• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam

Kinh tế 28/09/2023 10:30

(Tổ Quốc) - Thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có các khu công nghiệp, đang ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), theo Vietnam Briefing.

Theo Báo cáo Bất động sản Việt Nam 2022, có 563 khu công nghiệp tại 61/63 tỉnh thành ở Việt Nam tính đến năm 2022. Trong số này, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, 106 khu công nghiệp đang xây dựng và 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Hầu hết các dự án khu công nghiệp này đều tập trung ở 3 vùng kinh tế trọng điểm là Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung.

Với tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do FTA và các chính sách hỗ trợ đầu tư được thực hiện tốt, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Với giá cả cạnh tranh và vị trí địa lý gần nền kinh tế lớn Trung Quốc, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn ở miền Nam Việt Nam.

Hiện tại, Bình Dương, tỉnh lân cận TP.HCM, cũng đã ghi nhận tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp tăng đáng kể, với tỷ lệ vượt 95%. Các khu công nghiệp khác tại nhiều vùng trọng điểm như Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, TP.HCM cũng gần như lấp đầy.

Do đó, giá thuê khu công nghiệp dự kiến sẽ tăng. Hiện tại, TP.HCM đang ghi nhận giá thuê trung bình là 186 USD/m2 và Hà Nội ghi nhận giá thuê trung bình là 142,3 USD/m2 vào năm 2022, theo công ty dịch vụ Cushman & Wakefield Việt Nam.

Nhiều cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam - Ảnh 1.

Các khu công nghiệp Việt Nam đang thu hút tốt dòng vốn FDI. Ảnh: VNA.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến bất động sản công nghiệp Việt Nam

Đầu tiên, FDI đổ vào bất động sản công nghiệp ngày càng tăng. Việc các công ty thế giới đa dạng chuỗi cung ứng tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường bất động sản công nghiệp. Nửa đầu năm 2023, thị trường ghi nhận sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn như Foxconn, Goertek tại các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh. Các doanh nghiệp khác như BOE, Quanta, Samsung cũng đã lên kế hoạch đầu tư đáng kể vào các nhà máy tại Việt Nam.

Mặc dù giá thuê đất công nghiệp ở Việt Nam có tăng nhưng vẫn thấp hơn 25 đến 40% so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, chính sách FDI của Việt Nam đã nhiều lần sửa đổi để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, doanh nghiệp hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài được miễn thuế lợi tức tối đa 4 năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 4 năm tiếp theo tuỳ theo lĩnh vực ngành nghề khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn hoạt động. Tiền thuê đất đối với dự án đầu tư vào khu công nghệ cao, khu kinh tế cũng có thể được miễn giảm theo Nghị định số 35/2017/NĐ-CP.

Các nhà đầu tư cũng đang quan tâm hơn đến các khu vực vệ tinh. Thị trường bất động sản công nghiệp đã ghi nhận loạt khu công nghiệp mới được phát triển hoặc mở rộng tại các tỉnh lân cận TP.HCM và Hà Nội. Lego, công ty hàng đầu về sản xuất đồ chơi, đã đầu tư hơn 1,3 tỷ USD vào khu công nghiệp VSIP III tại Bình Dương. Một ví dụ nổi bật khác là thỏa thuận liên doanh giữa liên doanh logistics LOGOS của Australia và quỹ đầu tư Manulife của Canada để xây dựng khu công nghiệp tại Đồng Nai.

Với giá đất hợp lý, nguồn cung ngày càng tăng và vị trí chiến lược, các khu công nghiệp vệ tinh sẽ ngày càng trở nên sôi động và cạnh tranh. Sự xuất hiện của các chủ đầu tư bất động sản lớn như Tập đoàn Đầu tư Nam Long, Tập đoàn VinGroup hay Novaland cho thấy tiềm năng lâu dài của những khu đất lân cận này.

Các xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp

Một yếu tố nữa là việc mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành bất động sản công nghiệp đang trở nên phổ biến. Theo Phó Tổng Giám đốc công ty kiểm toán EY Việt Nam, giá trị thị trường M&A đạt 3,2 tỷ USD, trong đó 43% đến từ lĩnh vực bất động sản và xây dựng. Bất động sản công nghiệp là phân khúc hấp dẫn nhất với 16 giao dịch thành công trên tổng số 24 giao dịch mua bán thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

Một trong những giao dịch đáng chú ý trong nửa đầu năm 2023 tại Việt Nam là việc Tập đoàn ESR mua lại BW Industrial Development. Tổng giá trị thương vụ mua lại là 450 triệu USD, đây là thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường bất động sản. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng vọt từ giữa năm 2023 trở đi và đây là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc mua lại các dự án từ doanh nghiệp trong nước.

Một xu hướng mới nữa là phát triển các khu công nghiệp sinh thái. Theo CBRE Việt Nam, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đang là xu hướng mới nổi tại các khu công nghiệp tại Việt Nam. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chính phủ Việt Nam đang xây dựng một số chính sách để đạt được mục tiêu này. Ví dụ, theo Nghị định số 35/2022/ND-CP, ít nhất 25% tổng diện tích đất công nghiệp phải được dành cho việc trồng cây, giao thông và cơ sở hạ tầng xã hội./.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ