(Tổ Quốc) - Năm 2021 đã khép lại với rất nhiều cung bậc cảm xúc của giới văn nghệ sĩ khi đại dịch Covid -19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến đời sống văn hóa, văn nghệ. Bên cạnh những tiếc nuối thì vẫn còn đó những cánh cửa đã và đang mở ra…
Nhiều sự kiện tạm dừng
Các nhà hát nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương… vốn đã gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật đương đại càng khó khăn hơn vì dịch Covid -19 trong suốt hai năm 2020 – 2021. NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam từng chia sẻ Nhà hát đã phải hủy các suất diễn phục vụ chính trị cũng như hợp đồng lưu diễn các tỉnh. Chương trình làm theo đơn đặt hàng cũng như kế hoạch lưu diễn phục vụ khán giả vùng sâu, vùng xa cũng phải dừng lại.
Đây không phải là tình cảnh của riêng một nhà hát mà là tình trạng chung của nhiều nhà hát trong năm 2021 bởi sự ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch. Những vở diễn lớn như "Những người khốn khổ" của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dù trước đó bán cháy vé, các nghệ sĩ đã chuẩn bị công phu nhưng buộc phải hoãn chuyến lưu diễn ở một số tỉnh. Ngay cả các sân khấu âm nhạc của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng được khán giả trông đợi dù được lên lịch trước cũng phải hoãn hoặc dừng. Cá biệt có trường hợp như ca sĩ Quang Hà hoãn show ca nhạc đến 2 lần vì Covid -19 dù trước đó mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như chi phí không hề nhỏ. Số lượng MV ca nhạc cũng bị co lại vì thời điểm giãn cách ca sĩ và ê kíp không thể thực hiện được.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, cũng trong năm 2021 nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ, giải trí cũng liên tiếp phải tạm dừng, lùi lại để đảm bảo phòng chống dịch như: Nhiều lễ hội đầu năm ở địa phương tạm dừng, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu từ tháng 9 lùi sang tháng 12. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI tại tỉnh Lạng Sơn năm 2021 dự kiến diễn ra vào tháng 11 đã có đề nghị tạm dừng và sẽ tổ chức vào thời điểm thích hợp hơn. Văn học được coi là lĩnh vực có tính "cá nhân" nhiều nhất, ít bị ảnh hưởng hơn so với các lĩnh vực khác nhưng Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 tại Đà Nẵng cũng tạm hoãn…
Tại các rạp chiếu phim, sau vài tháng đầu năm khởi sắc, nhưng rồi nhiều dự án, không ít bộ phim phải "lỡ hẹn" đến với khán giả vì Covid -19. Có thể kể đến như phim Trạng Tí của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân do ảnh hưởng của Covid -19 mà công bố dời lịch chiếu từ 30/4/2021 sang dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (1/2/2022). Phim 'Gái già lắm chiêu V' công bố rút khỏi phim Tết 2021 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cũng chung số phận "hoãn" ra rạp sau nhiều tháng vì dịch, phim 1990 của đạo diễn Nhất Trung cũng vừa mới chốt lịch cùng với đường đua phim Tết 2022.
Nhiều thay đổi trong đời sống văn hóa
Mặc dù nhiều sự kiện văn hóa, giải trí phải tạm dừng trong năm 2021 vì ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng trong khó khăn lại cho thấy sự sáng tạo, "thích ứng linh hoạt" của nhiều người làm nghệ thuật. Từ đó cũng làm thay đổi thói quen giải trí cũng như thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Thay vì các nghệ sĩ biểu diễn ở nhà hát theo cách truyền thống thì biểu diễn trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số với "Nhà hát online" đã thu hẹp mọi khoảng cách không gian của nghệ sĩ đến công chúng. Giờ đây các vở diễn, chương trình có thể đến được với khán giả trong và ngoài nước, bất chấp dịch bệnh.
Chương trình "San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch" bằng hình thức ghi hình trực tuyến phát sóng trên truyền hình cũng thu hút một lượng khán giả hưởng ứng. Các nghệ sĩ không chỉ hoạt động nghệ thuật, giải trí mà còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi về phòng, chống Covid -19 cũng được các nghệ sĩ tham gia thêm một lần nữa khẳng định nghệ sĩ dù âm thầm sáng tạo nhưng luôn đồng hành với cuộc sống, nhân dân.
Không ít cuộc triển lãm của các họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng thay đổi hình thức tổ chức từ trực tiếp thành trực tuyến, giúp công chúng thưởng thức nghệ thuật theo một cách mới mẻ. Công chúng có thể không hòa mình vào sự đông đúc, chúc tụng với những ồn ào mà được lặng lẽ được chìm đắm vào tác phẩm nghệ thuật.
Những ứng dụng phim, nhạc trực tuyến đa dạng, hấp dẫn, nhiều nội dung nở rộ và cho thấy thế mạnh vượt trội của loại hình giải trí và thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Nếu trước kia, xem phim, nghe nhạc qua internet phần nhiều chỉ dành cho người bận rộn, không có thời gian đến rạp hay các điểm live show thì nay hình thức này được gần như tất cả đối tượng quan tâm, tìm hiểu và sử dụng. Ngay cả phim truyền hình cũng tỏ ra ưu thế, được quan tâm hơn trong năm 2021 khi chỉ cần ngồi trước màn hình là có thể xem phim.
Có thể thấy, khoảng 4 tháng đầu năm 2021 đời sống văn hóa, văn nghệ dù có những khó khăn nhất định do đại dịch nhưng so với nhiều tháng sau đó thì vẫn là bức tranh có nhiều gam màu sáng. Cho đến khoảng hơn hai tháng cuối năm 2021 khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn thì nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ đã tiếp tục diễn ra. Công tác phòng chống dịch bệnh, xét nghiệm đại biểu tham dự được làm bài bản, khoa học trước, trong khi diễn ra sự kiện. Từ đó nhiều sự kiện văn hóa quan trọng, có ý nghĩa đã được diễn ra dưới nhiều hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Đó là Tuần lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921-2021) do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 21 đến 27/10/2021. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức tại Huế để nhìn lại điện ảnh nước nhà sau 2 năm. Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng. Cũng tại Hải Phòng, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 đã được tổ chức tại mang lại sự kích lệ to lớn cho giới văn nghệ sĩ sau một năm nhiều biến động. Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi kéo dài trong 5 năm cũng là một hướng đi mới mẻ, bồi đắp tâm hồn cho những mầm non của đất nước.
Đặc biệt Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/2021 sau 75 năm kể từ ngày diễn ra Hội nghị văn hóa đầu tiên. Đây là sự kiện quan trọng, nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ nhiều năm qua. Trong đó nhìn lại kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị cũng là dịp để lắng nghe, cổ vũ, tập hợp đội ngũ làm văn hóa trên cả nước nhằm đưa văn hóa nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng như tiến nhanh, tiến kịp với văn hóa thế giới.
Đôi điều suy nghĩ…
Thói quen giải trí thưởng thức nghệ thuật của công chúng thay đổi vừa là điều mừng nhưng cũng vừa là điều lo. Mừng vì đó là sự thay đổi mang tính tất yếu của con người trước những biến động của cuộc sống. Dù bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn luôn có cánh cửa khác mở ra. Nhưng cũng lo vì khi đã tạo nên một thói quen mới thì sự thay đổi, thích ứng nếu không có sẽ tụt lại phía sau.
Không chỉ khán giả thay đổi mà các nghệ sĩ cũng phải thay đổi. Nếu trước đây, đứng trên sân khấu nghệ sĩ thăng hoa và được cộng hưởng cảm xúc bằng những tràng pháo tay tay của khán giả thì giờ đây họ phải chấp nhận biểu diễn online, sân khấu không khán giả. Và không thể vì thiếu những điều như trước kia mà nghệ sĩ "diễn dở", hụt hơi, thiếu cảm xúc. Có thể đây cũng là một khía cạnh để nghệ sĩ thay đổi theo hướng chuyên nghiệp hơn, vì khán giả hơn.
Phim truyền hình dù thu hút được khán giả, ít nhiều cũng tạo ra một làn sóng trong đời sống. Nhưng "trông người lại ngẫm đến ta", phải sòng phẳng mà nói rằng, không ít bộ phim tạo được hiệu ứng khán giả là "làm lại" từ kịch bản nước ngoài. Chưa kể những câu chuyện phim cũng chỉ quanh quẩn một vài chủ đề gia đình, tình yêu, tình bạn mà đôi khi mâu thuẫn được đẩy lên quá cao, đánh vào tò mò của công chúng, thiên về giải trí hơn là thưởng thức và ngẫm nghĩ. Chúng ta quá thiếu những phim truyền hình gây được tiếng vang, thậm chí có thể "xuất khẩu". Thử nhìn lại như Hàn Quốc, phim truyền hình của họ làm mưa làm gió trên thế giới hết năm nay qua năm khác, từ Hạ cánh nơi anh, Thẩm phán ác ma cho đến Trò chơi con mực… Có ý kiến cho rằng, việc đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu từ kịch bản, kỹ xảo, diễn viên… của một số phim truyền hình Hàn Quốc nếu cắt ngắn đi hoàn toàn có thể đứng được vào hàng ngũ của phim điện ảnh. Nói như vậy để thấy phim truyền hình nếu không thay đổi, bứt phá thì rất có thể bị rơi vào lối mòn, thiếu hấp dẫn. Sự thành công hôm qua, hôm nay chưa có gì để đảm bảo vững bền cho ngày mai nếu chúng ta tự mãn, hài lòng với những gì đang có.
Giải trí trên mạng là một cuộc cạnh tranh không biên giới. Rõ ràng chỉ vài năm trước những web drama (phim chiếu mạng), clip nhảm… tràn lan, nội dung dễ dãi, nhảm nhí, câu view xuất hiện ồ ạt thì dần dần đã ít đi. Đây là quy luật đào thảo tự nhiên, khi cái hay, cái giá trị được khẳng định. Bên cạnh đó những tác phẩm cũ cũng được công chúng quan tâm, khán giả có thời gian nên xem với tâm thế chậm hơn, khắt khe hơn. Điều này đòi hỏi làm thế nào để tác phẩm không cũ, vẫn luôn có giá trị bất chấp thời gian cũng là một câu hỏi không hề trả lời dễ dành cho người làm văn hóa, nghệ thuật.
Việc xem trả phí, thể hiện sự văn minh, trân trọng thành quả lao động nghệ thuật là điều được nhiều người đặt ra. Liệu thói quen xem miễn phí có được thay đổi? Vấn đề bản quyền cần được tôn trọng để không còn tình trạng nhiều trang mạng sao chép, chộp giật, kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến tác phẩm được đầu tư và tâm huyết. Bởi những hoạt động văn hóa, văn nghệ, giải trí khi xuất hiện thực ra là một quá trình làm việc cần mẫn, âm thầm. Ca sĩ có một đêm nhạc thì phải tập luyện nhiều tháng. Họa sĩ muốn triển lãm thì trước đó phải đằng đẵng sáng tác. Nhà văn muốn ra mắt một cuốn sách phải đau đáu viết vài tháng, thậm chí cả năm, hay nhiều năm. Nói như vậy để thấy đằng sau những sự kiện, nghệ sĩ vẫn phải lặng lẽ lao động sáng tạo hết mình vì nghệ thuật.