• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật

Văn hoá 28/03/2018 09:47

(Tổ Quốc) - Sáng 27/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.   Sáng 27/3, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Tham dự cuộc họp có: Vụ Kế hoạch, Tài chính, Cục Bản quyền tác giả, Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Pháp chế, Vụ Văn hóa dân tộc,… cùng một số đơn vị liên quan.

Toàn cảnh cuộc họp

Theo Dự thảo Báo cáo, qua 10 năm triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW, lĩnh vực văn học, nghệ thuật về cơ bản có những chuyển biến tích cực: Các hoạt động văn học, nghệ thuật, có tính chuyên nghiệp hơn, có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên, gắn kết chặt chẽ, phục vụ hiệu quả chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động văn hóa nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn được tổ chức sôi nổi, rộng khắp, bảo đảm chất lượng nghệ thuật, nội dung tư tưởng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được cải thiện. Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương và địa phương chú trọng phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kháng chiến cũ.

Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sản xuất và phổ biến phim... thuộc khu vực tư nhân được hình thành; công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được Bộ VHTTDL phối hợp với các địa phương lập hồ sơ đề nghị và được UNESCO công nhận.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã được tăng cường, có hiệu quả...; Công tác quản lý nhà nước về đào tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật được chú trọng, đạt hiệu quả, tạo sự chuyển biến mới về phát triển nhân lực theo định hướng của Đảng và Nhà nước; Công tác phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam được triển khai chặt chẽ; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan được tổ chức đạt được những kết quả…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, như một số chính sách, về đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật đúng tầm, đúng mức, còn bất cập về tiến độ ở nhiều ngành, cấp. Đầu tư cho văn hóa, văn nghệ chưa tương xứng với yêu cầu mới; Còn phát sinh không ít vấn đề trong công tác quản lý như hướng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật theo hướng dân tộc, nhân văn và hiện đại hay việc quản lý cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Hoạt động văn học, nghệ thuật mặc dù có sự chuyển biến nhưng chưa đồng bộ giữa các khâu sáng tác, phổ biến, lưu giữ tác phẩm. Số lượng tác phẩm khá lớn nhưng còn ít tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Loại hình nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là sân khấu truyền thống đang bị khủng hoảng lực lượng sáng tạo (biên kịch, đạo diễn), vì vậy các đơn vị nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn trong công tác lựa chọn và dàn dựng tác phẩm.

Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn hạn chế. Việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật của nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn. Sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật giữa vùng đô thị với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều cách biệt.

Dự thảo Báo cáo cũng nêu ra những cách làm hay, sáng tạo trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết, phát hiện những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, nhất là ở cơ sở. Dự thảo cũng đưa ra đề xuất hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với bản Dự thảo Báo cáo. Tuy nhiên các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo Báo cáo tuy đã chỉ rõ được vai trò hoạt động của Bộ, nhưng còn chưa thấy được vai trò, hoạt động của các địa phương, các Hội trong việc triển khai Nghị quyết. Trong dự thảo cần đưa ra nhận định khái quát về công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật nói chung, không chỉ giới hạn ở mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. Các đại biểu cũng đề nghị chỉnh sửa một số câu từ, tên Nghị định, văn phong cho đúng và cần nêu cụ thể hơn về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết…

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Vương Duy Biên đánh giá cao Dự thảo Báo cáo. Ghi nhận ý kiến đóng góp tại cuộc họp, Thứ trưởng đề nghị Vụ Kế hoạch, Tài chính tiếp thu, chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo Báo cáo trình Lãnh đạo Bộ xem xét vào đầu tháng 4/2018. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, nội dung Dự thảo Báo cáo cần nêu rõ những kết quả đạt được và chưa đạt được khi thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW. Đặc biệt, phải đi sâu vào các điểm chưa đạt được, và chỉ ra nguyên nhân vì sao, từ đó có những giải pháp, đề xuất cụ thể, để những năm tiếp theo Đảng và Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương cùng điều chỉnh thì Nghị quyết 23-NQ/TW mới đi vào cuộc sống.

 

Lan Phạm

NỔI BẬT TRANG CHỦ