• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn lại Thủ đô 60 ngày đêm huyết lệ

Văn hoá 15/02/2017 15:46

(Tổ Quốc) - Những bức ảnh về Hà Nội trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “nhất quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa” sẽ được giới thiệu đến công chúng lúc 16 giờ ngày 17/2 tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ, Hà Nội.

Triển lãm do Trung tâm tư liệu ảnh lịch sử "Xưa&Nay" của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm thuộc Ban Quản lý Khu vực Hồ Hoàn Kiếm đồng tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc "trận chiến 60 ngày đêm của Thủ đô huyết lệ" (17/2/1947- 17/2/2017).

"Thủ đô 60 ngày đêm huyết lệ" là một cách nói "rất Hà Nội" về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm diễn ra vào cuối năm 1946 đầu 1947, được coi là sự kiện mở đầu cho cuộc Kháng chiến Toàn quốc.

Tòa nhà Thương Bạc (nơi thu thuế) đầu cửa Ô Quan Chưởng bị tàn phá sau trận bom...

"Huyết lệ" không hề ủy mị khi sánh với tính chất hào hùng của cuộc đương đầu giữa những con người Hà Nội lần đầu cầm súng, gươm, gậy gộc đã thề "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" với đạo quân viễn chinh nhà nghề của thực dân Pháp. "Huyết lệ" lại nói lên được tính chất ác liệt của cuộc chiến dành giật từng thước đường, từng căn nhà, con phố... như ca từ trong "Trường ca Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi mô tả: "Hà Nội cháy! khói lửa ngợp trời... Hà Nội ầm ầm rung". Hà Nội đã thực sự là chiến địa.

...Nay là quán cafe bên phố sầm uất

Nhưng cho đến nay, ngoài những lời kể của các nhân chứng, dấu tích của chiến trường Hà Nội, đặc biệt là khu vực Liên Khu Một mà trung tâm là địa bàn Quận Hoàn Kiếm ngày nay hầu như không còn gì nữa. Những nhân chứng tham dự sự kiện 70 năm trước đến nay như lá mùa thu... May mắn chỉ còn những tấm ảnh rất hiếm hoi ghi lại...

Cuộc triển lãm này giới thiệu một số tấm ảnh may mắn còn được lưu giữ mà tác giả là những người dân Hà Nội trở lại với ngôi nhà của mình ngay sau khi chiến trận vừa chấm dứt, kể từ lúc những chiến sĩ quyết tử đã thực hiện một cuộc "rút quân thần kỳ" vào đêm 17 rạng 18-2-1947 để bảo toàn lực lượng, lên chiến khu tiếp tục cuộc kháng chiến lâu dài với niềm tin mãnh liệt sẽ trở về giải phóng Thủ đô.

Cầu Thê Húc bị hư hại ngày ấy...

Đây là những tấm ảnh của ba nhà nhiếp ảnh đã có tên tuổi của Hà thành trước Cách mạng Tháng Tám 1945 là Trần Văn Nhung (1905-1952) cùng Trần Văn Vẻ (1930-1988) ngụ tại 71 Hàng Than và Nguyễn Duy Kiên (1911-1979) ngụ tại 65 Thuốc Bắc. Đó là những tấm ảnh chụp khung cảnh một Hà Nội bị tàn phá vì bom đạn và cũng là một Thủ đô bất chấp mọi hy sinh "quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa". Sự đổ nát đến mức nhiều tấm ảnh không còn nhận dạng và định vị được trên tấm bản đồ phố phường Hà Nội.

...Bây giờ

Cuộc trưng bày này không chỉ cho người xem chứng kiến một chứng tích của quá khứ gắn với "60 ngày đêm huyết lệ" mà còn giúp chúng ta, nhất là các bạn trẻ hình dung về một Hà Nội đã trải qua những thử thách to lớn của lịch sử trong quá khứ và những thay đổi to lớn của Hà Nội Đổi mới và Hội nhập đương đại thông qua một số hình ảnh đối sánh Xưa&Nay của tác giả Nguyễn Hữu Bảo.../.

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ