(Tổ Quốc) - Đến nay, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh từ luật đến nghị định, thông tư, một số bộ đã xây dựng chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tiễn vẫn còn vướng mắc.
Hình minh họa - Tiết mục trong chương trình nghệ thuật vang mãi giai điệu Tổ Quốc 2018
Cơ chế phối hợp lỏng lẻo, kém hiệu quả
Về thẩm quyền quản lý, liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này có nhiều bộ, ngành. Bên cạnh đó, trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm còn có sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau như công an, hải quan, quản lý thị trường cùng UBND các cấp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chỉ thị để tăng cường công tác quản lý nhà nước, lập lại kỷ cương trong lĩnh vực thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam.
Do tính chất đặc thù của vấn đề này, việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có liên quan đến nhiều cơ quan, bộ, ngành nên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ. Trên thực tế, các bộ, ngành đã phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề…điều này được thể hiện dưới nhiều hình thức như phối hợp thanh tra, kiểm tra, tham gia ký kết chương trình hành động hoặc ban hành thông tư liên tịch…
Việc ban hành các thông tư liên tịch này có ý nghĩa rất quan trọng, nó quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần từng bước ngăn chặn, giảm thiếu tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác xử lý, giải quyết và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, chưa đảm bảo tính chặt chẽ, đồng bộ, chế tài xử lý còn nhẹ nên chưa thể hiện được tính răn đe, cảnh báo.
Khó khăn trong việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Như đã nói ở trên, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh từ luật đến nghị định, thông tư, một số bộ đã xây dựng chương trình hành động về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vậy nhưng, việc xử lý những vi phạm trong vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Khó khăn đầu tiên phải kể đến là nhận thức của xã hội về vấn đề này. Theo đó, nhận thức của người dân trong xã hội về vấn đề sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa đầy đủ. Nhiều người không nắm được các quy định của luật pháp, không biết trách nhiệm hay quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi quyển tác giả, quyền liên quan – Sở hữu trí tuệ. Vẫn còn rất nhiều người nhận thức đơn giản là khi sử dụng tác phẩm, sản phẩm của người khác chỉ cần ghi rõ nguồn và tác giả là xong. Ở Việt Nam hiện nay rất phổ biến tình trạng biết vi phạm (sai) nhưng vẫn cố tình vi phạm, như việc mua băng đĩa lậu, các ấn phẩm không rõ nguồn gốc…Đặc biệt là ngay đến chủ sở hữu của tác phẩm, sản phẩm nhiều khi cũng chưa thực sự ý thức được việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình, đồng thời chưa quyết tâm trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.
Tiếp đến là thói quen sử dụng "miễn phí" trong một bộ phận không nhỏ công chúng của chúng ta hiện nay. Điều này dẫn tới việc các nhà cung cấp dịch vụ trung gian bị thất thu, nên phải tìm cách bù đắp thông qua nhiều phương thức khác nhau, trong đó không ít đơn vị tìm cách trốn tránh nghĩa vụ trả phí bản quyền cho chủ sở hữu.
Bên cạnh đó là sự bất cập trong việc phối hợp với các quan chức năng, sự đùn đẩy trách nhiệm và chồng chéo khi xử lý vấn đề giữa các cơ quan, ban ngành. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, chưa xử lý nghiêm các vụ vi phạm…nên chưa đủ tính răn đe đối với các cá nhân, tổ chức, đơn vị có vi phạm trong vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan…/.