• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều tín hiệu lạc quan trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Kinh tế 29/09/2021 08:34

(Tổ Quốc) - Dù đại dịch COVID-19 đang căng thẳng, song nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan bởi các chỉ số kinh tế cũng như sự cam kết gắn bó của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Sự bùng phát của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Dù vậy, theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng 8 tháng năm 2021, có 10/14 địa phương của vùng trung du và miền núi phía Bắc thu hút được 41 dự án FDI mới, 48 lượt dự án tăng vốn và 49 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,06 tỉ USD, chiếm gần 6% tổng vốn đầu tư so với cả nước trong 8 tháng.

Nhiều tín hiệu lạc quan của tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

Dù đại dịch Covid-19 đang căng thẳng, song nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy tín hiệu lạc quan và tin tưởng bởi các chỉ số kinh tế cũng như sự cam kết gắn bó của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Thái Nguyên hiện là địa phương dẫn đầu vùng về thu hút vốn đầu tư FDI với 189 dự án, có tổng vốn là 8,83 tỉ USD, chiếm 41,86% tổng vốn đăng ký của cả vùng, trong đó, các dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư lên đến 6,35 tỉ USD. Tiếp theo là Bắc Giang và Phú Thọ với tổng vốn đăng ký lần lượt là 7,8 tỉ USD và trên 2 tỉ USD. Tại Đồng Nai, dù dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn tăng vốn đầu tư. Riêng từ đầu tháng 8 đến nay, Đồng Nai thu hút được hơn 100 triệu USD vốn FDI.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án đầu tư vào vùng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 970 dự án, có tổng vốn đầu tư trên 19 tỉ USD chiếm 90,2% tổng vốn đầu tư của vùng.

Những con số trên cho thấy, dù ngành sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn đang là điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài. Theo công bố của Ngân hàng HSBC, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất trong khu vực, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI (VAFIE) cho rằng, do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 thứ tư, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất-kinh doanh. Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ là tạm thời và khả năng dịch chuyển chuỗi cung ứng của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam là rất ít.

Về trung và dài hạn, đại diện VAFIE cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến quan trọng đối với nhà đầu tư ngoại khi lao động, ưu đãi đầu tư… vẫn được xem là những yếu tố hấp dẫn. Đặc biệt, trong bối cảnh một số quốc gia phát triển phục hồi trở lại sau đại dịch, quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư càng được đẩy nhanh.

Theo thống kê, tỉnh Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, mật độ công nhân lao động cao gấp 5 lần cả nước. Là một trong những địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với tình huống nguy hiểm nhất là sự xuất hiện các ca nhiễm trong khu công nghiệp, các ca mắc mới liên tục tăng nhanh, bất ngờ… Nhưng với sự bền bỉ, kiên cường cũng như được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch..., Bắc Ninh đã kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Đến nay, để xóa bất cập sau thời gian thực hiện "3 tại chỗ", phần lớn các doanh nghiệp đã kiến nghị được thực hiện "2 tại chỗ - một vùng xanh", đồng thời kiến nghị được tiêm vắc xin cho công nhân.

Đầu tháng 9 vừa qua, trong vòng 1 tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 3 cuộc gặp với các đại sứ, đại diện doanh nghiệp, đại diện các tổ chức có nhiều đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và đồng hành cùng các nhà đầu tư. Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu hiện nay, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Thủ tướng đã lắng nghe các kiến nghị của các nhà đầu tư, giao cho các bộ, ngành, các địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Trước sự quan tâm này, nhiều doanh nghiệp FDI cũng cho thấy quyết tâm rất lớn để tiếp tục hoạt động và gắn bó lâu dài tại Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, có thể nhìn thấy khá rõ những cơ sở cho tăng trưởng tốt là 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,91%, trong khi đó năm 2020 con số này chỉ là khoảng 2,7%. Thứ hai, xuất khẩu tăng hơn 28%, đặc biệt xuất khẩu vào các thị trường truyền thống tăng cao như Mỹ là hơn 43%, EU là hơn 17%. Nhiều sản phẩm nông sản có tăng trưởng xuất khẩu tốt. Thứ ba, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng điểm triển vọng của Việt Nam lên "tích cực".

Đánh giá về các chính sách kinh tế của Chính phủ, Ông Tuấn cho rằng các chính sách đang đi đúng hướng trong bối cảnh hiện nay, ví dụ như việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ các trọng điểm là các khu công nghiệp, đồng thời có những hỗ trợ mới cho người lao động như gói 26 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã có định hướng rất rõ ràng là phải thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, coi đây là trụ cột quan trọng của phục hồi tăng trưởng. Ngoài ra, tình hình thu hút FDI 6 tháng đầu năm vẫn tốt, vốn đăng ký mới và tăng vốn của các dự án đầu tư FDI vẫn tăng mạnh, đạt hơn 15 tỷ USD, thực hiện giải ngân FDI cũng tương đương, thậm chí còn tốt hơn các năm chưa có dịch bệnh.

Về sản xuất trong nước, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành; sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng cũng như xuất khẩu nông sản đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai một số nhiệm vụ cấp bách nhằm đẩy mạnh và cung ứng nông sản. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng vừa ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Nhiều tín hiệu lạc quan của tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng điểm triển vọng của Việt Nam lên "tích cực".

Bên cạnh đó, các trụ cột đầu tàu của nền kinh tế như: TP Hồ Chí MInh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng vẫn có đóng góp tốt trong 6 tháng qua. Tiêu dùng cũng tăng khá, 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định chung, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh, có thể có "đứt gẫy" chỗ này, chỗ kia nhưng không vì thế mà các nền tảng cho xu hướng phục hồi bị ảnh hưởng mạnh.

Tại buổi  họp báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/9 vừa qua, các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Các chuyên gia này cũng cho rằng việc Việt Nam đang nỗ lực triển khai chiến dịch ngoại giao vắc xin cũng như quyết tâm cao nhất để có vắc xin sản xuất trong nước nhằm nhanh chóng tiêm đủ liều cho người dân đã khiến ADB lạc quan về tương lai của kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn.

ADB cũng dự báo Việt Nam tăng trưởng 3,8% trong toàn năm 2021 dựa trên giả định rằng đến cuối năm 2021, đại dịch sẽ được kiểm soát và đến quý II-2022, tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vắc xin chiếm 70% dân số.

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng cho năm 2022 cũng được điều chỉnh thành 6,5%. ABD cho rằng, lộ trình tăng trưởng này có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

"Đại dịch Covid-19 và các đợt phong tỏa kéo dài đã làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, hạn chế triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II-2022, có 70% dân số cả nước được tiêm chủng", Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nhận định./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ