(Tổ Quốc) - Hiện nay có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.
Tình trạng clip xấu độc đăng trên Youtube vẫn còn nhiều
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông, 2 năm vừa qua, Google đã hợp tác tích cực với Bộ trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Bộ.
Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng.
Qua rà soát, Cục PTTH&TTĐT cho hay, các sai phạm này đến từ nhiều chủ thể tham gia hoạt động trên Youtube gồm: Youtube, Google và các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam; người mua quảng cáo trên nền tảng Youtube, Google (nhãn hàng, thương hiệu); nhà sáng tạo nội dung trên Youtube (content creator) và các công ty đối tác quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN).
Khá Bảnh- hiện tượng nổi tiếng trên mạng với kênh Youtube được Google trả tiền mấy tháng đầu được 7000 – 8000 USD/tháng. Trước khi bị bắt, tháng cao nhất, Khá Bảnh được trả lên tới 19.500 USD (gần 500 triệu đồng). Ảnh: VOV
Trên Youtube, cơ quan chức năng cho hay, Youtube cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo, không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên các clip Youtube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense.
Đồng thời cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với Youtube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Cục PTTH&TTĐT, bộ lọc của Youtube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
Cơ chế kiểm duyệt của Youtube phụ thuộc vào hậu kiểm dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian. Đơn vị này cũng không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý
Đặc biệt, theo Cục PTTH&TTĐT, vẫn cho phép bật tính năng gợi ý (suggest) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên Youtube (0.1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ…
Không kiểm soát được vị trí hiển thị quảng cáo trên các clip Youtube
Ngoài ra, Cục PTTH&TTĐT cho hay, Youtube cũng không kiểm soát được vị trí hiển thị quảng cáo trên các clip Youtube. "Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo; là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp"- Đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết.
Một vấn đề đáng lưu ý nữa, trong những năm gầy đây, mô hình quảng cáo Ad Network (Mạng lưới quảng cáo trực tuyến) đã phát triển mạnh mẽ được nhiều doanh nghiệp, các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp sử dụng.
Ad Network là một hệ thống do một đơn vị trung gian (chủ yếu là các công ty quảng cáo hoặc công ty truyền thông lớn) làm cầu nối giữa những người mua quảng cáo (Advertiser - các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân) với người bán quảng cáo trực tuyến (Publisher Website - các website bán quảng cáo), qua đó, người mua quảng cáo có thể tiếp cận được hàng trăm website một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, các website nhờ đó có cơ hội tăng thu nhập quảng cáo của mình nhờ việc giảm tỷ lệ vị trí quảng cáo dư thừa trên website
Hiện nay nhà cung cấp dịch vụ Ad Network lớn nhất tại Việt Nam là Google Display Network (Google Adsense) và cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp.
Hành vi này vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ: "Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam"
Nhà cung cấp, người mua… đều vi phạm
Với các đại lý quảng cáo của Google tại Việt Nam, theo Cục PTTH&TTĐT, đã không chủ động kiểm soát việc đăng phát quảng cáo của các đối tác (nhãn hàng, thương hiệu) trên nền tảng Youtube khiến tình trạng quảng cáo bị gắn vào các clip xấu độc tái diễn trở lại; Không báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thực hiện dịch vụ quảng cáo liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, vi phạm quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều 15, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Còn với những người mua quảng cáo trên Youtube, Google, qua khảo sát thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc các cá nhân kinh doanh trên mạng Internet ở trong nước đang có xu hướng lựa chọn hình thức mua quảng cáo trực tiếp, không thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (thường gọi là đại lý quảng cáo), để giảm chi phí trung gian khi quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam
Theo Cục PTTH&TTĐT, hành vi này chưa tuân thủ quy định tại Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.
Trong khi đó, theo báo cáo của Youtube gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra.
Các sai phạm chủ yếu là nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng; nội dung cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy; Nội dung gây hại cho trẻ em; Nội dung sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền…/.