(Tổ Quốc) - Trong không khí cả nước chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng xuân mới, các nhà hát thuộc Bộ VHTTDL đã và đang dàn dựng những chương trình, vở diễn, tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nhằm phục vụ đại hội và nhân dân.
Hoành tráng, ấn tượng với Khát vọng- Tỏa sáng
Trong không khí cả nước đón chào mùa xuân mới, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đơn vị nghệ thuật trên cả nước đã và sẽ tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Chương trình đại nhạc hội "Khát vọng- Tỏa sáng" với sự tham gia của 1500 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội... do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện, chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tổ chức vào 20 giờ, ngày 2/2, tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Nhạc sĩ, NSND Nguyễn Quang Vinh, Tổng đạo diễn chương trình cho biết: "Đây là cuộc huy động nghệ thuật lớn, ở đủ loại hình nghệ thuật ca múa nhạc, chèo, cải lương, các loại hình âm nhạc dân gian. Đặc biệt, có nhiều tiết mục là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận do các đơn vị nghệ thuật đến từ khắp mọi miền đất nước trình diễn. Sân khấu được dựng trên diện tích khoảng 700m2, dự kiến phục vụ khoảng 17.000 khán giả. Đặc biệt, đây là Chương trình nghệ thuật chào mừng thành công của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, lớn hơn các chương trình tổ chức thường niên chào mừng ngày thành lập Đảng, nên đòi hỏi phải hoành tráng , chất lượng nghệ thuật đặt lên cao nhất".
Được biệt, Chương trình gồm 3 phần, với những tiết mục được dàn dựng công phu, ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu; mang đậm bản sắc vùng miền trên mọi miền Tổ quốc; nêu bật tinh thần đoàn kết, thống nhất của 54 dân tộc anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chia sẻ cảm xúc khi sẽ tham gia biểu diễn trong chương trình "Khát vọng- Tỏa sáng" NSND Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, hát về Đảng, về Bác Hồ kính yêu luôn là niềm tự hào với bất cứ nghệ sĩ nào. Trong chương trình nghệ thuật đặc biệt lần này, nghệ sĩ Quốc Hưng và nhiều nghệ sĩ của học viện đã tập trung tập luyện, dàn dựng phần nội dung đảm nhiệm, qua những tiết mục thể hiện cùng với các tiết mục biểu diễn khác toát lên thông điệp nghệ thuật mà chương trình muốn truyền tải tới khán giả, đó là sự đồng hành của Đảng với nhân dân. NSND Quốc Hưng cũng tiết lộ, các giảng viên, học viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để tập luyện thật kỹ lưỡng cho những tiết mục của đại nhạc hội với mong muốn góp phần làm nên một chương trình nghệ thuật đặc biệt nhất, ấn tượng nhất chào mừng Đại hội Đảng, chào mừng đất nước bước vào mùa xuân mới.
Lan tỏa di sản văn hóa, nghệ thuật dân tộc
Cũng trong những ngày này, bên cạnh việc tăng cường các buổi diễn phục vụ nhân dân, nhiều đơn vị nghệ thuật cũng dàn dựng các chương trình biểu diễn mới mang màu sắc tươi vui mừng Đảng, mừng xuân.
Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam xây dựng tác phẩm nghệ thuật đặc sắc về hình tượng Bác Hồ - "Đêm trắng". Vở diễn đã từng rất thành công, thu hút khán giả cách đây 15 năm sẽ trở lại sân khấu vào lúc 20h00 ngày 27/01/2021, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn dựa trên một câu chuyện có thật trong thập niên 1950, khi toàn dân, toàn quân ta dồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vở diễn thể hiện hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí... gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng. Vở diễn từng được nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng; là điểm sáng của sân khấu Việt Nam trong xây dựng hình tượng Bác Hồ.
Theo NSƯT Xuân Bắc- Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, bản dựng lần này với cách kể, lối diễn hiện đại cùng tư duy dàn dựng sân khấu mới của một ê kíp nghệ sĩ tâm huyết hy vọng sẽ mang đến công chúng một vở chính kịch mang hơi thở thời đại.
Cũng trong dịp này, Nhà hát Chèo Việt Nam đã công diễn vở "Giai điệu Tổ quốc". Tác phẩm từng đoạt giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sinh động cuộc sống của các tầng lớp nhân dân lao động, những con người bình dị nhưng luôn xác định lý tưởng sống là chung tay xây dựng mảnh đất nơi mình sinh ra. Vở diễn chuyển tải giá trị nhân văn sâu sắc, mang lại những cảm xúc đẹp cho khán giả nên đã nhận được những tràng pháo tay vang dội, kéo dài khi cánh màn nhung khép lại.
Cùng thời điểm, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng có một đêm sôi nổi tại Ninh Giang, Hải Dương với vở Khúc gia trang dậy sóng trời Nam. Một vở diễn lịch sử và đậm đặc chất Tuồng cổ nhưng lại thu hút đông đảo khán giả thưởng thức suốt 2 tiếng đồng hồ là điều đáng ghi nhận cho sự thành công của vở diễn.
Trong dịp này, Nhà hát Múa rối Việt Nam dựng chương trình "Trăng đất Việt", kết hợp giữa các loại hình rối nước, rối cạn, âm nhạc dân tộc và đặc trưng văn hóa của từng vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam, mang đến cho khán giả những trải nghiệm đầy mới mẻ với nghệ thuật múa rối Việt; Nhà hát cải lương Việt Nam diễn vở "Bão ngầm" tôn vinh những người chiến sĩ công an trong cuộc chiến chống tham nhũng và buôn lậu ma túy… Cùng với đó, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam sẽ biểu diễn chương trình nghệ thuật "Tiếng mùa xuân" với những ca khúc tươi vui mừng Đảng, mừng Xuân./.