• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành điểm tham quan hấp dẫn

Văn hoá 09/01/2025 15:53

(Tổ Quốc) - Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách như: Mô hình nhà rông của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên; nhà sàn của người Tày, Thái, Mường vùng núi phía Bắc... đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số luôn là một nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Với quan điểm nhất quán, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định, văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt nhiều kết quả

Những năm gần đây, được hỗ trợ từ nhiều chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc, đời sống văn hóa, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những bước khởi sắc. Sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đạt được những kết quả nhất định, các đề án, dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng địa chỉ và có hiệu quả hơn.

Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành điểm tham quan hấp dẫn     - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việc tăng cường kết hợp, lồng ghép các dự án văn hóa với các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số trong những năm qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trong thời kỳ mới, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Ngành văn hoá ở các cấp đã thực hiện nhiều chương trình công tác, bám sát yêu cầu của nhiệm vụ chính trị nhằm xây dựng phát triển đời sống văn hoá, từng bước cải thiện, nâng cao mức hưởng thụ về văn hoá, nghệ thuật; tăng cường đầu tư để bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, phối hợp tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) đồng bộ từ trung ương đến địa phương; khảo sát và mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể, các nghề thủ công truyền thống của dân tộc thiểu số có số dân rất ít người do chính các nghệ nhân - chủ thể nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, SiLa... qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về văn hóa các dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định kỳ tổ chức hoặc phối hợp tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; Ngày hội văn hóa dân tộc Thái, Chăm, Khmer, Mông, Mường, Dao..; Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái; Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; giao lưu văn hóa nghệ thuật tuyến biên giới Việt Nam - Lào; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025..., góp phần củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, địa phương trong cả nước, nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Song song với đó, nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số cũng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn; các làng, bản, buôn truyền thống được hỗ trợ đầu tư nhằm bảo tồn giá trị văn hóa của từng dân tộc; chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương có vùng dân tộc thiểu số phát triển du lịch cộng đồng (homestay) gắn với xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh như: Lào Cai, Hòa Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… Các địa phương cũng đã chủ động, tích cực xây dựng nhiều chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện và có cách làm có hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc. Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách như: Mô hình nhà rông của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên; nhà sàn của người Tày, Thái, Mường vùng núi phía Bắc... đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo sinh kế phát triển bền vững, góp phần cải thiện đời sống hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số khó khăn và đề xuất

Do xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều nên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế: Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp chưa mang tính hàng hóa, thiếu tính bền vững, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội; vẫn tồn tại vấn nạn bất bình đẳng giới và một số hủ tục lạc hậu khác… nên việc huy động nguồn lực vật chất từ chính quyền và người dân để duy trì, bảo vệ giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể là rất khó khăn.

Sự quan tâm của các cấp, các ngành trong bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số và miền núi có lúc, có nơi chưa sâu sát, triển khai chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào chưa triển khai sâu rộng. Một số chương trình, đề án về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc triển khai còn chậm nên chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Các văn bản hướng dẫn, áp dụng thực hiện trong các nhiệm vụ về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chưa phù hợp với thực tiễn.

Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành điểm tham quan hấp dẫn     - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực. Người có uy tín và các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ngày càng ít dần. Chế độ chính sách đối với người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở còn chưa tương xứng để thu hút nhân lực gắn bó với cơ sở.

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có một số đề xuất như sau:

Một là, tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài, đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc; trong đó có chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng miền núi, dân tộc thiểu số.

Hai là, hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; bảo tồn làng, bản, buôn và phát huy lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua việc xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Định kỳ tổ chức các liên hoan, ngày hội, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền và từng dân tộc.

Ba, tiếp tục tăng cường các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Hỗ trợ đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cấp Trung ương và tỉnh phục vụ đồng bào dân tộc ở các xã, bản ở vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các xã, bản sát biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; có hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ, truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Bốn là, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai có hiệu quả Dự án số 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch". Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu của Chương trình đã đề ra.

Nhiều mô hình nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số trở thành điểm tham quan hấp dẫn     - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Năm, chú trọng đổi mới các quy định, chính sách về văn hóa, thể thao và du lịch đối với các dân tộc thiểu số theo hướng đồng bộ, lâu dài; đặc biệt trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc, chính sách cho các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa… Tiếp tục xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các đề án, dự án liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế, du lịch, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa và xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Sáu là, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình; bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa./.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ