(Tổ Quốc) - Những vết thương trên cơ thể có thể lành theo thời gian nhưng vết thương tâm lý từ bạo hành gia đình sẽ rất lâu lành nếu mỗi gia đình không thực sự còn là tổ ấm yêu thương cho từng thành viên.
Bạo lực gia đình đến từ đâu?
Bạo hành trong gia đình được hiểu là sự ngược đãi về thân thể và lời nói, ngược đãi về tình cảm, lạm dụng về kinh tế, ngược đãi về mặt xã hội và những ngược đãi liên quan đến tình dục.
Cách đây chưa lâu một bé trai 4 tuổi do nghịch ngợm không giống ai khi bố mẹ đi làm vắng nhà khiến mẹ và cha dượng đánh đến gãy chân. Bị đánh đau, các em có thể khóc toáng lên, rồi vết thương hiện hữu trên cơ thể là lời tố cáo những trận đòn roi từ người lớn.
Nhưng còn rất nhiều người vợ, người mẹ chấp nhận sống chung với người chồng vũ phu, không để con cái hay họ hàng thân thích biết. Nếu khuôn mặt và chân tay có bị bầm dập và ai đó hỏi thì lại nói dối do bị ngã chứ hiếm khi nói thật do chồng hạ cẳng tay thượng cẳng chân.
Đi tìm nguyên nhân của những vụ bạo lực gia đình xảy ra, TS. Đặng Thị Vân - Chuyên gia Tâm lý học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến bạo lực gia đình, song nguyên nhân chủ quan vẫn là nguyên nhân chiếm ưu thế.
Một phần do tư tưởng “trọng nam khinh nữ” có từ xa xưa và vai trò của phụ nữ lép vế, sống phụ thuộc vào kinh tế từ người chồng.
TS. Đặng Thị Vân đưa ra điểm đáng chú ý về vấn đề bạo lực gia đình hiện nay xảy ra ở cả gia đình điều kiện kinh tế khó khăn lẫn những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, gia đình trẻ mới kết hôn lẫn những gia đình đã chung sống, gắn bó với nhau thời gian dài; gia đình có trình độ học vấn thấp và ngược lại.
Nếu là bạo lực giữa chồng và vợ xảy ra, phần lớn do người chồng nhận thức sai lầm về vị trí vai trò của mình trong gia đình, khi cho rằng mình có quyền phán xét, giáo dục vợ. Nếu vợ làm trái ý mình hoặc không thực hiện theo mệnh lệnh, người vợ có thể mắng chửi, đánh đập ngay. Trong khi đó, người vợ cũng không xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của bản thân đối với chồng, gia đình nhà chồng, tự hạ thấp bản thân mà không biết phát huy, vận dụng quyền dân chủ của mình. Lý do căn bản nhất là do họ thiếu kiến thức về bình đẳng giới, họ nhận thức sai lệch về vị trí của bản thân, thiếu sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống gia đình.
Vết thương cơ thể do những trong gia đình gây nên. Nguồn zing.vn |
Lý do khác cũng không kém phần quan trọng là do họ thiếu sự thỏa hiệp, giao ước từ khi mới yêu và cưới nhau về tinh thần, trách nhiệm, nguyên tắc ứng xử bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, khi lập gia đình những chủ thể có hành vi bạo lực gia đình họ thiếu sự chú trọng đến vấn đề xây dựng và bảo vệ hạnh phúc chính gia đình của họ.
Nếu là bạo lực gia đình xảy ra giữa cha mẹ và con thì nguyên nhân căn bản nhất vẫn là nhận thức sai lầm về quyền làm cha mẹ với con. Nhiều người làm cha, làm mẹ lạm dụng quyền hành dẫn đến việc lạm dụng đòn roi trong giáo dục con. Một vấn đề khác, có những cha mẹ quá kỳ vọng vào con trẻ khi chúng không thực hiện được cũng dẫn đến hành động mắng chửi, đánh đập con cái. Điều này cho thấy cha mẹ không hiểu hết được tâm lý con trẻ, không xác định rõ khả năng của con mình đến đâu, chúng có những nhu cầu, mong muốn gì? Khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi của nhiều bậc cha mẹ kém cũng là một trong số lý do dẫn đến hành động trách phạt con một cách thái quá hay sự bất đồng quan điểm trong giáo dục con giữa cha và mẹ cũng là vấn đề cần lưu ý… Chuyên gia tâm lý học Đặng Thị Vân lý giải khá kỹ.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa không thể không nhắc tới là do người chồng mắc tệ nạn xã hội; đam mê cờ bạc, nghiện rượu… nên mất kiểm soát hành vi dẫn đến tình trạng đánh vợ con không ghê tay, không mảy may thương xót.
Bạo lực gia đình- vết thương lòng khó chữa
Đối với trẻ em, nếu cho rằng những trận đòn roi là để uốn nắm trẻ không lặp lại hành vi sai trái đã xảy ra, và trẻ em mau quên sẽ không để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên hậu quả bạo lực gia đình rất nặng nề.
Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần, gây tan vỡ gia đình, làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội. Với tuổi thơ hậu quả là hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, lầm lỳ, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp.
Còn những người phụ nữ trong gia đình bị bạo lực âm thầm chịu đựng sẽ càng mặc định quyền bạo lực cho người chồng, không ai biết, không ai ngăn cản, bênh vực dẫn đến hậu quả nặng nề mà không khắc phục được. Hoặc có thể ly hôn, hoặc chưa kịp ly hôn đã tàn phế, phải trả giá bằng tính mạng.
Dưới góc độ đạo đức, bạo hành gia đình thể hiện sự xuống cấp đạo đức, thiếu nhận thức trách nhiệm và bổn phận của bản thân với các thành viên trong gia đình.
Có những trường hợp bạo hành là do sự vô nhân tính, thiếu lương tâm, không còn nghĩ đến tình thương, trách nhiệm, sự sẻ chia đối với những người trong gia đình đã sinh ra họ, những người đã cùng họ chia ngọt, sẻ bùi.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Những ứng xử trong gia đình giữa các mối quan hệ vợ chồng, con cái tốt đẹp như yêu thương, đùm bọc nhau, kính trên nhường dưới… đã không được duy trì, mà thay vào đó là ứng xử bằng vũ lực, đòn roi…
Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực gia đình, chuyên gia tâm lý học Đặng Thị Vân cho rằng: mỗi cá nhân với tư cách làm chồng hay vợ; cha mẹ hay con đều cần thực hiện nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, dân chủ trong ứng xử. Cần nhận thức rõ hành vi bạo lực không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi tàn phá hạnh phúc gia đình, làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của những người thân yêu.
Bên cạnh đó, người vợ và chồng trong gia đình cần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, có sự giao ước giữa vợ và chồng trước khi về chung sống với nhau về nguyên tắc sống, ứng xử có văn hóa với nhau. Người vợ phải có thái độ lên án việc chồng có những lời nói thiếu văn minh, hay hành vi đánh đập ngay từ lần đầu tiên cũng là cách giúp cho người chồng nhận thức lại về vị trí của mình để điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Còn trong mối quan hệ cha mẹ - con cái thì cha mẹ cần được trang bị kiến thức hiểu biết về tâm lý lứa tuổi để hiểu rõ về con mình hơn, từ đó mới có biện pháp giáo dục. Mặt khác, suy nghĩ tích cực, kiểm soát cảm xúc, hành vi là kỹ năng những bậc cha mẹ nên tự rèn luyện thường xuyên. Cần có sự thống nhất quan điểm giáo dục trong gia đình, tránh hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” mà con cái là người chịu trận – chuyên gia tâm lý học nhấn mạnh.
Hà Anh