• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn lại thị trường livestream bán hàng năm 2024 tại Việt Nam: Thương hiệu lớn, đồ tươi, nông sản Việt "dắt nhau lên sàn"

Thực hiện: Lam Anh | 31/12/2024

(Tổ Quốc) - Năm 2024, sự phát triển thần tốc của thị trường "bán nước bọt kiếm ra tiền" đã khiến người người, nhà nhà lên sóng chốt đơn - tạo ra 1 sân chơi đa dạng nói chung, 1 cuộc đua gay cấn trong ngành kinh doanh thương mại điện tử nói riêng.

Bắt đầu phổ biến rộng rãi kể từ cuối năm 2021 - đầu năm 2022, livestream bán hàng trở thành 1 nghề mang tới nguồn thu nhập "khủng", thu hút sự tham gia của cả KOLs lẫn người nổi tiếng. Đồng thời, các phiên livestream với loạt deal hời hấp dẫn cũng trở thành một "địa chỉ" mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng Việt.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cho thấy, ba nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Doanh số của 5 sàn giao dịch phổ biến đạt trung bình 25.300 tỷ đồng, tương đương với khoảng 1 tỷ USD mỗi tháng.

Theo thống kê từ Metric, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu trong nửa đầu năm 2024 cho thấy, khoảng 95% người mua sắm trực tuyến đã mua hàng từ các phiên livestream, với thời gian trung bình dành cho các phiên livestream bán hàng lên đến 13 giờ/tuần (theo báo cáo của NIQ).

Với sự góp mặt tiêu biểu của các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Shopee, Lazada, TikTok Shop,... hình thức phát trực tuyến phiên bán hàng trong năm vừa qua - vẫn mang đến cho doanh nghiệp và nhãn hàng một kênh giải trí kết hợp mua sắm hiệu quả nhưng đã có nhiều sự đổi thay rõ rệt.

Sàn livestream 2024: Không chỉ còn là "mỏ vàng" cho các thương hiệu nhỏ lẻ, giá rẻ

Thị trường livestream bán hàng Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về cả chất và lượng. Bằng chứng là trong năm 2024, người tiêu dùng đã được tiếp cận với hàng loạt phiên live có sự tham gia của những thương hiệu cao cấp với các sản phẩm giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. Điều này đánh dấu bước thay đổi rất lớn trong bình diện cuộc đua của ngành kinh doanh thương mại.

KOLs cùng các nhãn hàng nổi tiếng, thương hiệu lớn đã xuất hiện trong các phiên live. (Ảnh minh họa)

Những năm trước đây, người ta vốn chỉ thấy những nhãn hàng nhỏ lẻ, sản phẩm phân khúc thấp hoạt động trên sàn với loạt thông điệp như: "Săn sale mỏi tay, chốt ngay deal khủng". Nhưng tới năm 2024, không ít thương hiệu sở hữu các sản phẩm cao cấp, phổ biến ở tất cả các ngành hàng - từ đồ gia dụng/công nghệ, quần áo, mĩ phẩm cho tới... xe máy đã có mặt trong các phiên livestream.

Nhắc tới đây không thể không kể đến phiên phát sóng trực tiếp trên nền tảng TikTok dài 4 tiếng của hãng xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng kết hợp với kênh TikTok "Tạp hóa PewPew" của streamer Pewpew vào tối tối 28/2/2024. Trong phiên live VinFast đã đăng bán 5 mẫu xe máy điện nằm trong hệ sinh thái di chuyển thuần điện của mình, bao gồm EVO200, EVO200 Lite, Feliz S, Vento S và Theon S với mức giá từ khoảng 15-55 triệu đồng.

Số liệu trên hiển thị trên gian hàng của PewPew tính đến sáng 29/2/2024 cho thấy kênh này đã bán khoảng 178 sản phẩm VinFast. Trong đó, mẫu xe điện Evo200 được bán nhiều nhất với 109 xe được chốt. Ước tính sơ bộ, gian hàng TikTok Shop của kênh tạp hóa PewPew đã giúp VinFast thu về hơn 3,3 tỷ đồng doanh số bán xe. Kết quả này cho thấy, giá trị cao cùng những đắn đo về chất lượng dường như không còn là điều ngăn cản người tiêu dùng "xuống tiền chốt deal" chỉ trong vài giây nữa.

Trước đó, loạt thương hiệu lớn như Xiaomi, Samsung, Sulwhasoo,... đã có mặt và khuấy động thị trường này, "nối gót" nhà thiết kế Thái Công giới thiệu và bán các sản phẩm cao cấp trên TikTok. Sự thay đổi trong cách bán hàng này mặc dù đã được nhen nhóm vào khoảng cuối năm ngoái nhưng đến nay mới thật sự rõ nét.

Sàn livestream 2024: Không chỉ có KOLs, nông dân đua nhau lên sàn bán đồ tươi, nông sản Việt

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, những loại đồ tươi cùng nông sản Việt từng đứng trên bờ vực khó khăn vì không tìm được "đầu ra", sản phẩm lại nhanh bị thối, hỏng... Từ trước tới giờ, các loại mặt hàng này thường chỉ được bày bán trực tiếp, kinh doanh theo kiểu truyền thống. Phần nhiều khó khăn nằm ở khâu vận chuyển. Xu thế kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử từng là khó khăn, thách thức đối với ngành hàng này giờ đây đã được đánh giá là một trong những giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Đơn cử, trong phiên livetream ngày 7/7/2024 của Hằng Du Mục gây ấn tượng với con số "khủng" khi bán hết gần 22 tấn sầu riêng chỉ trong chưa đầy 5 phút.

Trong năm 2024, Hằng Du Mục đã tổ chức rất nhiều phiên livestream lớn, trong đó có rất nhiều sản phẩm là các mặt hàng nông sản Việt Nam.

Bên cạnh sầu riêng, Hằng Du Mục còn bán rất nhiều sản phẩm nông sản khác, trong đó gạo cũng là mặt hàng nổi bật được bán ra với số lượng lớn, ngoài ra còn có nhiều sản phẩm khác như nem chua, mứt chùm ruột...

Đáng chú ý hơn, ngoài sự xuất hiện của người nổi tiếng, những người nông dân chưa từng biết sử dụng điện thoại thông minh cũng đã nhanh chóng cập nhật và trở thành nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung chốt đơn tiền tỉ trên sàn thương mại điện tử.

Xu hướng mua sắm giải trí sẽ bùng nổ trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Tiêu biểu như phiên livestream bán được 72 tấn cam chỉ trong một buổi sáng ở Nghệ An, thu hút hơn 3,3 triệu lượt xem, 10.000 lượt tương tác. Hay buổi livestream bán ra hơn 50 tấn vải ở Bắc Giang sau 4 giờ livestream,...

Có thể nói, livestream đã và đang dần trở thành hình thức bán hàng hiệu quả cho các sản phẩm nông sản tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ doanh thu nông sản bản địa.

Theo dự báo từ Boston Consulting Group (BCG), thị trường bán hàng này tại Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, sẽ đạt giá trị 25 tỷ USD vào năm 2025. Sự phát triển thần tốc này cũng đem đến nhiều cơ hội việc làm cho những người bán hàng trực tuyến - hay còn gọi là những người livestream thuê.

Theo dự đoán của Nielsen, đến năm 2025, thế hệ Gen Z tại Việt Nam sẽ đạt gần 15 triệu người, chiếm đến 21% lực lượng lao động và hơn 30% lượng khán giả trực tuyến. Đây chính là đối tượng người dùng chủ đạo nhằm đẩy mạnh tiềm năng của các nền tảng livestream nói riêng, xu hướng thương mại giải trí nói chung có cơ hội bùng nổ hơn nữa.

Theo dự đoán của TikTok Shop, dự kiến năm 2025, thị trường 'mua sắm giải trí' tại Việt Nam sẽ đạt đến 8 tỉ đô la Mỹ.


NỔI BẬT TRANG CHỦ