• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều kinh nghiệm quý được chia sẻ nhằm hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình

Thực hiện: Thế Công - Ảnh: Nam Nguyễn | 01/10/2024

(Tổ Quốc) - Chiều 1/10, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo: "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình". Hội thảo được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình.

Nhiều kinh nghiệm quý được chia sẻ nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo


Tới dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phạm Đức Long - Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Quốc gia; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an; bà Hoàng Thị Lan Nhung, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội; Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin kiêm Tổng biên tập Báo điện tử Tổ Quốc - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL Nguyễn Thị Hoàng Lan cùng đại diện lãnh đạo các Cục, vụ, viện, đơn vị trực thuộc Bộ, cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số và CNTT của các đơn vị Bộ VHTTDL; các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam...

Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 150 đại biểu tại hội trường và hơn 1.000 lượt theo dõi trực tuyến tại địa chỉ: Hoithao.cntt.gov.vn.

Nhiều kinh nghiệm quý được chia sẻ nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội thảo

Việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL đã đạt được các kết quả tích cực

Phát biểu khai mạc tại phiên chính của Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên. Tại Việt Nam, Chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài viết: "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Mới đây, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Tại Bộ VHTTDL, Ban Cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng - Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại Bộ, cũng như triển khai các nội dung của Đề án 06.

Nhiều kinh nghiệm quý được chia sẻ nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, năm 2024, Bộ VHTTDL đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu "Đúng – Đủ – Sạch – Sống". 

Việc xây dựng và phát triển CSDL hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; Góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các VĐV; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Thứ trưởng cũng thông tin thêm, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL đã đạt được các kết quả tích cực, đó là: Nhận thức và hành động về triển khai chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến; Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời; Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch; Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng; Nguồn lực dành cho chuyển đổi số, dữ liệu số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hàng năm.

Bộ TTTT sẽ hỗ trợ Bộ VHTTDL xây dựng hệ tri thức trợ lý ảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho rằng, dữ liệu là nguồn tài nguyên quan trọng như đất đai. Ngành nào có nhiều dữ liệu thì ngành đó sẽ có nhiều nguồn tài nguyên mới. Nhưng khác với đất đai hữu hạn, dữ liệu là vô hạn và càng ngày sẽ càng tăng lên. Việc xây dựng và phát triển dữ liệu là tạo ra được nguồn tài nguyên mới và tư liệu sản xuất mới.

Nhấn mạnh 5 nhiệm vụ về xây dựng CSDL mà Bộ VHTTDL cần thực hiện thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, CSDL của Bộ VHTTDL phải nằm trong Khung Kiến trúc CPĐT 3.0. Do vậy, Bộ khi xây dựng Kiến trúc 3.0 thì quy định CSDL này phải được đồng bộ trong Kiến trúc để kết nối, chia sẻ dữ liệu trong Kiến trúc.

Hai là, phát triển CSDL bắt buộc mọi hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức để đưa dữ liệu lên môi trường mạng thì dữ liệu mới sống được để đáp ứng mục tiêu 100% dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống.

Nhiều kinh nghiệm quý được chia sẻ nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long chia sẻ tại Hội thảo

Ba là, phải xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cần làm gì và ai làm? Khi xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan để bảo đảm dữ liệu ngành này chính xác thì dữ liệu mới sống được.

Bốn là, xây dựng CSDL ngành cần phải tuân thủ nguyên tắc: Dữ liệu đã có trên không gian mạng thì không thu thập lại; Dữ liệu khi thu thập xây dựng phải được kết nối, chia sẻ; Dữ liệu khi thu thập sẽ chia sẻ cho ai, chia sẻ như thế nào. Tránh việc, 1 công việc mà có nhiều người làm, một dữ liệu mà có nhiều nơi thu thập sẽ dẫn đến sự cát cứ, sai lệch, chồng chéo dữ liệu, tốn thời gian và nguồn lực thu thập dữ liệu.

Thứ năm là, khi có dữ liệu rồi, để dữ liệu được sử dụng, khai thác để phát triển kinh tế - xã hội phát triển thì phải có kịch bản sử dụng dữ liệu, khai thác dữ liệu thì dữ liệu mới có giá trị.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho rằng, cần xây dựng hệ tri thức trợ lý ảo của Bộ VHTTDL để hỗ trợ công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Về việc này, Bộ TTTT sẽ hỗ trợ Bộ VHTTDL.

Người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt 

Chia sẻ tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho biết, Đề án "ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06/CP) là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số nước ta trong 02 năm qua. Chính phủ đã xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của Chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sản xuất.

Quá trình thực hiện, Chính phủ đã nhận diện và đề ra 05 nguyên tắc để đảm bảo triển khai thành công Đề án 06 đó là: Thứ nhất, Người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian", có cơ chế kiểm tra, giám sát. Thứ hai, Nhận thức đúng và có giải pháp sáng tạo.

Thứ ba, quán triệt việc triển khai để tạo giá trị "văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm". Thứ tư, Việc tổ chức triển khai đảm bảo xuyên suốt 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. Thứ năm, Để thực hiện thành công đề án phải hoàn thiện được 5 vấn đề về "pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và bố trí nguồn lực (kinh phí và con người) để triển khai".

Nhiều kinh nghiệm quý được chia sẻ nhằm hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình - Ảnh 5.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

Về vấn đề bảo mật và an ninh an toàn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương cho rằng, đây là vấn đề mà các đơn vị quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cần được quan tâm hơn bao giờ hết trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, các Trung tâm dữ liệu đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa. Vấn đề nhận thức về an toàn thông tin và việc tuân thủ quy trình vận hành, quản trị hệ thống của nhân viên là những yếu tố then chốt.

Thông tin tại Hội thảo, bà Lê Hoàng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về môi trường, đa dạng sinh học của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2020, Luật BVMT lần đầu tiên đã dành riêng điều khoản (Điều 115) để quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu môi trường. Hệ thống thông tin môi trường là một hệ thống đồng bộ theo một kiến trúc tổng thể bao gồm con người, máy móc thiết bị, kỹ thuật, dữ liệu và các chương trình làm nhiệm vụ thu nhận, xử lý, lưu trữ và phân phối thông tin về môi trường cho người sử dụng trong một môi trường nhất định. Cơ sở dữ liệu môi trường là hợp phần quan trọng, cốt lõi của hệ thống thông tin môi trường.

Kể từ khi Luật BVMT 2020 được ban hành và có hiệu lực, Bộ TN&MT đã có những nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng, trình ban hành và ban hành hành lang pháp lý khá đầy đủ và chi tiết để hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương có thể triển khai xây dựng HTTT, CSDL môi trường theo phân cấp quản lý bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả năng tích hợp, kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số của lĩnh vực môi trường trong ngành tài nguyên và môi trường.

Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn về việc triển khai HTTT, CSDL môi trường, trong thời gian 03 năm (2021 – 2023), Bộ TN&MT đã triển khai nhiệm vụ "Xây dựng và vận hành HTTT, CSDL môi trường quốc gia (MTQG) đáp ứng Chính phủ điện tử ngành TN&MT (giai đoạn 1)". Hệ thống thông tin, CSDL môi trường được xây dựng bao gồm: phần mềm nền tảng CSDL MTQG, phần mềm dịch vụ tích hợp, phần mềm quản lý truy cập tập trung; phần mềm hỗ trợ thu nhận thông tin môi trường; phần mềm khai thác thông tin dữ liệu môi trường.

Nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng hệ thống CSDL trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng, triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, đối với ngành du lịch, dữ liệu là một trong những nền tảng quan trọng để thực hiện chuyển đổi số thành công, phát triển du lịch thông minh. Xây dựng kho dữ liệu số, đặc biệt phát triển các cơ sở dữ liệu là một nhiệm vụ cần thiết nhằm giúp cho công tác quản lý ngành thực chất, hiệu quả, hỗ trợ công tác xúc tiến quảng bá, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành du lịch. Đồng thời hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch sẽ góp phần hỗ trợ cho công tác quản lý của các ngành liên quan, và cũng là tạo nguồn dữ liệu cho công tác nghiên cứu chuyên ngành du lịch.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc, để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tối ưu nhất là có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam quản lý, vận hành để các Sở quản lý du lịch địa phương và doanh nghiệp du lịch cùng tham gia vào hệ thống.

"Để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đồng bộ, trong thời gian tới cần tiếp cận theo hướng: Phổ biến, hướng dẫn các Sở chưa có hệ thống Cơ sở dữ liệu tham gia và Cho phép các hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có của Sở liên thông, kết nối tới hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành. Đây là yêu cầu cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế" – ông Nguyễn Lê Phúc chia sẻ.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL chia sẻ tại Hội thảo

Liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, TS Phạm Thị Khánh Ngân – Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL cho biết, theo thống kê của Cục Di sản văn hóa đến tháng 12/2023 nêu hiện trạng về số lượng di tích, di sản tại Việt Nam. Theo bà, với kho tàng di sản văn hóa đồ sộ và quý giá đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu số, có thể kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc sẽ là một trong các biện pháp cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên không gian mạng, phù hợp với xu hướng thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân và bạn bè quốc tế trong tình hình mới.

Các hệ thống thông tin quản lý tại Cục Di sản văn hóa hiện nay đều là hệ thống nhằm thu thập, lưu trữ, quản lý, khai thác thông tin. Quá trình xây dựng hệ thống thông tin dựa trên các văn bản hướng dẫn, nghiệp vụ của các lĩnh vực để đưa ra tiêu chí đầu vào, đầu ra. Quá trình xây dựng gồm 5 giai đoạn, gồm: Khảo sát; Phân tích hệ thống; Thiết kế Thông qua thông tin được thu thập từ quá trình khảo sát và phân tích, xác định phần cứng, phần mềm cần sử dụng và thiết kế.; Giai đoạn 4 là Kiểm duyệt các modules chức năng của hệ thống thông tin, chạy thử bản demo; Giai đoạn 5 là triển khai và bảo trì.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lý Đức Thùy – Giám đốc Trung tâm Thông tin Thể dục thể thao, Cục Thể dục thể thao cho biết, Ngành Thể dục thể thao đã ưu tiên đầu tư triển khai xây dựng, phát triển và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý huấn luyện, đào tạo VĐV các đội tuyển.

Các hệ thống thông tin quản lý, điều hành tác nghiệp được xây dựng nhằm hỗ trợ cho quá trình tương tác giữa VĐV, HLV và nhà quản lý trong quá trình huấn luyện. Các hệ thống này có phạm vi diện rộng tại các đơn vị và cơ sở huấn luyện phục vụ trực tiếp cho quá trình huấn luyện và tổ chức huấn luyện Các thông tin, CSDL trong quá trình đào tạo, huấn luyện VĐV sẽ còn phục vụ cho công tác tuyển chọn VĐV, quản lý huấn luyện theo từng giai đoạn, hỗ trợ kiểm tra, đánh giá kết quả… Các đối tượng như HLV, VĐV, cán bộ quản lý có thể tổng hợp và xử lý các thông tin liên quan trong hệ thống dữ liệu này với nhiều mục đích: tìm hiểu về VĐV, thành tích VĐV, lập báo cáo, thống kê tổng hợp… từ đó giúp các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và chính xác.

Cần có tính tổng thể, đồng bộ

Ở góc độ địa phương, chia sẻ tại Hội thảo, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, để đảm bảo yêu cầu hoạt động có hiệu quả trong công tác lưu trữ, quản lý, tra cứu dữ liệu về văn hóa và thể thao, năm 2022, 2023, Sở đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ: (1) Số hóa tài liệu lưu trữ; (2) Cơ sở dữ liệu hệ thống dữ liệu ứng dụng công nghệ số hóa tư liệu trong quản lý và bảo tồn di sản văn hóa; (3) Phần mềm Thư viện số và số hóa sách, báo, tạp chí tại Thư viện Hà Nội; (4) Xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu Quốc Tử Giám…

Ông Đỗ Đình Hồng cho rằng, việc triển khai hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Bộ cần có tính tổng thể, đồng bộ, để các địa phương không phải sử dụng nhiều phần mềm. Đồng thời, cần có lộ trình cụ thể và kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu ngành để địa phương không gặp khó khăn trong việc chủ động triển khai các hệ thống.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng và ông Phạm Quốc Hoàn - Đại diện Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại Hội thảo

Ông Phạm Quốc Hoàn - Đại diện Sở TTTT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong những năm qua, nhất là từ năm 2014 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã "đi trước, đón đầu" trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, ở tất cả các lĩnh vực và xác định lấy hiện đại hóa nền hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh, Đề án chuyển đổi số.

Chia sẻ một số bài học kinh nghiệm qua thực tiễn triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, đặc biệt là việc xây dựng, triển khai các HTTT & CSDL, ông Hoàn cho rằng, Lãnh đạo các bộ, ngành và người đứng đầu các cơ quan, địa phương phải có quyết tâm chính trị và tạo được sự đồng thuận cao; Phải tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân; Sự vào cuộc, tham gia của các cấp, ngành, đơn vị liên quan phải thực sự tích cực và đồng thuận; Ban hành các quy định hành chính về quản lý, vận hành, khai thác các HTTT & CSDL đi đôi với việc đào tạo và phát triển nhân lực công nghệ thông tin; Phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin - Truyền thông phải hiện đại và đi trước một bước, triển khai các HTTT & CSDL phải gắn liền với đảm bảo an toàn thông tin mạng; Đầu tư cho các HTTT & CSDL phải đồng bộ, có lộ trình thích hợp và phải huy động được mọi nguồn lực, việc bố trí nguồn vốn, ban hành các cơ chế, chính sách phải kịp thời, phù hợp, đảm bảo tiến độ triển khai; Phải lựa chọn được đơn vị đối tác chiến lược, lâu dài, có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực

Doanh nghiệp công nghệ hiến kế 

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hân – Giám đốc Giải pháp An toàn thông tin – Hạ tầng Cloud – Tập đoàn VNPT đã chia sẻ tham luận với chủ đề: "Mô hình, giải pháp đảm bảo ATTT, hạ tầng tập trung trên nền tảng điện toán đám mây". Về giải pháp an toàn thông tin cho ngành VHTTDL, ông Hân cho rằng, mục tiêu ngắn hạn là phải phát hiện lỗ hổng, ngăn chặn tấn công. Trung hạn đó là hình thành năng lực hạ tầng nhân sự và dài hạn là xây dựng kiến trúc và duy trì nhận thức.

Ông Nguyễn Văn Hân cũng chia sẻ lộ trình các bước cụ thể nếu doanh nghiệp này được tham gia vào xây dựng giải pháp an toàn thông tin cho ngành VHTTDL đó là: Khảo sát hiện trạng (hạ tầng, nghiệp vụ...), tìm hiểu mục đích, nhu cầu của khách hàng; Xây dựng phương án tổng thể để nâng cao an toàn an ninh mạng tại tổ chức của khách hàng; Nếu điều kiện phù hợp có thể dùng thử/thử nghiệm sản phẩm dịch vụ (ở quy mô vừa phải); Thực hiện các thủ tục để ký kết hợp đồng giữa khách hàng và VNPT; VNPT triển khai cung cấp sản phẩm dịch vụ theo hợp đồng đã ký kết; VNPT thực hiện đào tạo hướng dẫn sử dụng các nội dung liên quan trước khi nghiệm thu bàn giao.

Đại diện hai doanh nghiệp chia sẻ tại Hội thảo

Còn bà Hoàng Như Hoa – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietsoftpro cho rằng, để tận dụng tối đa vai trò của cơ sở dữ liệu di sản văn hóa trong phát triển du lịch thông minh, cần triển khai một loạt các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm du khách và bảo tồn di sản văn hóa.

Thứ nhất là xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu di sản văn hóa toàn diện. Đầu tiên và quan trọng nhất, cần xây dựng một cơ sở dữ liệu di sản văn hóa toàn diện và chính xác. Điều này bao gồm việc thu thập, số hóa và lưu trữ thông tin chi tiết về các di sản văn hóa. Thứ hai là Phát triển các ứng dụng du lịch thông minh dựa trên cơ sở  dữ liệu. Trong đó, sử dụng CSDL di sản văn hóa để phát triển các ứng dụng du lịch thông minh và các dịch vụ phát triển công nghiệp văn hóa đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách và mục đích sử dụng.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Bộ VHTTDL đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp từ đó làm cơ sở để xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chương trình trong thời gian tới. 

"Tôi tin rằng, các ý kiến đóng góp từ quý vị đại biểu, các nhà quản lý và doanh nghiệp sẽ là tiền đề để Bộ VHTTDL có những định hướng, chiến lược đúng đắn và kịp thời nhằm thúc đẩy quá trình hiện đại hóa hệ thống thông tin và dữ liệu của ngành VHTTDL và Gia đình trong tương lai. Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Bộ VHTTDL sẽ tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VHTTDL, tạo sự kết nối với các dữ liệu khác, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số, giúp cho công tác quản trị, điều hành và hoạch định chính sách" - Thứ trưởng bày tỏ./.


 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ