(Tổ Quốc) - Yêu cầu nội dung quy hoạch cần phân tích đánh giá những tác động tới thực trạng phát triển đô thị Hà Giang, các yếu tố động lực, thế mạnh phát triển đô thị trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ...
Hình minh họa: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn: Nguồn báo Hà Giang |
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035.
Phạm vi nghiên cứu bao gồm thành phố Hà Giang hiện hữu (khoảng 13.392,80 ha) và khu vực dự kiến mở rộng thuộc huyện Vị Xuyên gồm xã Phong Quang (khoảng 3.478,4 ha), thôn Tân Đức (xã Đạo Đức) khoảng 245 ha, thôn Lắp 1 (xã Phú Linh) khoảng 250 ha, thôn Chang (xã Kim Thạch) khoảng 256 ha, thôn Bản Thẳm (xã Kim Thạch) khoảng 304 ha.
Yêu cầu nội dung quy hoạch cần phân tích đánh giá những tác động tới thực trạng phát triển đô thị Hà Giang, các yếu tố động lực, thế mạnh phát triển đô thị trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, các yếu tố cần liên kết, chia sẻ để thúc đẩy khu vực Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy; đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, dân số, lao động, hiệu quả sử dụng đất đai, kiến trúc cảnh quan đô thị, các giá trị về tự nhiên, văn hóa truyền thống đặc sắc của đô thị Hà Giang.
Bên cạnh đó, đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, nhà ở, cây xanh công viên đô thị, không gian công cộng, quảng trường, lối đi bộ các khu đô thị hiện hữu và các khu vực dân cư nông thôn các xã; đánh giá hệ thống Hạ tầng kỹ thuật về giao thông, chuẩn bị kỹ thuật (nền xây dựng, thoát nước mưa), cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang, thông tin liên lạc và vệ sinh môi trường. Đặc biệt đánh giá hành lang thoát lũ, khoanh vùng các khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, sạt lở đất.
Rà soát, đánh giá các quy hoạch, dự án đã và đang triển khai theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Hà Giang, tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2007 - 2025. Xác định các vấn đề phù hợp và chưa phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Phân tích đánh giá tổng hợp, xác định các vấn đề hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân, ảnh hưởng, những vấn đề thách thức, những vấn đề thuận lợi, cơ hội để phát triển đô thị. Xác định các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch.
Xác định các tiền đề, dự báo phát triển
Nội dung quy hoạch cũng cần xác định các tiền đề, dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng. Cụ thể, xác định các tiền đề, động lực phát triển để đô thị Hà Giang trở thành trung tâm kinh tế năng động của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao chất lượng đô thị và điều kiện sống của người dân; dự báo quy mô dân số, lao động theo các giai đoạn quy hoạch, phân tích các cơ sở khoa học để đưa ra kết quả dự báo, phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển đô thị đảm bảo phát triển bền vững; dự báo quy mô đất xây dựng đô thị và xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật phù hợp, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại II, có tính đến các yếu tố đặc thù là đô thị vùng cao miền núi phía Bắc.
Về định hướng phát triển không gian và quy hoạch sử dụng đất, xác định các nguyên tắc phát triển không gian đô thị phù hợp với mục tiêu và tính chất chức năng đô thị; xác định cấu trúc phát triển không gian đô thị đảm bảo tối ưu về liên kết vùng, đặc biệt là sự liên kết, hỗ trợ Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác trong tỉnh. Xác định liên kết giữa các khu vực chức năng trong đô thị hiệu quả, phát triển bền vững các tiềm năng thế mạnh của đô thị.
Bên cạnh đó, xác định các khu vực cảnh quan tự nhiên có giá trị như thảm thực vật phía Đông, phía Tây, hệ sinh thái sông Lô, sông Miện, núi Mỏ Neo, Hàm Hổ…, các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống của đô thị để gìn giữ và phát huy; đề xuất các giải pháp nâng cấp cải tạo các khu vực phát triển hiện hữu, đặc biệt các khu ở dân cư, không gian công cộng, cây xanh công viên và tiện ích đô thị. Định hướng xây dựng các khu chức năng mới đảm bảo khả năng thu hút đầu tư cao; định hướng tổ chức, xây dựng hệ thống trung tâm đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.