(Tổ Quốc) - Điều chúng ta cần làm ngay lúc này chính là tiêm vắc-xin cúm để tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn bệnh cũng như tránh những biến chứng đáng sợ của bệnh.
Mới đây, theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều bệnh nhân bị cúm đang điều trị tại đây, diễn tiến nặng nề. Trong đó có những ca mất chức năng phổi, trở nặng nhanh.
![Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 1. Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 1.](https://tq2.mediacdn.vn/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/6/bien-chung-hong-phoi-do-cum-tiem-phong-cum1-1738814994719191182597.jpg)
Điều này khiến người dân không khỏi hoang mang bởi từ trước đến nay, chúng ta luôn nghĩ bệnh cúm là bệnh xoàng, mùa nào cũng có, năm nào cũng bị. Mặc dù vậy, các chuyên gia gần đây liên tục lên tiếng cảnh báo, chủ quan khi mắc bệnh cúm có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường, nhất là ở người có bệnh phổi mãn tính, người có bệnh nền...
Mới đây nhất, diễn viên Từ Hy Viên (Đại S) của Đài Loan (Trung Quốc) qua đời do biến chứng bệnh cúm chính là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta tuyệt đối không được chủ quan với căn bệnh.
Điều chúng ta cần làm ngay lúc này chính là tiêm vắc-xin cúm để tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn bệnh cũng như tránh những biến chứng đáng sợ của bệnh. Dưới đây là những thông tin quan trọng bạn cần nắm rõ trước khi đi tiêm phòng cúm:
1. Tiêm phòng bệnh cúm thì dùng vắc-xin gì?
Hiện nay, tại Việt Nam đang có 4 loại vắc-xin cúm: Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip Tetra (Pháp).
![Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 3. Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 3.](https://tq2.mediacdn.vn/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/6/bien-chung-hong-phoi-do-cum-tiem-phong-cum2-17388149947281405061047.jpg)
2. Tiêm phòng bệnh cúm cần tiêm mấy mũi?
Mỗi loại vắc-xin cúm sẽ có chỉ định cụ thể như sau:
- Vaxigrip Tetra (Pháp): Có duy nhất 1 hàm lượng 0,5ml cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn với lịch tiêm được khuyến cáo như sau:
+Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được tiêm ngừa trước đó: 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm.
+ Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn chưa được tiêm ngừa trước đó: Tiêm 1 mũi và tiêm nhắc lại hàng năm.
- Influvac Tetra (Hà Lan): Được chỉ định sử dụng liều lượng 0,5ml dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi chưa tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi với lịch tiêm sau:
![Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 4. Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 4.](https://tq2.mediacdn.vn/150157425591193600/2025/2/6/bien-chung-hong-phoi-do-cum-tiem-phong-cum4-1738814994771539050442.jpg)
+ Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
+ Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 4 tuần và tiêm nhắc hàng năm.
- GC Flu (Hàn Quốc): Được sử dụng rộng rãi cho trẻ em từ 36 tháng tuổi và người lớn.
+ Trẻ từ 36 tháng đến dưới 9 tuổi chưa được tiêm ngừa trước đó: Tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng, sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hàng năm.
+ Trẻ trên 9 tuổi và người lớn chưa được tiêm ngừa trước đó: Tiêm 1 mũi và sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.
- Ivacflu-S (Việt Nam): Loại vắc-xin phòng bệnh cúm mùa hiệu quả, được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa cúm ở người lớn từ 18 đến 60 tuổi.
+ Người lớn (từ 18 tuổi đến 60 tuổi): Tiêm 1 liều 0,5ml và sau đó nhắc lại hàng năm.
3. Khi nào cần tiêm phòng cúm?
Bạn nên tiêm phòng cúm trước khi virus cúm bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Nguyên nhân bởi, cơ thể phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm vắc-xin thì kháng thể mới được sản xuất đầy đủ, mới có hiệu lực bảo vệ cơ thể chống lại cúm.
![Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 5. Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 5.](https://tq2.mediacdn.vn/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/6/bien-chung-hong-phoi-do-cum-tiem-phong-cum3-17388149947661895516972.jpg)
CDC khuyến cáo mọi người nên chủng ngừa cúm vào cuối tháng 10. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin muộn hơn sau đó vẫn có thể có lợi, thậm chí vào tháng 1 sang năm hoặc muộn hơn. Tức là tại Việt Nam trong thời điểm này, bạn vẫn rất nên đi tiêm phòng cúm nếu cơ thể đang khỏe mạnh bình thường, không bị bệnh cúm.
4. Người cao tuổi, người có bệnh nền thì lưu ý gì khi tiêm phòng cúm?
Người cao tuổi, người có bệnh nền có sức đề kháng yếu, dễ diễn tiến nặng khi mắc bệnh cúm. Do đó cần tiêm vắc-xin cúm hàng năm theo lịch để tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm.
Virus cúm biến đổi thường xuyên. Việc phát triển vắc- xin cúm được thực hiện hàng năm để cập nhật các chủng virus cúm mới đang lưu hành. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vắc-xin cúm hàng năm, nhất là nhóm đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em và phụ nữ đang có ý định mang thai hoặc đã mang thai.
5. Phụ nữ đang mang thai, có ý định mang thai nên tiêm phòng cúm thế nào?
Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, nên tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi có thai.
Nếu đang trong dịch cúm mùa mà chưa kịp tiêm trước khi mang thai thì vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin ngừa cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ.
6. Tiêm vắc-xin cúm hết bao nhiêu?
Để trả lời câu hỏi tiêm vắc-xin cúm hết bao nhiêu tiền, còn phụ thuộc vào đối tượng cũng như loại vắc xin mà bạn dự định tiêm. Dưới đây là giá tiền các loại vắc xin phòng cúm bạn có thể tham khảo:
![Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 6. Nhiều người bị cúm mất chức năng phổi, trở nặng nhanh tại bệnh viện Hà Nội: Ngay bây giờ, người dân cần tiêm vắc-xin cúm thế nào để ngăn chặn? - Ảnh 6.](https://tq2.mediacdn.vn/thumb_w/650/150157425591193600/2025/2/6/bien-chung-hong-phoi-do-cum-tiem-phong-cum5jpg-1738815311541908064813.png)
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất;
7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.