Việt phải trở thành ngôn ngữ chính thống, giữ vai trò chủ đạo trước sự lấn át, áp đặt của các loại ngôn ngữ, tư tưởng, văn hóa ngoại lai mà thực dân, phát xít đang cố tình "nhồi sọ", ru ngủ, đánh lạc hướng và triệt tiêu tinh thần yêu nước, thương nòi của người dân An Nam.

Để gìn giữ, phát huy và lan tỏa ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc, Đề cương nhấn mạnh đến nhiệm vụ cần phải thống nhất và giàu thêm tiếng nói, ấn định mẹo văn ta, cải cách chữ quốc ngữ. Trọng trách, sứ mệnh lớn lao cao cả đó đặt trên vai của những nhà cách mạng, người làm công tác văn hóa, trước hết là đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Việc sáng tạo, bổ sung, làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng đẹp giàu, phong phú sẽ góp phần nâng cao trình độ dân trí, mở ra cơ hội mới trong tiếp cận những thành tựu văn minh nhân loại; giúp cho việc truyền bá tư tưởng, học thuyết được thuận lợi, dễ dàng. Mặt khác, ngôn ngữ, chữ viết là nơi lưu giữ ký ức, tri thức, kinh nghiệm, bài học đạo lý, phong cách ứng xử, thể hiện nét đặc sắc văn hóa vùng miền, tộc người, đặc biệt là phản ánh truyền thống lịch sử hào hùng của cha ông, vì thế việc học tập, trân quý, gìn giữ, bảo vệ tiếng Việt còn phản ánh một khía cạnh quan trọng của tình yêu quê hương đất nước.

Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8-9-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp"(1). Cũng theo Người, tình yêu quê hương, đất nước luôn gắn liền với tình yêu tiếng Việt. Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân, ngày 29-2-1967, Người nhấn mạnh: "Ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta; phải giữ cái tiếng của chúng ta"(2).

Có thể nói trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khi nước nhà chìm trong bóng đêm nô lệ, đời sống văn hóa ngột ngạt dưới chính sách hà khắc, thâm độc của thực dân, phát xít, nhưng với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, thực tiễn đời sống cách mạng, kháng chiến và truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời của dân tộc, Đảng đã nhận thức rõ yêu cầu cấp bách phải xây nền văn hóa mới với nhiệm vụ gìn giữ, phát huy ngôn ngữ dân tộc ngày càng phong phú, giàu đẹp.

Gìn giữ, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh mới

Mất ngôn ngữ, mất tiếng nói đồng nghĩa với việc mất văn hóa. Vì thế trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp với không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Trong các nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đều nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nền văn hóa dân tộc trong bối cảnh mới, đó là phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định: "Phát triển đi đôi với giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, khắc phục tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc"(3). Đối với ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số, chủ trương xuyên suốt của Đảng là: "Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình"(4).

Ngày nay trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu; sự phát triển của internet, mạng xã hội đã mang lại những cơ hội thuận lợi trong giao lưu, tiếp biến văn hóa, văn minh nhân loại, từ đó làm giàu đẹp thêm ngôn ngữ dân tộc, làm phong phú những biểu đạt của con người về tự nhiên, xã hội.

Song song với nhiệm vụ phát triển, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, người Việt rất nhanh nhạy trong việc tiếp thu ngôn ngữ nước ngoài để mở rộng cơ hội học tập, nâng cao trình độ dân trí, cũng như ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm của thế giới để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, những yếu tố thuận lợi thì hiện nay, ý thức trách nhiệm về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong một bộ phận giới trẻ còn nhiều hạn chế, đáng lo ngại. Một số học sinh, sinh viên xem nhẹ môn tiếng Việt, làm văn; tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài một cách tràn lan trên các phương tiện truyền thông, các hoạt động giao tiếp, ứng xử hàng ngày; tình trạng cố tình sử dụng những kí hiệu lạ, những từ viết tắt, tiếng lóng; là sự lệ thuộc vào các thiết bị di động, ngôn ngữ nói, trí tuệ nhân tạo; xuất hiện tâm lí e ngại và thiếu tự tin trong giao tiếp hàng ngày… khiến cho việc sử dụng ngôn ngữ viết trở thành những trở ngại với nhiều người. Điều đó dẫn đến tình trạng viết sai chính tả, sai ngữ pháp với những diễn đạt, phát ngôn ngô nghê, vụng về, hài hước.

Nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 - Ảnh 1.

Một trong những nhiệm vụ cần kíp để chấn hưng văn hóa mà Đề cương nhấn mạnh là phải gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt (ảnh minh họa/ vuthuvien.bvhttdl.gov)

Hiện nay, internet và mạng xã hội đang trên đà phát triển mạnh mẽ ở nước ta, hơn 70% dân số sử dụng Internet với thời lượng tương tác hàng ngày rất lớn trên không gian mạng. Bên cạnh những giao tiếp, ứng xử có văn hóa là những hành vi phản cảm, chửi tục, chửi , những phát ngôn gây sốc, những ngôn từ lai căng, biểu hiện của sự lệch chuẩn, xem nhẹ, coi thường và dẫn đến nguy cơ làm băng hoại ngôn ngữ dân tộc.

Đối với một số thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số, tình trạng không biết đọc, biết viết tiếng của chính dân tộc mình có nguy cơ gia tăng qua các năm. Khi ngôn ngữ bị mai một, mất đi, đồng nghĩa với việc trao truyền giá trị văn hóa truyền thống bị đứt gãy; ý thức của thế hệ trẻ về nguồn cội, lịch sử, văn hóa sẽ mờ dần, đặt ra nhiều vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện nay.

Ngôn ngữ, chữ viết là tài sản, là thứ của cải vô cùng quý giá của dân tộc. Mỗi bước phát triển của ngôn ngữ thể hiện trình độ tư duy, năng lực sáng tạo và sức nghĩ của con người; phản ánh sự phong phú trong tâm hồn, sự giàu đẹp của nền văn hóa. Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi người dân, trong đó vai trò định hướng của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tính tiên phong của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng.

Phát triển và làm giàu đẹp ngôn ngữ dân tộc cũng chính là việc gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa cho muôn đời sau. Những định hướng của Đảng về nhiệm vụ gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, đến nay sau gần một thế kỷ vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự sâu sắc. Gìn giữ được sự trong sáng của tiếng Việt trước những tác động của bối cảnh mới là một yếu tố quan trọng để chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện hiện nay.


TS. Nguyễn Huy Phòng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Chú thích

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13, tr. 465

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 306

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 2, tr. 135

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tập 57, tr. 311-312


NỔI BẬT TRANG CHỦ