(Cinet)- Những năm qua, vấn đề quản lý và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được nhà nước đặc biệt quan tâm và thực thi một cách tích cực. Quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể từng bước được bảo hộ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều hình thức và mức độ phức tạp.
Nhiều bất cập trong quản lý bản quyền âm nhạc (nguồn: internet) |
(Cinet)- Những năm qua, vấn đề quản lý và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được nhà nước đặc biệt quan tâm và thực thi một cách tích cực. Quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể từng bước được bảo hộ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau với nhiều hình thức và mức độ phức tạp.
Lỗ hổng trong quản lý
Có lẽ, nhắc tới vấn đề vi phạm bản quyền, nóng hổi nhất, phức tạp nhất phải kể đến lĩnh vực âm nhạc. Nhái nhạc, nhái ý tưởng ngày càng có xu hướng gia tăng với hình thức tinh vi và phức tạp. Muôn kiểu vay mượn, từ bản beat, phong cách, hình chụp album cho tới ý tưởng MV cũng "trùng hợp" một cách khó hiểu. Nghiêm trọng hơn, vấn đề bản quyền âm nhạc lại được xã hội nhìn nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau, khiến cho nó càng trở nên mơ hồ và không có một quy chuẩn cụ thể.
Tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc không giới hạn trong phạm vi biên giới quốc gia, mà đã trở thành vấn đề mang tính quốc tế. Theo thống kê trên 1 tỷ album nhạc vi phạm bản quyền đã được tiêu thụ trên toàn thế giới. Có tới 37% tổng số album nhạc được phát hành vi phạm bản quyền, với giá trị thiệt hại lên tới 4,5 tỷ USD. Trong số đĩa thu vì vi phạm bản quyền, 80% có nguồn gốc từ châu Á.
Một ví dụ điển hình nổi cộm trong năm vừa qua là vụ lùm xùm xoay quanh vấn đề đạo nhạc ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của nam ca sĩ trẻ Sơn Tùng MTP. Việc kết luận ca khúc trên có phải là đạo nhạc hay không cũng được các nhạc sĩ danh tiếng trong nước đem ra tranh cãi, mổ xẻ nhiều lần. Tuy nhiên, đáng nói ở đây là câu chuyện không còn dừng lại đơn thuần ở việc kết luận đúng sai của giới chuyên môn và cơ quan có thẩm quyền mà đã trở thành sự tranh luận về cơ sở để phán quyết bản quyền của một tác phẩm âm nhạc.
Bên cạnh đó, vẫn đề tranh chấp xung quanh việc thu – nộp tác quyền giữa nhà tổ chức biểu diễn với cơ quan quản lý cũng luôn xuất hiện nóng hổi trên những mặt báo. Chỉ tính riêng địa bàn Hà Nội, trung bình mỗi năm có hơn 500 cuộc biểu diễn thì có tới hơn 80% trong số đó phớt lờ chuyện hỏi ý kiến nhạc sĩ. Lý do chủ yếu là bởi luật về quyền tác giả không có chế tài mạnh mẽ đối với hành vi vi phạm luật, vì thế, những đơn vị tổ chức cố tình coi thường luật, bỏ qua trách nhiệm đối với quyền tác giả.
Nhiều chương trình ca nhạc lớn thường xuyên xuất hiện tình trạng sử dụng nhạc "chùa" (nguồn: internet) |
Khi nhận thức về quyền tác giả, quyền liên quan của đại bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, lực lượng có thẩm quyền giám sát, xử lý hành vi này lại thiếu, chưa ngăn chặn kịp thời, chưa đủ sức răn đe thì tác quyền âm nhạc sẽ còn là cuộc chiến dài hơi.
Nguyên nhân?
Đề cập tới đầu tiên phải kể tới vấn đề đạo đức nghề nghiệp, thiếu nhận thức đúng đắn và đầy đủ của đại bộ phận nhạc sỹ hiện nay, mà phần đông là những người trẻ tuổi. Sự dễ dãi, cẩu thả trong hoạt động nghề nghiệp đã khiến việc “vay mượn” ý tưởng được thực hiện một cách tràn lan, khó kiểm soát.
Việc quản lý và thực thi bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn xuất hiện sự chồng chéo trách nhiệm và quyền hạn giữa các nhà quản lý. Pháp luật chưa đầy đủ, hình phạt và mức hình phạt thiếu tính giáo dục, răn đe, thiếu quan tâm tới đấu tranh phòng chống tội phạm quyền Sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, cấp phép biểu diễn và bản quyền tác giả lại là hai lĩnh vực khác nhau, do hai cơ quan khác nhau quản lý. Mặt khác, bản quyền là giao dịch dân sự, được quy định bằng Luật Sở hữu trí tuệ nhưng trong Luật cấp phép lại không yêu cầu đơn vị tổ chức phải có hóa đơn thanh toán tiền bản quyền trong hồ sơ xin cấp phép.
Bên cạnh đó, Nghị định 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút không quy định cụ thể mức tiền tác quyền dành cho tác giả và không có một công thức chính xác nào cho việc thu phí tác quyền âm nhạc.
Mặt khác, chúng ta đang sống trong xu thế toàn cầu hoá với công nghệ ngày càng tiên tiến, mọi hoạt động sáng tạo đều đưa đến sự gia tăng của các loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật đa phương tiện. Cộng thêm sự phát triển của các hình thức âm nhạc thị trường khiến cho các tác phẩm đến với công chúng một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn và kéo theo việc xâm phạm bản quyền cũng đa dạng và phổ biến hơn,..
Như vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra trong thời điểm hiện tại là cần phải có một quy chuẩn xác định về vi phạm bản quyền. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần nỗ lực, can đảm hơn nữa trong thay đổi hệ thống về tư duy, lý luận và nhận thức thẩm mỹ, từ đó, áp dụng chúng vào đời sống thực tiễn. Và điều đặc biệt quan trọng vẫn là việc nâng cao nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho công chúng, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng quyền tác giả và quyền liên quan không chỉ có tác động tích cực về mặt tinh thần, kinh tế, thể hiện sự tôn trọng nghề nghiệp và sự sáng tạo của giới nghệ sĩ để có cách nhìn nhận đúng về thực thi bản quyền tại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
CN