• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thực hiện: Bảo Trân | 30/09/2024

(Tổ Quốc) - Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vừa cho ý kiến tại Phiên toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Cơ quan soạn thảo hiện nay đang tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, địa phương và nhân dân nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật này.

Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 1.

Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh giám sát, kiểm tra thực tế công tác duy tu, bảo dưỡng cụm di tích đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn.

(*) Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại nơi làm việc (Sở VHTT&DL).

Tham dự có ông Triệu Quang Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh; bà Chu Thị Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo sở, các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở VHTT&DL và đại diện lãnh đạo phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố.

Tại đây, ĐBQH Lưu Bá Mạc đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và những nội dung liên quan đến dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); những vấn đề Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định tại kỳ họp; kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm và chương trình hoạt động 3 tháng cuối năm 2024. 

Dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10, kỳ họp lần này được chia làm 2 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 đến 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến 30/11/2024). Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025...

Về hoạt động 9 tháng đầu năm 2024 của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, đoàn đã tham gia kỳ họp bất thường lần thứ 5, 6, 7 và 8, Quốc hội khóa XV để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo chương trình làm việc của Quốc hội; tham gia 12 buổi tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh, với 108 lượt công dân...

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã phát biểu ý kiến về một số vấn đề như: xây dựng bảo tàng số; định mức kinh tế - kỹ thuật giám định cổ vật; nội dung một số điều khoản trong Luật Di sản văn hóa; khoanh vùng bảo vệ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích; cơ chế chính sách cho những người làm việc tại bảo tàng cấp huyện; trùng tu, tôn tạo các di tích cấp tỉnh; hỗ trợ cho nghệ nhân truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể...

Sau khi nghe ý kiến của cử tri, ĐBQH Lưu Bá Mạc và thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đã ghi nhận, tiếp thu đầy đủ, tổng hợp các ý kiến để chuyển đến các cấp, ngành và cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Những ý kiến liên quan đến thẩm quyền của Sở VHTT&DL, lãnh đạo sở và phòng chuyên môn thuộc sở đã giải trình, làm rõ những ý kiến, kiến nghị liên quan.

(*) Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tổ chức khảo sát tình hình triển khai, thi hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh chủ trì buổi khảo sát.

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 2.969 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 125 di tích cấp quốc gia; có 2 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Mỗi năm có gần 100 di tích được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rà soát, thực hiện đúng quy trình xếp hạng di tích; kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đưa 14 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 29 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Bảo tàng tỉnh đang quản lý trên 50.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh. Mỗi năm tổ chức từ 2 - 5 cuộc trưng bày chuyên đề, lưu động tại bảo tàng và các xã, phường, thị trấn.

Tại buổi khảo sát, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến kết quả, khó khăn trong thực hiện Luật Di sản văn hóa, công tác quản lý lễ hội truyền thống, tiền công đức, quảng bá, trình diễn các di sản phi vật thể, xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị quy định cụ thể về cơ chế khen thưởng, bồi hoàn chi phí cho tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật; thời gian định kỳ kiểm kê di tích là 5 năm/lần; bổ sung thêm hoạt động trưng bày nhà truyền thống, nhà lưu niệm…

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thái Bình ghi nhận các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), sẽ tổng hợp chuyển tới cơ quan soạn thảo và tham gia ý kiến trực tiếp tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Ông đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên cơ sở ý kiến của các đại biểu bổ sung, hoàn thiện báo cáo đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tiếp tục làm tốt hơn công tác quản lý, xếp hạng, tu bổ, phục hồi, bảo tồn di tích, bảo vệ di vật, cổ vật, ngăn chặn vi phạm di tích, có nhiều hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Trước đó, đoàn đã khảo sát thực tế việc triển khai, thi hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại xã Phong Châu (huyện Đông Hưng).

(*) Cuối tháng 9 vừa qua, Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh do ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại huyện Vân Đồn giai đoạn 2018 - 2024. Cùng đi có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vân Đồn có 49 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, Di tích lịch sử quần thể Thương cảng Vân Đồn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 2 di tích xếp hạng Quốc gia; 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 38 di tích kiểm kê cấp tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn, trong thời gian qua UBND huyện đã ban hành các văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch.

Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di tích, lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác duy tu, tôn tạo, phục hồi di tích được huyện chỉ đạo thường xuyên từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa.

Ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Vân Đồn, trong đó đặc biệt là các di tích nằm trong quần thể Thương cảng Vân Đồn có giá trị đặc biệt về lịch sử. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời đề nghị huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản. Trong đó phải chú trọng công tác rà soát, chuẩn hóa hồ sơ đối với các di tích đã được xếp hạng hoặc đã được kiểm kê. Trên cơ sở đó, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật các nội dung giới thiệu về di tích.

Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức lịch sử của đội ngũ cán bộ văn hóa cũng như đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý tại các di tích. Mặt khác, đảm bảo người dân, du khách khi đến tham quan hiểu đúng về giá trị lịch sử, văn hóa của từng di tích. Đây cũng là một trong những vấn đề rất quan trọng để phát huy hơn nữa giá trị các di tích hiện có.

Trên cơ sở các quy hoạch, huyện cần nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng nhằm phát huy hơn nữa giá trị của các di tích. Qua đó, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Đưa kinh tế di sản từng bước trở thành động lực phát triển mới cho kinh tế địa phương.

Kết quả từ cuộc giám sát này sẽ được làm căn cứ đề xuất, kiến nghị những giải pháp xây dựng chính sách pháp luật về quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; cũng như tập hợp các nội dung tham gia vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) từ những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến cơ chế, chính sách./.


NỔI BẬT TRANG CHỦ