(Cinet) - “Bão tố Trường Sơn” không chỉ giúp khán giả hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mà còn hiểu hơn về tâm hồn, trái tim người lính...
Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt vở “Bão tố Trường Sơn” của cố tác giả Trương Minh Phương do NSND Anh Tú làm đạo diễn. Đề tài chiến tranh dường như không có gì mới với sân khấu kịch, nhưng với cách thể hiện đầy tài năng của các nghệ sĩ, vở kịch đã tạo được ấn tượng trong lòng khán giả.
Cảnh vui nhộn của cánh hậu cần do NSƯT Xuân Bắc “cầm càng” đem lại tiếng cười thích thú, vui tươi. |
“Bão tố Trường Sơn” tái hiện chiến trường khốc liệt không chỉ bởi mưa bom bão đạn. Và những khốc liệt trên chiến trận chỉ là bối cảnh để tác giả đi sâu vào mối quan hệ giữa những con người cùng chiến tuyến.
Đó là tình yêu trong sáng, mãnh liệt của cô bác sĩ tài giỏi Diễm Lệ (NS Quỳnh Hoa) với đại đội trưởng Vũ Bông (NS Tô Dũng) nhưng khi tình yêu kết trái, vì lo cho con đường thăng tiến của mình, anh ta đã phản bội lại tình cảm tin yêu của cô, cố tình chối bỏ cốt nhục của chính mình. Bị tước quân tịch, trả về địa phương, Diễm Lệ vẫn khẳng khái vươn lên trong cuộc sống để nuôi con và nuôi đứa con của người mẹ Tây Nguyên chết cháy vì bom B52 rải thảm năm nào…
Vết thương lòng hơn 20 năm trước dường như chưa bao giờ liền miệng trong Diễm Lệ nên khi biết con mình làm việc trong công ty của Vũ Bông, tâm trí cô bác sĩ Trường Sơn năm xưa lại trào lên những cơn bão tố mới: sự hận thù, cảm giác bị bội phản khi niềm tin bị đánh cắp… Nhưng cuối cùng, bằng tình yêu thương và sự chân thành của những người đồng đội, cái kết ngọt cũng đã đến khi đứa con nuôi tìm được cội nguồn, Diễm Lệ vượt qua được tình cảm căm hận để cho con mình nhận cha…
Cô bác sĩ tài giỏi Diễm Lệ và đại đội trưởng Vũ Bông đã từng có một tình yêu đẹp. |
Với gần 2 giờ đồng hồ, khán giả được trải qua mọi cung bậc cảm xúc: vui - buồn - xúc động - cảm phục. Đó là những cảnh vui, náo nhiệt với những màn hoạt náo của cánh hậu cần do NSƯT Xuân Bắc “cầm càng” đem lại tiếng cười thích thú, vui tươi. Rồi là cảm xúc yêu thương, cảm động với tính cách chân thành của nhân vật Lê Ái (Xuân Bắc thủ vai) cương trực, nganh ngạnh, khá cực đoan của một chàng thanh niên quê Thanh Hóa. Việc pha tiếng của Xuân Bắc có vẻ “không thành vấn đề”, những lời thơ, câu vè là sở trường của anh cứ thế tuôn khá dễ dàng… Câu chuyện tình ngang trái của Diễm Lệ qua diễn xuất khá tốt của Quỳnh Hoa khiến người xem xót xa, thương cảm. Hay vẻ hào sảng, anh dũng của những cảnh chiến đấu, mất mát, đau thương của người dân trong chiến tranh qua những bà mẹ anh hùng như bà mẹ Tây Nguyên (Mai Hương), bà mẹ của Diễm Lệ (Hoàng Hương)… Đặc biệt màn cuối, khi những người đồng chí đồng đội bên nhau, nắm chặt tay để cùng bỏ qua những lầm lỗi quá khứ đã lấy được nhiều nước mắt khán giả...
Người mẹ khóc thương các con đã hy sinh nơi chiến trường. |
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: Vở “Bão tố Trường Sơn” không nằm trong kế hoạch dàn dựng vở mới năm 2017 của Nhà hát Kịch Việt Nam. Nhưng đây là một tác phẩm rất tâm huyết của cố tác giả Trương Minh Phương - người đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với hơn 160 ca khúc, 80 vở kịch và 5 công trình nghiên cứu về văn học dân gian. Đặc biệt, ông là người đã từng sống ở dải Trường Sơn. Mà nói đến Trường Sơn, nói đến cuộc chiến của người Việt Nam thì ai cũng biết, kể cả từ già đến trẻ, kể cả người sinh ra trong thời chiến tranh cũng như người sinh ra trong thời bình. Thế hệ trẻ hôm nay họ cũng biết về các câu chuyện và sự khốc liệt của cuộc chiến ở dải núi Trường Sơn lịch sử của Việt Nam. Cũng nơi ấy để lại nhiều phần xương máu của chiến sĩ, bộ đội ta, đồng thời để lại nhiều kỷ niệm, kể cả kỷ niệm đau đớn, nhưng cũng rất nhiều kỷ niệm đẹp của rất nhiều thế hệ người Việt Nam đã ra trận. Chính từ những kỷ niệm đẹp, kỷ niệm đau ấy, nó giống như những cơn giông tố của Trường Sơn, nó ào vào đất nước ta, ào vào trong cuộc đời của những người lính trẻ và để lại nhiều nỗi đau, nỗi buồn nhưng đồng thời cũng đọng lại những bài ca trữ tình đã tác động đến nhà viết kịch Trương Minh Phương viết nên vở kịch này. Đây là vở tráng ca về Trường Sơn thấm đẫm tình người. Chính vì vậy chúng tôi đã lựa chọn và đưa vào trong kế hoạch của năm nay và được sự hỗ trợ về kinh phí của Tổng Công ty Viễn thông quân đội Viettel, chúng tôi không dùng Ngân sách nhà nước và đây là vở xã hội hóa. Đối tượng phục vụ là các đơn vị quân đội nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Đề tài tưởng như cũ nhưng không hề cũ, thông điệp và câu chuyện trong đó mang giá trị nhân văn rất lớn và nhắc nhở người ta sống phải có tình yêu, phải biết tha thứ cho nhau để cuộc sống tốt đẹp hơn”.
NSƯT Xuân Bắc cho biết, anh rất vui mừng khi được tiếp xúc với tập kịch bản của cố tác giả Trương Minh Phương, trong đó có nhiều vở có thể dàn dựng, biểu diễn, và Nhà hát đã chọn vở “Bão tố Trường Sơn” dàn dựng trước tiên.
... và cái kết ngọt ngào |
Từ kịch bản ban đầu của tác giả, đạo diễn NSND Anh Tú đã xử lý tốt để làm nên đêm diễn đong đầy cảm xúc. Thiết kế mỹ thuật khá ấn tượng, đa năng của những chiếc bục linh hoạt: lúc là hầm chữ A nơi chiến trường, khi là sự gian nan khúc khuỷu của đường trường, lại có nơi là sự hẹn hò lãng mạn, biến ảo trong giây lát thành mái ấm của các gia đình… Việc sử dụng bục bệ hợp lý khiến cho việc di chuyển dễ dàng và không làm ngắt mạch kịch trong tưởng tượng của người xem. Âm nhạc được đặt viết riêng cho vở kịch cũng rất mượt mà, sâu lắng…
NSND Anh Tú tâm sự: “Tôi đã dựng nhiều vở kịch của các tác giả trong nước và đều được gặp tác giả kịch bản để xin ý kiến. Duy nhất vở “Bão tố Trường Sơn”, tác giả đã qua đời. Tôi muốn đến thắp nén nhang ở ban thờ và phần mộ của cụ để xin được cụ phù hộ, đồng thời xin phép cụ được chủ động chuyển văn bản kịch để đọc lên sân khấu với hành động kịch hấp dẫn cho mọi người xem - đây là một quá trình vật lộn, hoài thai nghệ thuật rất khủng khiếp. Khi còn ở dạng kịch bản, “Bão tố Trường Sơn” là của riêng tác giả Trương Minh Phương và gia đình cụ. Nhưng từ giờ phút này trở đi, đã trở thành đứa con của tôi, của chúng ta - đứa con máu thịt, đứa con tinh thần”.
Theo NSND Anh Tú: “Tuy tên là “Bão tố Trường Sơn” nhưng không bom đạn địch ta, tất cả viết về người cùng một chiến tuyến, ta ứng xử với nhau thế nào nhất là về giai đoạn hậu chiến. Chiến tranh qua rồi nhưng bão tỗ thì vẫn còn. Ta phải xây đắp dần dần thôi nhất là những tổn thương về trái tim con người mới là kinh khủng”.
Với tâm trạng xúc động, chị Nguyễn Lê Hạnh ở Cầu Giấy cho biết: Tôi thường xuyên đi xem kịch, đặc biệt là các vở kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam. Và khi lần đầu tiên xem vở kịch “Bão tố Trường Sơn”, khi nghe tên đã biết đây là một vở chính kịch. Tuy nhiên, khi xem xong vở kịch này thì trong tôi có đầy đủ tất cả cung bậc tình cảm, cảm xúc khác nhau: căm giận, cho đến khâm phục, vui có, buồn có với những sắc thái tình cảm mộc mạc nhưng chứa đựng những phẩm chất, giá trị cao đẹp của con người đã được tôi luyện thử thách trong bão tố của Trường Sơn, trong mưa bom bão đạn và đặc biệt là chính những cám dỗ trong cuộc sống ở thời kỳ không còn sự khốc liệt của bom đạn nhưng giữa dòng xoáy của cơ chế thị trường nó cũng khốc liệt không kém. Và vượt lên trên tất cả, đó là một thông điệp hết sức nhân văn: hãy yêu nhau và tha thứ cho nhau khi có thể. Để rồi không phải ân hận vì những gì đã qua và để cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn với những giá trị nhân văn như cuộc sống này vốn là như vậy”.
Khán giả tặng hoa các nghệ sĩ. |
Sau khi xem xong vở kịch, bác Hữu Trung ở Hà Đông hồ hởi nói: “Vở kịch này hay lắm, vui lắm. Nghe tên là vở “Bão tố Trường Sơn” nghĩ là sẽ ôn nghèo kể khổ, sẽ là ý tưởng cũ của một thời bom đạn đã qua. Nhưng bằng những hình thức thể hiện hết sức nhẹ nhàng, hài hước, lối diễn dí dỏm của các diễn viên thì đã tạo nên một sắc thái mới cho sự khốc liệt của chiến tranh. Các nghệ sĩ cũng đã thể hiện rất tốt vai diễn của mình, diễn bằng cảm xúc thật. Điều đó đã lay động tái tim khán giả để rồi sau mỗi màn diễn và đặc biệt khi kết thúc cả vở diễn thì những tràng pháo tay của khán giả đã nói lên điều đó. Bản thân tôi đã vỗ tay không ngớt ngay khi các nghệ sĩ đã rời khỏi sân khấu. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đón nhận những vở kịch hay như “Bão tố Trường Sơn”.
Khi xem “Bão tố Trường Sơn”, khán giả không chỉ được sống lại một thời bom đạn của chiến tranh, mà điều khiến vở kịch trở nên có giá trị là khả năng lay động cảm xúc của người xem. Các diễn viên đã rất nhập vai và chuyển tải được tinh thần, giá trị nhân văn mà tác giả kịch bản cũng như đạo diễn mong muốn gửi đến khán giả. Dù là nghệ sĩ còn rất trẻ như Tô Dũng, Quỳnh Hoa, Khánh Linh, Thân Thanh Giang, Sơn Tùng, Thế Nguyên… đến các nghệ sĩ gạo cội như Xuân Bắc, Phú Đôn, Đình Chiến, Tuấn Minh… đều đem tới những khác biệt trong các tác phẩm chứa đựng bao kỷ niệm của thế hệ từng tham gia cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Với những giá trị tích cực như thế, vở kịch một lần nữa là một bài học giáo dục cho công chúng về tình yêu, sự hi sinh, cách để chúng ta làm cho cuộc sống tốt hơn.
Nguyên Hà (ảnh: Hà Tuấn)