(Tổ Quốc) - Chỉ còn ít ngày nữa, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ chính thức khởi tranh tại Việt Nam. Dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng lòng, quyết tâm cao của Bộ VHTTDL, đến nay ngành thể thao nước ta đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao để sẵn sàng tổ chức thành công Đại hội thể thao lớn nhất khu vực.
Theo kế hoạch ban đầu, SEA Games 31 sẽ được tổ chức từ ngày 21/11 đến ngày 2/12/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Ban Tổ chức SEA Games 31 đã báo cáo và được cho phép tổ chức lùi lại trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 23/5/2022.
Do đó, bên cạnh công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành thể thao Việt Nam trong quá trình hướng tới SEA Games 31 là cùng các cấp chính quyền chung tay phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho HLV, VĐV.
Chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh
Năm 2021, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có ngành thể thao khi công tác tập huấn của các đội tuyển bị ảnh hưởng lớn, hầu hết các kế hoạch thường xuyên phải điều chỉnh, nhất là kế hoạch huấn luyện.
Trước diễn biến khó lường của đại dịch trong năm 2021, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Tổng cục TDTT, bên cạnh công tác chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, ngành thể thao Việt Nam đã cùng với các Ban, ngành đưa ra nhiều phương án hiệu quả, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 cho biết, căn cứ nhiệm vụ trọng tâm là tham dự SEA Games 31 cũng như các nhiệm vụ liên thông như ASIAD 19 tại Trung Quốc, SEA Games 32 tại Campuchia, Olympic 33 tại Pháp...thời gian qua, ngành Thể dục thể thao đã triệu tập tập huấn 1.442 vận động viên, 295 huấn luyện viên, 21 chuyên gia, 31 bác sĩ các đội tuyển quốc gia tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Các địa điểm tập trung đều được yêu cầu đảm bảo tối đa công tác phòng, chống dịch với các biện pháp hiệu quả như bong bóng khép kín, tổ chức xét nghiệm, phân luồng tập luyện....tạo điều kiện tốt nhất, an toàn nhất cho các đội tuyển tập luyện.
"Nhận thức trước những khó khăn, Ngành TDTT đã bám sát nhiệm vụ, chỉ đạo và cùng Ban huấn luyện các đội tuyển nỗ lực, chủ động điều chỉnh kế hoạch nhằm duy trì trạng thái tâm lý tốt nhất cho các vận động viên, đặc biệt là tổ chức các hoạt động tập luyện lồng ghép thi đấu tại chỗ, thi đấu nội bộ, thi đấu tuyển chọn và kết hợp một số địa phương tổ chức giải khép kín"- ông Trần Đức Phấn cho hay.
Sự đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch của ngành Thể thao được thể hiện thông qua những quyết sách mang tính thống nhất từ trung ương tới các cơ sở trực thuộc. Trong số các trung tâm huấn luyện thể thao, trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (TTHLTTQG) luôn là địa điểm được duy trì với số lượng VĐV đông đảo nhất, có thời điểm lên tới gần 1.000 người (HLV, VĐV, cán bộ công nhân viên).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc TTHLTTQG, việc đảm bảo an toàn, phòng chống dịch cho gần 1.000 người hoạt động tại Trung tâm được đặt lên hàng đầu ngay từ những ngày đầu dịch xuất hiện. Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội đã nhanh chóng có văn bản yêu cầu triển khai đồng bộ nhiều biện pháp kiểm soát rất khắt khe. Ngoài thành viên, VĐV, HLV của Trung tâm, những người khác đều bị hạn chế tối đa việc ra vào.
"Được sự chỉ đạo sát sao từ Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, trung tâm đã tổ chức cấm trại tại chỗ, bảo đảm tập luyện cho các đội tuyển. Bên cạnh đó, trung tâm cũng xây dựng những phương án dập dịch hiệu quả như cách ly, phân luồng tập luyện... Có thể nói rằng, nhờ làm tốt công tác quản lý, thực hiện phòng chống, dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế, hiện nay 100% cán bộ, VĐV, HLV đều khỏe mạnh" - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Tăng tốc chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất khu vực
Với những chủ trương, biện pháp rất hiệu quả của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, các địa phương, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được khống chế, tạo điều kiện cho SEA Games 31 ấn định ngày khởi tranh, đánh dấu sự trở lại của Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Khác với những kỳ Đại hội trước, việc tổ chức SEA Games 31 không chỉ xoay quanh những công tác thường nhật như chuyên môn - kỹ thuật, lễ tân - khánh tiết, an ninh - trật tự.... mà công tác đảm bảo an toàn, an ninh, phòng chống dịch cũng được đặt lên hàng đầu.
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ VHTTDL, Ban tổ chức SEA Games 31 với 9 tiểu ban trực thuộc đã tích cực phối hợp với Hà Nội cùng 11 tỉnh/thành lân cận lên kế hoạch chi tiết, ấn định thời gian, tổ chức kiểm tra, đôn đốc các địa điểm nằm trong hệ thống tổ chức giải, đồng thời liên tục bám sát, trao đổi với các Bộ ngành liên quan, hoàn thiện chi tiết các tình huống, phương án đảm bảo tối đa trật tự, an ninh, an toàn phòng, chống dịch.
Hàng tuần, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng Thứ trưởng phụ trách Hoàng Đạo Cương đều có những buổi họp giao ban với Ban tổ chức để rà soát tiến độ và mọi mặt của công tác chuẩn bị, cho ý kiến và giải pháp nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề còn tồn tại.
Tại buổi làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam diễn ra vào ngày 25/4 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh về mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam lần này, đồng thời, đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, nhất là Tổng cục TDTT.
Người đứng đầu Bộ VHTTDL cũng nhấn mạnh, không cho phép bất kỳ đơn vị, cá nhân nào thuộc Bộ VHTTDL "đứng ngoài cuộc" trong việc quyết cao nhất để tổ chức thành công Đại hội SEA Games 31.
Đếm ngược tới ngày khai mạc
"Từ khi nhận nhiệm vụ đăng cai SEA Games 31 năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công tác chuẩn bị vẫn được diễn ra đúng kế hoạch. Chúng tôi đã nỗ lực từng ngày để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho đại hội" - bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết.
Theo bà Lê Thị Hoàng Yến, đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thiện. Toàn bộ cơ sở vật chất tổ chức cho Đại hội đều được nâng cấp, sửa chữa đảm bảo cho thi đấu. Ngành thể thao Việt Nam cũng "trình làng" 2 điểm thi đấu mới hoàn toàn gồm trường bắn tại Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội và cụm sân đấu quần vợt tại Bắc Ninh. Đây đều là tổ hợp hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tại buổi khảo sát, kiểm tra trước thềm Đại hội của các đoàn quốc tế diễn ra vào ngày 19/3 vừa qua, đại diện các đoàn đều đánh giá cao về công tác chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam, trong đó, khu vực sân Mỹ Đình, trường bắn súng, cung thể thao dưới nước... đều nhận được những lời khen tích cực.
"Các địa điểm khác cũng được nâng cấp chỉnh trang. Mọi khâu chuẩn bị đã hoàn thiện. Chúng ta chỉ còn phải rà soát lại những bước cuối cùng để đón các bạn bè quốc tế đến tham dự đại hội" - bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết.
Ngày 27 tháng 4 tháng 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký ban hành Quyết định số 988/QĐ-BVHTTDL về việc thành lập Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31. Theo đó, Đoàn Thể thao Việt Nam với 1.341 thành viên, trong đó 951 vận động viên, 250 huấn luyện viên, 30 chuyên gia, 46 lãnh đội thi đấu 40/40 môn, 508/526 nội dung tại Đại hội và dự kiến phấn đấu đạt từ 140 huy chương vàng trở lên, đứng Top đầu các quốc gia tham dự, đồng thời quyết tâm bảo vệ thành công vị trí cao nhất của hai đội tuyển Bóng đá nam và Bóng đá nữ.