(Tổ Quốc) - Tầng văn hóa dày xấp xỉ 4m, với nhiều lớp kế tiếp chồng lên nhau, có niên đại kéo dài hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ VIII- IX đến thế kỷ XIX- XX) ở Trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được phát hiện trong năm 2016.
Sau gần một năm khai quật, thăm dò và nghiên cứu chỉnh lý, ngày 28/12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã tổ chức Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2016.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên và 150 đại biểu đại diện các sở, ban ngành Trung ương, Hà Nội, các nhà khoa học, nghiên cứu, khảo cổ đã tham tham quan khu khai quật khảo cổ và dự Hội nghị.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cùng các đại biểu, các nhà nghiên cứu tham quan khu khai quật khảo cổ năm 2016 |
Trên diện tích khảo cổ gần 1.000 m2 khu vực phía Bắc di tích Đoan Môn, giới khảo cổ học tiếp tục phát hiện thấy các tầng văn hóa từ thời Đại La đến thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn tồn tại đậm đặc, chồng xếp lên nhau trong di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Theo PGS. TS Tống Trung Tín (nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam), dấu tích kiến trúc thời Lê Sơ gồm có hệ thống nền gạch chữ nhật màu đỏ, xám, nền gạch rõ hàng, nằm chéo theo chiều Đông Bắc- Tây Nam. Sát cổng Đoan Môn có hệ thống nền sân rộng 2,4m, chạy dài theo chiều Đông- Tây. Dấu tích kiến trúc thời Lê Trung hưng được khẳng định chắc chắn qua việc xuất lộ nền sân Đan Trì. Trên nền sân còn một số viên gạch vồ xám và nhiều móng cột, hàng cột gần cổng Đoan Môn...Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học cũng đã phát hiện thấy một số dấu tích cống nước thời Lê Sơ chạy theo chiều Bắc- Nam hoặc Đông - Tây và nhiều dấu tích kiến trúc, hiện vật thời Nguyễn...
PGS, TS Tống Trung Tín nhận định, kết quả thu được từ đợt khai quật thăm dò khảo cổ học khu vực chính Điện Kính Thiên năm 2016 không chỉ góp phần làm rõ hơn không gian kiến trúc quan trọng của Hoàng thành Thăng Long thời Lý; mà còn rõ nét dần không gian chính Điện Kính Thiên thời Lê, đặc biệt là thời Lê Trung hưng.
Nhiều nhà khảo cổ học khẳng định, tầng văn hóa thời Lê Sơ và Lê Trung hưng ở di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu và khu Vườn Hồng rất mờ nhạt. Do đó, việc phát hiện dấu tích kiến trúc, văn hóa thời Lê Sơ, Lê Trung hưng đậm đặc ở khu vực Điện Kính Thiên thêm một lần nữa khẳng định các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO vinh danh./.
Tin, ảnh: Hoàng Nguyên