(Tổ Quốc) - Nhiệm kỳ 2018- 2022 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có thể đánh giá là quãng thời gian thành công nhất khi các đội tuyển bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành tích nổi bật.
Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII (nhiệm kỳ 2018- 2022) được tổ chức vào tháng 12/2018, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam tiếp nối thành công trong khoảng 2 năm cuối của nhiệm kỳ khóa VII. Tiêu biểu là sự kiện đội tuyển U16 quốc gia lần đầu tiên sau 16 năm lọt vào tứ kết giải vô địch U16 châu Á 2016, đội tuyển Futsal quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử tham dự VCK FIFA Futsal World Cup Colombia 2016, đội tuyển U19 quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự VCK FIFA U20 World Cup 2017 và đội tuyển U23 quốc gia tại Vòng chung kết U23 châu Á – Thường Châu 2018... Chính từ thành công và những hiệu ứng tích cực đó đã góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động phát triển của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ VFF khóa VIII.
Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, Bộ VHTTDL, dưới sự chỉ đạo của BCH, Thường trực BCH, VFF đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời huy động một cách hiệu quả các nguồn lực xã hội, vận động nguồn tài trợ và tranh thủ mở rộng hợp tác quốc tế, tận dụng sự hỗ trợ của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) thông qua các Dự án phát triển bóng đá để đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển; kịp thời có những giải pháp mang tính đột phá, chiến lược và linh hoạt đối với hoạt động phát triển bóng đá trong nước theo từng giai đoạn cụ thể, đặc biệt là đối với mục tiêu phát triển bóng đá trẻ và kiện toàn hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia phù hợp với hệ thống thi đấu của FIFA, AFC.
Thực thế cho thấy, thành công của bóng đá Việt Nam thời gian qua là kết quả của định hướng đúng đắn về phát triển bóng đá trẻ và đầu tư cho các đội tuyển trẻ, đồng thời cũng cho thấy tiềm năng rất lớn của bóng đá Việt Nam với nguồn đóng góp đang ngày càng dồi dào hơn từ các Câu lạc bộ (CLB), các Trung tâm đào tạo trong cả nước.
Bên cạnh đó, một trong những thuận lợi tiêu biểu khác trong nhiệm kỳ khóa VIII là tính hiệu quả của công tác đầu tư chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn cao người nước ngoài. Việc đầu tư cho công tác chuyên gia là thay đổi mang tính đột phá, căn bản nhằm giúp bóng đá Việt Nam rút ngắn hơn con đường tiếp cận với trình độ của bóng đá thế giới, đồng thời cũng tạo môi trường để bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ cho các HLV trong nước có thể kể đến là HLV Park Hang - Seo cùng đội ngũ chuyên gia người Hàn Quốc; chuyên gia Gustozzi Diego Raul – HLV Futsal người Argentina; Giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản Yusuke Adachi; HLV bóng đá nữ, chuyên gia người Nhật Bản Ijiri Akira.... Đây được xem là những "bước đi" chính xác góp phần giúp bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Thành tích đáng tự hào của các đội tuyển bóng đá Việt Nam
Sang giai đoạn 2018 - 2022, đội tuyển nam và U23 quốc gia đã gặt hái được những thành công ngoài sự mong đợi, luôn duy trì trong top 100 trên bảng xếp hạng của FIFA (cao nhất là hạng 92), góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của bóng đá Việt Nam ở khu vực. Ngoài việc nỗ lực khắc phục những vấn đề đã gặp phải trong giai đoạn trước như: Ổn định được vị trí HLV trưởng của đội tuyển trong suốt 5 năm, nâng cao chất lượng các giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, cải thiện được một phần cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, thì kết quả tốt cũng đến từ việc các CLB và VFF chú trọng hơn vào phát triển bóng đá trẻ. Các VĐV trẻ đã có cơ hội thi đấu nhiều với các đội tuyển có trình độ cao ở các cấp độ khác nhau (đặc biệt là lứa cầu thủ sinh năm 1997,1998 tham dự giải U20 Thế giới) trong suốt một quá trình dài trong giai đoạn trước đã tạo tiền đề dẫn đến thành công của giai đoạn sau.
Có thể đánh giá, giai đoạn 2018- 2022 là giai đoạn thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, được thể hiện bằng các thành tích gồm: Đội tuyển nam giành chức vô địch Đông Nam Á 2018, vào tứ kết cúp châu Á 2019, lần đầu tiên giành quyền tham dự Vòng loại cuối World Cup 2022; đội tuyển U23 giành Huy chương bạc giải U23 châu Á 2018, vào bán kết môn bóng đá nam Đại hội thể thao châu Á 2018, giành Huy chương vàng môn bóng đá nam tại 2 kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) liên tiếp vào các năm 2019 và 2022.
Bên cạnh đó, việc duy trì sự liên tục tham dự các Vòng chung kết các giải trẻ của châu Á và được thi đấu với các đội tuyển có trình độ cao trong khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út,… là thành tích đáng được biểu dương của các đội tuyển trẻ. Thông qua các trận đấu và giải đấu chính thức đó có thể nâng cao trình độ chuyên môn cũng tâm lý thi đấu cho các VĐV trẻ, hướng đến các mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Song song với bóng đá nam, việc phát triển bóng đá nữ luôn là mục tiêu của VFF, trong giai đoạn này, tính riêng tại khu vực Đông Nam Á, bóng đá nữ Việt Nam vẫn đang ở vị trí dẫn đầu về mức độ đầu tư cũng như thành tích đạt được.
Cũng giống như bóng đá nam, việc duy trì công tác đào tạo trẻ là hết sức quan trọng, đòi hỏi cần phải có sự chung tay của các CLB bóng đá nữ cùng với VFF trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra cũng rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT trong việc thúc đẩy phát triển bóng đá nữ tại các địa phương.
Về mặt kết quả, sau 2 lần thất bại trong việc giành vé tham dự giải bóng đá nữ Thế giới vào các năm 2014 và 2018, đến năm 2022 đội tuyển nữ quốc gia đã xuất sắc giành được tấm vé tham dự VCK giải bóng đá nữ Thế giới năm 2023 khi vượt qua các đối thủ Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa trong các trận đấu play-off. Cùng với thành tích 3 lần liên tiếp giành huy chương vàng môn bóng đá nữ tại SEA Games vào các năm 2017, 2019, 2022, thì thành tích lịch sử giành quyền tham dự VCK giải bóng đá nữ Thế giới 2023 đã khẳng định được vị thế của bóng đá nữ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
Với Futsal và Bóng đá bãi biển, sau thành tích lần đầu tiên tham dự VCK FIFA Futsal World Cup- Colombia 2016, thì giai đoạn 2018- 2022 là giai đoạn chuyển giao của Futsal nam. Tuy gặp nhiều khó khăn về mặt lực lượng, nhưng việc lần thứ hai giành quyền tham dự đấu trường futsal thế giới khi góp mặt tại VCK FIFA Futsal World Cup – Lithuania 2021 là một động lực không nhỏ để tiếp tục phát huy tiềm lực của Futsal Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế trình độ của Futsal Việt Nam vẫn chỉ nằm ở mức khá ở khu vực châu Á. Để có thể rút ngắn khoảng cách về trình độ với các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Iran,… thì vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều.
Có thể thấy, thành tích đạt được của các đội tuyển trong đó có những thành tích mang tính lịch sử đồng thời cũng là động lực và là đòn bẩy để Bóng đá Việt Nam có cơ hội phát triển và nâng tầm vị thế của mình.