(Tổ Quốc) - Sáng nay (4/10), Hội nghị Nhìn lại 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới” sẽ chính thức khai mạc.
Hình minh họa: Nguồn báo Pháp luật |
Sau 3 thập kỷ thu hút FDI, khu vực này ngày càng khẳng định vai trò, vị trí và những đóng góp to lớn của mình cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Chỉ trên góc độ đóng góp nguồn lực, việc tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội không ngừng tăng, từ gần 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017; riêng năm 2008, tỷ trọng này lên tới 30,8%, đã cho thấy vai trò quan trọng của dòng vốn này như thế nào.
Chưa kể, FDI ngày càng trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Minh chứng, nếu năm 1995, tỷ trọng của khu vực FDI trong GDP là 6,3% thì đến năm 2017, đã tăng lên 19,6%. FDI còn có hàng loạt đóng góp quan trọng khác, từ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển một số ngành công nghiệp và ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam, tới thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…
Việc thu hút và sử dụng vốn FDI trong 30 năm qua đã góp phần tích cực hoàn thiện thể kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường; nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế… khu vực FDI càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, là một bộ phận của nền kinh tế, là một khu vực phát triển năng động nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, việc thu hút FDI tại Việt Nam trong 30 năm qua cũng còn bộc lộ không ít những nhược điểm. Nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam cũng có chiều hướng thay đổi. Đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu; chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng bảo hộ lan rộng cũng đang ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư toàn cầu….Tất cả đòi hỏi Việt Nam phải có định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI giai đoạn tới.
Một khi có định hướng chiến lược mới, gắn với phát triển bền vững, với việc tái cơ cấu đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng sẽ mở ra cơ hội mới, tầm nhìn mới cho thu hút FDI trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, mà nếu không tận dụng được cơ hội này, thì nhiều khả năng Việt Nam sẽ tụt hậu. Trong kỷ nguyên đó, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Nhưng không chỉ là vai trò trong tạo nguồn lực, hay đơn thuần là thúc đẩy xuất khẩu như trước đây nữa, mà phải đóng vai trò cùng đồng hành với khu vực trong nước để “nâng cấp” nền kinh tế, đưa Việt Nam lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong nấc thang phát triển. Làm được như vậy, thu hút, quản lý và sử dụng dòng vốn FDI mới thực sự có ý nghĩa to lớn.
Với chủ đề “Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho FDI trong kỷ nguyên mới”, Hội nghị nhìn lại 30 năm thu hút FDI này đã cho thấy, không chỉ Chính phủ, các cơ quan quản lý, mà toàn xã hội đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi quan trọng về chất của dòng vốn FDI, qua đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam.
Vi Phong (T/h)