(Tổ Quốc) - Trong 25 năm qua, nhiều hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục được thực hiện và đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhiều chuyên gia Hoa Kỳ đã đóng góp năng lực, kiến thức chuyên môn của mình cho hoạt động giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Văn phòng tiếng Anh khu vực - Đại sứ quán Hoa Kỳ (RELO) phối hợp với BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia - Bộ GDĐT, phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy Tiếng Anh (VietTESOL) và trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đồng phối hợp tổ chức hội thảo 25 hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong giảng dạy tiếng Anh.
Hội thảo là bước đệm tích cực cho hợp tác giữa hai quốc gia những năm tiếp theo trong các hoạt động giáo dục của Việt Nam nói chung và trong dạy học tiếng Anh nói riêng.
Nói về quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong 25 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã có nhiều bước chuyển biến, trở thành đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Nhiều hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục được thực hiện và đạt được kết quả đáng khích lệ. Nhiều chuyên gia Hoa Kỳ, thông qua các chương trình của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đóng góp năng lực, kiến thức chuyên môn của mình cho hoạt động giáo dục ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh.
Dẫn chứng một số hoạt động nổi bật, Thứ trưởng cho biết, Chương trình Fulbright được triển khai từ năm 1992, đã hỗ trợ hàng trăm người dân hai nước học tập, nghiên cứu và giảng dạy.
Trong dạy học tiếng Anh, kể từ năm 2008, Hoa Kỳ thông qua Văn phòng Tiếng Anh khu vực đã đồng hành với Bộ GDĐT, hỗ trợ cùng triển khai những dự án có tầm ảnh hưởng rộng tới hệ thống, như: Rà soát và đề xuất giải pháp về kiểm tra đánh giá ngoại ngữ; Tập huấn về xây dựng và đánh giá bài thi năng lực ngôn ngữ cho các chuyên gia xây dựng bài thi đến từ một số trường đại học tại Việt Nam; Hỗ trợ rà soát chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh phổ thông lớp 3-12; Xây dựng khung năng lực giáo viên tiếng Anh…
Nhấn mạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức, phòng ban trực thuộc và các chuyên gia Hoa Kỳ đã nỗ lực cùng hợp tác đẩy mạnh, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Đại sứ Hoa Kỳ Christopher Klein cho biết, việc hỗ trợ nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam từ lâu là một mục tiêu quan trọng của Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Các chương trình tiếng Anh do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ đã thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa người dân hai nước. Chương trình Chuyên gia Anh ngữ đã đưa các nhà giáo xuất sắc, có bằng thạc sĩ về Giảng dạy tiếng Anh trở lên tới làm việc tại các trường đại học, tổ chức, trung tâm giáo dục trên khắp Việt Nam. Chương trình Chuyên gia Anh ngữ Cao cấp cung cấp các chuyên gia học thuật Mỹ tới làm việc tại nhiều dự án ngắn hạn của Việt Nam để hỗ trợ xây dựng chính sách giảng dạy tiếng Anh; phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; khảo thí đánh giá và đảm bảo chất lượng.
Kể từ năm 2008, gần 170 trợ giảng tiếng Anh Fulbright đã được cử sang Việt Nam. Chương trình học bổng tiếng Anh Access là một chương trình học bổng học thêm sau giờ dành cho thanh thiếu niên từ 13-20 tuổi, thuộc các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Từ năm 2009, hơn 1.100 học sinh và sinh viên Việt Nam đã tham gia chương trình này.
Nhiều chương trình khác, cùng sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020", hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cho giáo viên tiếng Anh, phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và cộng đồng người Việt.
Tại hội thảo, bên cạnh việc cùng nhìn lại hoạt động hợp tác giữa Chính phủ, nhân dân hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam trong phát triển năng lực giảng dạy tiếng Anh của Việt Nam 25 năm qua, các ý kiến đã chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trong nước và tìm hiểu những hướng đi mới cho giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam.