• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều kết quả sau 10 năm thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa tại Thanh Hóa

Văn hoá 01/04/2020 11:29

(Tổ Quốc) - Qua 10 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính Trị, Ban Bí thư, Chương trình, kế hoạch, quy hoạch của UBND tỉnh, các hoạt động về bảo tồn di sản, bảo tàng, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, văn hóa cơ sở…trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực.

Nhiều kết quả sau 10 năm thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa tại Thanh Hóa - Ảnh 1.

Thành nhà Hồ. Nguồn: culturemagazin.com

Về hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Giai đoạn 2011-2020, có trên 400 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác, góp phần thực hiện các mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân và du khách thập phương. Đặc biệt là một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được đầu tư tu bổ, phục hồi và đưa vào khai thác, phục vụ phát triển du lịch, tiêu biểu là: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt (Lam Kinh, Lê Hoàn, Bà Triệu); Nghè Vẹt, đền thờ Trần Khát Chân, chùa Giáng… Bên cạnh đó, công tác kiểm kê, xếp hạng, lập hồ sơ xếp hạng di tích cũng được tiến hành thường xuyên và tính đến nay đã có 851 di tích được xếp hạng. Tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 19/27 huyện, thị xã, thành phố.

Về hoạt động bảo tàng, thư viện

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 3 bảo tàng cấp tỉnh với hơn 30.000 hiện vật, 28.000 tài liệu, hiện vật quý hiếm có niên đại từ thời nguyên thủy đến ngày nay; 08 bảo tàng cấp huyện/thị xã/thành phố và 17 phòng truyền thống ở các xã/phường/thị trấn là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, giáo dục truyền thống, văn hóa của địa phương, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu, học tập của các nhà khoa học/nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động thư viện giai đoạn 2011-2020 có nhiều đổi mới và phát triển. Đặc biệt sau khi Thư viện tỉnh được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ và đồng bộ, nhiều loại hình dịch vụ và hoạt động mới của thư viện ra đời như: khai thác, tìm kiếm thông tin trên mạng internet; tổ chức trưng bày sách báo theo chủ đề, ngày hội văn hóa đọc, hội báo xuân… đã thu hút đông đảo bạn đọc đến tham quan và tìm hiểu. Bình quân mỗi năm cấp 3.500 – 4.000 thẻ bạn đọc, phục vụ 300.000 – 400.000 lượt bạn đọc.

Về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, chiếu phim

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật, điện ảnh, chiếu phim được triển khai khá tích cực, nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn toàn quốc và khu vực; tổ chức tốt các hoạt động biểu diễn phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Nhiều kết quả sau 10 năm thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa tại Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/giadinh.net.vn

Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm

Giai đoạn 2011-2020, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm ngày càng phát triển đa dạng về hình thức và nội dung. Phối hợp với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tổ chức được 20 cuộc triển lãm; duy trì hàng năm tổ chức các cuộc triển lãm mừng Đảng, mừng Xuân, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như: Trưng bày – triển lãm kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc; Triển lãm "Thanh Hóa – Miền Di sản"; trưng bày triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý"; Tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ Năm Du lịch quốc gia 2015; Phối hợp tổ chức các cuộc triển lãm lưu động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh…

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và công tác gia đình

Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả, chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng làng, bản văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; Hướng dẫn các địa phương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong các cơ quan, đơn vị; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh, các trò chơi, trò diễn dân gian giàu bản sắc văn hóa dân tộc, như: giao lưu văn nghệ quần chúng, bảo tồn và khai thác các trò chơi, trò diễn dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ… góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân.

Công tác gia đình đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, triển khai kịp thời các chương trình, kế hoạch của trung ương và của tỉnh về công tác gia đình; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh; Duy trì và nhân rộng các mô hình, CLB phát triển gia đình bền vững, phòng chống bạo lực gia đình.

Những kết quả trên đã góp phần xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh Thanh Hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng; đảm bảo xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thanh Thủy

NỔI BẬT TRANG CHỦ