• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều cặp vợ chồng ra tòa ly hôn khi biết con mình bị Thalassemia

Sức khỏe 08/05/2018 15:56

(Tổ Quốc) - "9,8% cặp vợ chồng đã ly hôn sau khi biết con mình bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh), đây là một con số không hề nhỏ." - Ts.Bs Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Thalassemia - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã cho biết như vậy tại cuộc Hội thảo diễn ra chiều 8/5.

Hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia không nên kết hôn

Chia sẻ tại Hội thảo "Thalassemia - Nguy cơ của chất lượng dân số Việt Nam", Ts.Bs Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Thalassemia - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, đây là bệnh lý huyết học di truyền và là căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Hội thảo "Thalassemia - Nguy cơ của chất lượng dân số Việt Nam"

Cơ chế gây bệnh là do chất lượng hồng cầu suy giảm, dễ bị vỡ dẫn đến thiếu máu mạn tính. Nếu người bệnh không được điều trị sớm, đầy đủ sẽ xuất hiện nhiều biến chứng do thiếu máu và thừa sắt gây ra, làm thay đổi diện mạo người bệnh như thể trạng thấp bé, trán dô, mũi tẹt, hàm răng hô, suy tim, suy gan, suy nội tiết...

Bệnh có 5 mức độ biểu hiện tùy theo số lượng và kiểu đột biến gen: Mức độ nặng nhất có biểu hiện phù thai từ khi còn trong bụng mẹ (những trường hợp này thường gây hỏng thai trước khi sinh). Mức độ nặng có biểu hiện thiếu máu nhiều khi trẻ chưa đến 2 tuổi, còn mức độ trung bình thường thì biểu hiện thiếu máu rơi vào độ tuổi 4 - 6.

Theo Ts.Bs Hà, nguyên tắc điều trị của căn bệnh này đối với bệnh nhân bị nặng là truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt cuộc đời. Cách phòng bệnh duy nhất là không sinh ra trẻ bị Thalassemia.

"Hai người cùng mang ren bệnh Thalassemia thì không nên kết hôn với nhau, hoặc nếu trường hợp chấp nhận đến với nhau thì phải chẩn đoán trước sinh cho mỗi lần sinh con." - Ts.Bs Hà nói.

Muốn sống đến 30 tuổi phải mất 3 tỷ đồng chữa trị

Cũng tại buổi Hội thảo này, Giám đốc Trung tâm Thalassemia - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chia sẻ, theo kết quả khảo sát năm 2017 trên toàn quốc, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 12 triệu người mang gen bệnh Thalassemia. Người bị bệnh và mang gen bệnh có ở tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước.

Ts.Bs Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Thalassemia - Viện Huyết học Truyền máu Trung ương

Trong số đó, có trên 20.000 người bị Thalassemia cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị Thalassemia, trong đó 2.000 trẻ ở mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.

Được biết, chi phí cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Mỗi năm, cần có trên 2.000 tỷ đồng để cho tất cả bệnh nhân có thể được điều trị và cần khoảng 500.000 đơn vị máu an toàn.

"Tuy nhiên, thực trạng đáng lo hơn đó là những người bị bệnh Thalassemia nặng thường không được quan tâm một cách đầy đủ. Nhiều ông bố, bà mẹ khi biết con mình bị bệnh đã ly hôn, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng còn bỏ con lại ở Viện Huyết học." - Ts.Bs Nguyễn Thị Thu Hà cho hay.

Vị bác sĩ này cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều người mang gen bệnh nhưng không biết mình bị bệnh. Do đó, tỷ lệ hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau ngày càng cao, điều này đã và đang ảnh hưởng xấu tới chất lượng dân số và sự phát triển giống nòi.

Thế Công

 

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ