• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi giúp người dân miền núi Quảng Trị nâng cao thu nhập

Kinh tế 27/09/2023 19:28

(Tổ Quốc) - Thực hiện các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi được huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) triển khai, qua đó giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Đakrông là một trong hai huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Huyện có 3 dân tộc cùng chung sống là Vân Kiều, Pa Cô và Kinh, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTTS) chiếm 80%. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khá đặc thù, đời sống của người dân tại đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển.

Người dân hưởng lợi từ các chính sách

Theo số liệu thống kê cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn huyện Đakrông 5.175 hộ với 24.411 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 43,69%; hộ cận nghèo 1.156 hộ với 4.920 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 9,76%. Thực hiện các chính sách giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện có 34.988 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người đồng bào DTTS, người Kinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn đã được cấp thẻ BHYT, trong đó gồm: 29.471 đối tượng đồng bào DTTS; 1.561 đối tượng là hộ nghèo; 112 đối tượng là hộ cận nghèo; 3.934 người Kinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi giúp người dân miền núi Quảng Trị nâng cao thu nhập - Ảnh 1.

Đakrông là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.

Thời gian qua, chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nghèo tiếp tục được UBND huyện Đakrông chú trọng, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. UBND huyện tiếp tục chỉ đạo công tác tư vấn, tuyên truyền xuất khẩu lao động tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Kết quả, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 894 lao động (số liệu đến tháng 6/2023). Trong đó, số lao động tham gia xuất khẩu lao động là 33 người.

Tính đến giữa tháng 6/2023, địa phương đã tổ chức tuyển sinh và hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh cho 12 lớp nghề với 240 học viên. Hoàn thành hồ sơ trình các cơ quan thẩm định 8 lớp, đào tạo nghề cho 160 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề nông nghiệp: 100 lao động; đào tạo nghề phi nông nghiệp: 60 lao động. Năm 2023, dự kiến sẽ đào tạo nghề cho 400-450 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn nghề dự kiến đến cuối năm 2023 là 51%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%.

Về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, trong 6 tháng đầu năm đã triển khai và nghiệm thu 17 nhà. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, tạo điều kiện cho người nghèo có chỗ ở ổn định, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Cũng thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo đã giúp người dân nâng cao được nhận thức về truyền thống nhân văn và nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta, tinh thần tương thân tương ái, xây dựng tình cảm cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững. Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đakrông phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác đã tích cực giải ngân nguồn vốn cho các đối tượng có nhu cầu. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, đã giải ngân số tiền hơn 83.545 triệu đồng với 10 chương trình tín dụng cho vay. Nhìn chung, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng tăng qua từng năm, từ đó giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Nhiều mô hình hay được triển khai

Theo UBND huyện Đakrông, thời gian qua, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương cũng đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, xác định các loại cây chủ lực có lợi thế theo từng vùng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đất đai trên địa bàn huyện nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ liên kết và bao tiêu sản phẩm trong thời gian tới.

Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi giúp người dân miền núi Quảng Trị nâng cao thu nhập - Ảnh 2.

Nhiều mô hình hay về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đang được triển khai tại huyện Đakrông nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, đã tập trung phát triển mở rộng các diện tích trồng lạc, đậu xanh tại vùng Ba Lòng, Triệu Nguyên và Mò Ó; Nhân rộng, phát triển các loại cây ăn quả đặc sản mang lợi thế của từng vùng như chuối lùn, dứa, tại vùng Tà Rụt, A Ngo, A Bung và A Vao, dưa hấu tại Mò Ó và Triệu Nguyên…; Mở rộng diện tích trồng lúa nếp than trên các chân ruộng thiếu nước tại các xã như A Ngo, Tà Long, Đakrông, Hướng Hiệp... Cùng với đó, huyện đã chú trọng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất và chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích.

Ngoài ra, địa phương cũng triển khai các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế của người dân như: mô hình chăn nuôi lợn Vân Pa, mô hình chăn nuôi dê, mô hình nuôi ngan, mô hình chăn nuôi bò. Trong đó, mô hình chăn nuôi lợn Vân Pa vừa mang lại hiệu quả kinh tế khá cao vừa bảo tồn nguồn và phát triển giống lợn đặc trưng của địa bàn.

Bằng những nguồn lực hỗ trợ ban đầu kết hợp với sự giám sát trong quá trình thực hiện, các mô hình này bước đầu có những tác động tích cực đối với người dân, thay đổi dần tập quán sản xuất, tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Từ thành công của các mô hình, đã được bà con học tập, trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng vào thực tiễn sản xuất phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác và tận dụng lợi thế của địa phương, qua đó góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Nhằm thực hiện tốt các nội dung thuộc các Chương trình MTQG, UBND huyện Đakrông cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư các dự án đã triển khai theo đúng quy định; Tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hàng năm theo quy định, nhằm làm căn cứ xây dựng kế hoạch cụ thể ở từng địa phương để tổ chức triển khai các giải pháp giảm nghèo một cách đồng bộ, có hiệu quả; Giám sát việc tổ chức mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch đã đề ra; Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực giảm nghèo cho cán bộ cấp xã, thôn để việc tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo đúng đối tượng và phát huy được hiệu quả;…/.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ