(Tổ Quốc) - Hiện Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động tại di tích nhằm hiện đại hóa, hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích; cung cấp dịch vụ thông tin, truyên truyền, thuyết minh phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước. Đồng thời xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của di tích.
Xây dựng cơ sở dữ liệu số di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Theo Ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích này đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa như công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR… và công nghệ 4.0 (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, big data…) cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số, phục vụ các nhiệm vụ chung của TP Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông Lê Xuân Kiêu, Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, từ sản phẩm đã được số hóa, di sản sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, từ đó góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản đó. Các nhà khoa học có cái nhìn tổng quát về di sản để tiến hành các thử nghiệm, can thiệp chính xác trong quá trình phục dựng. Hiện nay, các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các hình ảnh 3D của hiện vật, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng. Công nghệ quét và in 3D được sử dụng để phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vậy, di sản cho nhiều vụ đích sử dụng khác nhau từ trưng bày, nghiên cứu, hay bán hàng lưu niệm.
Với di sản văn hóa phi vật thể, di tích đang thực hiện hệ thống các công trình nghiên cứu, tác phẩm, ấn phẩm, tư liệu về Văn Miếu- Quốc Tử Giám; các danh nhân, các vị tế tửu, các vị tiến sĩ, nho học đỗ đạt được lưu danh tại Văn Miếu… được nghiên cứu, tổng hợp, sưu tầm, xây dựng và số hóa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0, bao gồm ấn phẩm số, sách 3D. Sách 3D được xây dựng cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt để có thể giới thiệu, quảng bá không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
Về di sản văn hóa vật thể, di tích đang xây dựng dữ liệu số scan 2D với bản in, bản dập, ảnh tư liệu; số hóa 3D hệ thống bia Tiến sĩ, các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, nghệ thuật…; số hóa 3D chi tiết không gian kiến trúc toàn bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám; số hóa phục dựng 3D không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám thời xưa.
Ngoài ra, khu di tích này cũng xây dựng hệ thống phần mềm thư viện số, lưu trữ, quản lý và khai thác dữ liệu; phần mềm ứng dụng phục vụ tra cứu, giáo dục và phục vụ khách tham quan trên máy tính cá nhân, ki ốt tra cứu thông tin và điện thoại thông minh; xây dựng hạ tầng thiết bị máy chủ, máy trạm, kính thực tế ảo (VR)…
Về phát triển các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang xây dựng hệ thống hỗ trợ thuyết minh đoàn qua công nghệ giao tiếp không dây. Hệ thống thiết bị thu, phát được tùy chỉnh hoạt động cùng lúc nhiều kênh truyền kỹ thuật số khác nhau để có thể phục vụ cùng lúc nhiều đoàn khách tham quan, tránh việc thuyết minh đoàn trước đây thường gây ồn ào, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, tạo môi trường tham quan văn minh, thanh lịch.
Đồng thời di tích xây dựng hệ thống tương tác trên điện thoại thông minh: ứng dụng QR code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, nội dung trải nghiệm đa phương tiện giúp khách tham quan trải nghiệm, khám phá về di tích một cách thoải mái nhất.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, trên nền tảng công nghệ mới nhất, xây dựng chương trình thực cảnh về di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ mang lại nhiều giá trị to lớn, tái hiện lại câu chuyện về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn; là sự kết hợp của yếu tố văn hóa truyền thống và có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại vào cuối tuần, mang lại một trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến Hà Nội.
Huy động các nguồn lực xã hội để tham gia chuyển đổi số
Mặc dù là một trong những đơn vị của TP Hà Nội sớm triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn liền với phát triển du lịch thông minh tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn có nhiều hạn chế, bất cập.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, cho tới nay, di tích vẫn chưa thực hiện được số hóa 3D các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của di tích, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Chưa cung cấp cho khách tham quan thông tin tư liệu chuyên sâu, đầy đủ và khoa học về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có giá trị rất cao bổ sung cho công tác nghiên cứu, giáo dục, quảng bá và phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước. Di tích cũng chưa có hệ thống sản phẩm, dịch vụ thông tin, tuyên truyền, thuyết minh phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước đồng bộ, hiệ đại, đặc biệt là thu hút thế hệ trẻ tới học tập, nghiên cứu.
Ngoài ra, theo ông Lê Xuân Kiêu, những giá trị, tiềm năng của di tích chưa được khai thác hiệu quả, đặc biệt là không gian di tích vào buổi tối, tình trạng quá tải khách tham quan vào ban ngày ở những thời điểm nhất định trong năm ảnh hưởng đến việc bảo tồn các hạng mục của di tích… "Để góp phần cho hoạt động chuyển đổi số có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi nỗ lực cố gắng của Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và sự quan tâm, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là về cơ chế, chính sách để có thể huy động các nguồn lực của xã hội tham gia cho chuyển đổi số"- ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ./.