(Tổ Quốc) - Tại tỉnh Kon Tum - nơi có đường biên giới quốc gia dài hơn 292km giáp hai nước bạn Lào và Campuchia, nhiều mô hình kết nghĩa quân dân với quy mô khác nhau đã được hình thành, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Mùa vụ cà phê vừa qua, gia đình anh A Bông (thôn Đăk Xây, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) phấn khởi vì được mùa, được giá. Nhờ sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn xã Đăk Long mà nhiều hộ đồng bào Giẻ Triêng như gia đình anh A Bông mấy năm nay đã mạnh dạn chuyển từ trồng cây gỗ bời lời sang cây cà phê mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Đứng giữa rẫy cà phê, anh A Bông chia sẻ: "Các chú bộ đội tuyên truyền kỹ thuật canh tác trồng cà phê nên gia đình tôi phá bời lời đi trồng cà phê, được năng suất cao hơn, thu nhập gia đình ổn định hơn".
Gia đình anh A Bông là một trong những trường hợp điển hình của mô hình kết nghĩa giữa chiến sĩ Biên phòng với hộ đồng bào dân tộc thiểu số mà Đồn Biên phòng Đăk Long tích cực triển khai những năm gần đây nhằm đồng hành với đồng bào phát triển kinh tế.
Thiếu tá Nguyễn Vinh Hùng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đăk Long, huyện Đăk Glei - cho biết đồn đã triển khai một số mô hình cụ thể giúp bà con trên địa bàn phát triển kinh tế, trong đó có mô hình kết nghĩa giữa Bộ đội Biên phòng người dân tộc thiểu số với hộ gia đình là người dân tộc thiểu số trên địa bàn để xây dựng mô hình trồng cây cà phê, trồng cây macca.
Trong khi đó, tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), việc xã biên giới đặc biệt khó khăn Đăk Xú xây dựng thành công xã nông thôn mới cũng có phần góp sức không nhỏ của các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn, với nhiều mô hình, dự án thiết thực giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, để từng bước vươn lên thoát nghèo.
Anh A Lel (thôn Đăk Long Giao, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) vui mừng kể: "Gia đình tôi thuộc hộ rất khó khăn, được lực lượng Biên phòng xã Đăk Xú hỗ trợ với mô hình nuôi heo đen. Tôi rất vui và nỗ lực lao động để cải thiện thu nhập".
Đại úy Bùi Quang Thắng - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi - cho hay Bộ đội Biên phòng tham gia các dự án giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, trước đây có mô hình trồng nghệ, sau thì có mô hình nuôi heo sinh sản, nuôi ngan. Mô hình nuôi heo đen được kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập cao cho các hộ đồng bào.
Hưởng ứng Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum phát động, các đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum thực hiện các mô hình giúp dân làm kinh tế.
Các mô hình đã mang lại kết quả khả quan, giúp các hộ đồng bào nhận thức được ý nghĩa của cuộc vận động. Một bộ phận không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, bỏ dần tư tưởng không muốn thoát nghèo, nhiều gia đình đã tự lực vươn lên bằng nội lực của mình.
Đặc biệt, vừa qua, các đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới của tỉnh Kon Tum đã đồng loạt tổ chức lễ kết nghĩa với 11 xã biên giới, với các hoạt động cụ thể tăng cường hiệu quả quy chế phối hợp ký kết hằng năm giữa cấp ủy, chỉ huy đồn và cấp ủy chính quyền địa phương.
"Lễ kết nghĩa đã tạo thêm niềm tin, sự đoàn kết thống nhất giữa Đảng ủy, chính quyền địa phương và các đồn biên phòng, tạo sự đồng thuận cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương, nâng cao lòng tin của nhân dân trong việc bảo vệ đường biên cột mốc, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn", ông Đỗ Sum - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei nói.
Cùng với lễ kết nghĩa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum và các đồn biên phòng đã trao tặng bò giống cho con nuôi đồn Biên phòng cùng nhiều phần quà cho các hộ gia đình khó khăn. Các hoạt động thiết thực này không chỉ thắt chặt thêm nghĩa tình quân dân, mà còn góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới Tây Nguyên.