• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều thú vị trong tái hiện đám cưới thời Nguyễn

Văn hoá 18/02/2017 17:10

(Tổ Quốc) -Sáng 18/2, Nhóm Thủ Phất Thanh Đài phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức chương trình "Duyên" tái hiện lại đám cưới thời Nguyễn với nhiều điều thú vị, thu hút các bạn trẻ.

Chia sẻ về phong tục đám cưới của người dân tộc Kinh tại miền Bắc, TS. Trần Trọng Dương - Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Khoa học, Xã hội Việt Nam cho rằng: “Phong tục cưới hỏi Bắc Kỳ có ảnh hưởng từ nền tư tưởng Nho giáo bao gồm lục lễ: lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ, nạp tế, thân nghinh".

Cũng theo TS. Trần Trọng Dương, người xưa cho rằng, hôn nhân không phải là biểu hiện của tình yêu mà là để làm tròn chữ hiếu, sinh con nối dõi.

Theo phong tục xưa, người dẫn đầu đám cưới xưa là một ông già hiền lành phúc hậu, không có tang, vợ chồng còn song toàn và lắm con nhiều cháu.

Ông già cầm một bó hương thắp cháy hay bưng một lư trầm, trong đám rước sang trọng ông già thường mặc áo thụng xanh có che lọng. Trước khi rước dâu, nhà trai phải nạp tiền cheo cho làng nhà gái. Nếu nhà trai từ chối nạp cheo hoặc đưa không đủ tiền thì dân làng sẽ dọa cắt dây - được cho là điềm gở cho cho đôi vợ chồng sắp cưới.

Cũng trong đám cưới xưa, sau khi đám rước đến nhà gái, cô dâu chú rể còn phải cùng nhau tế lễ gia tiên nhà gái, rồi chú rể ra lễ bố mẹ vợ, sau đó mới xin phép được đưa cô dâu về nhà chồng. Lúc này cô dâu mới đi theo chú rể, dọc đường dùng nón che mặt thẹn thùng.

Tối hôm cưới, người chồng sẽ lấy trầu tế tơ hồng trao cho vợ một nửa. Sau đó vợ trải chiếu lạy chồng hai lạy, chồng đáp lại một vái. Rồi người chồng sẽ rót một chén rượu, mỗi người uống một nửa. 

Với chế độ xưa, khi người vợ về nhà chồng thì luôn phải đề cao tiết hạnh, sự thủy chung, tuy nhiên lại cho phép đàn ông “năm thê bảy thiếp”. "Điều này cho thấy sự bị động của người phụ nữ trong hôn nhân thời phong kiến"- TS Trần Trọng Dương chia sẻ.

Thời nay, với sự phát triển của đời sống xã hội, văn hóa phương Tây du nhập vào nước ta làm giản lược đi những lễ nghi cưới xin cũ. Mặc dù vậy, theo TS. Trần Trọng Dương, những điều tốt của lễ nghi đám cưới giữ lại thì ít nhưng những điều bảo thủ thì lại còn nhiều.

Ngoài ra, tư duy phải có con trai hiện vẫn còn phổ biến khiến nhiều người phụ nữ vẫn bị áp lực nặng nề.

Được biết, dự án “Thủ Phất Thanh Đài” bắt nguồn từ câu thơ 'Thủ phất thanh đài nhận cổ bi' của Nguyễn Trãi, có nghĩa là 'Tay phủi rêu xanh xem bia cổ'. 

Với chương trình "Duyên", dự án mong muốn cùng các bạn trẻ tìm lại những nét đẹp trong tình yêu – hôn nhân của ông cha ta cũng như suy ngẫm về tình yêu của tuổi trẻ chúng ta bây giờ.

Dự án hướng tới việc mang lịch sử và văn hóa Việt Nam - vốn đang bị phủ bởi một lớp rêu của thời gian, trở nên gần gũi hơn với mọi người thông qua cách tiếp cận bằng phim ngắn và các sản phẩm sáng tạo.

Dưới đây là một số hình ảnh phục dựng lại lễ cưới xưa:


Chương trình thu hút đông đảo khán giả trẻ có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa - lịch sử dân tộc.


Bà Kim Như - người sáng lập dự án đặt câu hỏi với TS. Trần Trọng Dương


Các thanh niên mô phỏng lễ nạp cheo, nhà trai bưng trên tay cơi trầu đi sau một ông già cầm bó hương.


Dân làng chăng dây giữa đường có gài mảnh vải tượng trưng cho sự vui mừng.
 Sau khi nhận đủ tiền cheo, người làng mới gỡ bỏ dây.


 Hai bạn trẻ mô phỏng lại lễ hợp cẩn



Minh Khánh - Nhật Linh

Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ