• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn lại “năm COVID-19” thứ hai tại Việt Nam

Thời sự 01/01/2022 07:28

(Tổ Quốc) - Năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam với biến chủng mới có độ lây lan nhanh chóng. Đây là năm thứ hai dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam và để lại nhiều “nốt lặng”.

Nhìn lại “năm COVID-19” thứ hai tại Việt Nam - Ảnh 1.

Trong năm 2021, nhiều cơ sở thu dung, điều trị bệnh COVID-19 được lập trước tình hình số ca mắc tăng nhanh tại nhiều địa phương. Ảnh: Nam Nguyễn

Việt Nam tái ghi nhận ca mắc mới sau 55 ngày "trắng" COVID-19

Đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 23/1/2020. Qua 2 năm, nền kinh tế, xã hội của nước ta bị tác động và ảnh hưởng nặng nề. Năm 2020, cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh với tổng số ca tử vong xác nhận cả năm là 35 ca. Tuy nhiên, đến năm 2021, tình hình trở nên trầm trọng hơn với số ca mắc và số ca tử vong tăng "đột biến".

Ngày 28/1/2021, sau 55 ngày không ghi nhận ca mắc mới, Việt Nam phát hiện 2 ca mắc COVID-19 tại cộng đồng ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Từ đây, đợt dịch thứ 3 bùng phát tại Hải Dương rồi lan ra 12 tỉnh/ thành phố khác.

Tỉnh Hải Dương cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16/2 đến hết 2/3. Để sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đồng ý nhập khẩu 204.000 liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên và những mũi tiêm chính thức bắt đầu từ ngày 8/3.

Nhờ sự quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, chỉ sau đó một thời gian, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ 3.

Đợt bùng phát dịch bệnh thứ 4 xuất hiện

Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó, Việt Nam bước vào đợt bùng phát thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ các chuỗi lây nhiễm Covid-19 ở người cách ly. Đợt dịch thứ 4 được Bộ Y tế ghi nhận từ ca nhiễm đầu tiên là nam nhân viên tại khách sạn Như Nguyệt, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái - nơi cách ly tập trung của đoàn chuyên gia Ấn Độ. Sau một tháng, số ca nhiễm vượt mốc 3.000, dịch "tấn công" 30 tỉnh/thành phố và không có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Nhìn lại “năm COVID-19” thứ hai tại Việt Nam - Ảnh 2.

Dịch bệnh đã tấn công nhiều khu công nghiệp, khu dân cư. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong đó, dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh diễn biến phức tạp, đa hình thái lây nhiễm và đa biến chủng, trong đó có biến chủng lai hoàn toàn mới lây rất nhanh. Ngày 25/5, cả nước ghi nhận 444 ca mắc Covid-19 trong nước - con số kỷ lục thời điểm đó. Riêng tỉnh Bắc Giang 375 ca, được phát hiện nhờ tổng lực thần tốc xét nghiệm trong 3 ngày.

Thời điểm đầu của đợt bùng phát thứ 4, dịch đã "đánh" vào các nhà máy, khu công nghiệp lớn tại Bắc Giang với mật độ đông, môi trường khép kín, dùng chung khu ăn uống,... Điển hình khu công nghiệp Vân Trung với hơn 300 F0. "Ổ dịch" tại khu công nghiệp Quang Châu gần 1.000 ca nhiễm, đặc biệt công ty Hosiden chiếm số lượng nhiều nhất với tỷ lệ 55% F1 thành F0.

Bắc Giang thời điểm đó là địa phương ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục, 1.881 ca trong 22 ngày, số ca mắc mới tăng liên tục, từ 100-300 mỗi ngày. Bắc Ninh cũng ghi nhận 736 ca nhiễm chỉ sau ít ngày phát hiện, trung bình mỗi ngày ghi nhận thêm 50-100 ca.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thời điểm đó đã nhận định: "Một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng mạnh, khó kiểm soát là đa chủng virus. Qua giải trình tự gene cho thấy có hai biến chủng phổ biến đang lưu hành tại Việt Nam, gồm Ấn Độ và Anh. Chủng Ấn Độ phổ biến nhất, ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Hà Nội... Chủng Anh xuất hiện tại Đà Nẵng và một số địa phương khác. Đặc biệt, Bộ Y tế phát hiện một chủng mới hoàn toàn, lai giữa hai biến chủng trên. Chủng lai tạo này tốc độ lây nhiễm rất nhanh, phát tán rộng và mạnh trong không khí, nhất là môi trường thông khí kém như nhà máy, công xưởng".

TP.HCM trở thành ổ dịch lớn nhất nước

Phải khẳng định, đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng nhất tại TP.HCM và của nước ta trong một thời gian dài. Ngày 27/5, TP.HCM ghi nhận 36 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến nhóm truyền giáo, khiến nhiều khu vực ở 16 quận/huyện bị phong tỏa. 4 ngày sau, TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố. Tính đến sáng 1/6, chuỗi lây nhiễm này đã có 200 ca, được xem là ổ dịch lớn nhất TP.HCM thời điểm đó.

Nhìn lại “năm COVID-19” thứ hai tại Việt Nam - Ảnh 3.

Các nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 175 tiếp viện cho TP.HCM.

Kể từ khi bùng phát dịch bệnh, có những ngày TP.HCM ghi nhận cả chục nghìn ca mắc mới. Hệ thống y tế tại TP này bị tê liệt hoàn toàn. Khái niệm cách ly F1, điều trị F0 tại nhà cũng lần đầu tiên xuất hiện. TP.HCM đã có khoảng 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ làm trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch

Chiều 24/8, Văn phòng Trung ương Đảng phát thông báo kết luận cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt về tình hình dịch bệnh và công tác triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Cuộc họp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Cuộc họp đã thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ làm trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước.

Từ ổ dịch TP.HCM cũng lây lan sang nhiều tỉnh thành khác tại phía Nam. Ngày 17/7, Thủ tướng Chính phủ ký công văn đồng ý áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo quy định tại Chỉ thị số 16 ở TP.HCM và 18 tỉnh, thành miền Nam khác.

Để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam kiểm soát dịch bệnh, ngành Quân đội, Công an và đặc biệt là Y tế đã tăng cường chi viện nhân lực đến các địa phương này. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã điều động hơn 120.000 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dự bị hỗ trợ các tỉnh, thành phố phía Nam chống dịch. Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ, hơn 2.500 học viên các trường đại học, học viện thuộc Bộ Công an tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, hỗ trợ nhân dân, cùng hơn 600 cán bộ y tế của ngành Công an tham gia điều trị tại các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện dã chiến thuộc Bộ Công an. Ngoài ra, còn hàng trăm ngàn y, bác sĩ, sinh viên trường Y đã được tăng cường vào "điểm nóng" của dịch bệnh.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất

Sáng 10/7, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm cho khoảng 75 triệu người dân với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022.

Nhìn lại “năm COVID-19” thứ hai tại Việt Nam - Ảnh 5.

Trong năm 2021, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: Nam Nguyễn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vaccine về Việt Nam.

Hàng trăm cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được hơn 100 triệu liều vaccine trong năm 2021 và hướng tới đạt 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Để thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam đã rất nỗ lực trong chiến lược "Ngoại giao vaccine". Trong các chuyến công tác nước ngoài gần đây của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hàng triệu liều vaccine đã được đưa về Việt Nam để góp phần thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng. Tính đến nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho toàn dân và bắt đầu thực hiện tiêm mũi 3.

Việt Nam xuất hiện biến thể Omicron

Sáng 28/12, Bộ Y tế ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron, về từ Anh, hạ cánh tại sân bay Nội Bài tối 19/12.

Mẫu bệnh phẩm của người này được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giải trình tự gene 2 lần, cho kết quả khẳng định nhiễm biến chủng Omicron. Bệnh nhân được cách ly tại phòng riêng biệt và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Tình trạng sức khỏe ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ngày 29/12 cho biết, có 165 hành khách đi cùng chuyến bay với người này, chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác. Hiện tất cả đều đã được cách ly tập trung theo quy định. Bộ Y tế cũng đã có công điện gửi các địa phương có người đi cùng chuyến bay để thực hiện quản lý theo quy định.

Chuyên gia nhận định, việc biến chủng Omicron xuất hiện tại Việt Nam là điều đã được dự báo trong bối cảnh dần mở cửa trở lại.

Hơn 23.000 người tử vong

Ngày 15/5, Việt Nam ghi nhận ca tử vong do Covid-19 đầu tiên trong năm 2021, cũng là ca tử vong thứ 36 từ khi đại dịch xuất hiện. Tính đến tối 18/11, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 23.476 người. Riêng TP.HCM có tới 17.305 nạn nhân tử vong, chiếm hơn 73%. Trên cả nước, 2.532 trẻ em bị mồ côi, trong đó có 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ