(Tổ Quốc) - Các y bác sĩ ngày đêm nỗ lực, hàng trăm người tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện, hàng tấn thùng nhu yếu phẩm từ người dân gửi vào cho các bác sĩ, Đà Nẵng đang chung sức đồng lòng chống lại dịch bệnh Covid-19 với một quyết tâm cao nhất.
Sáng 31/7, Đà Nẵng ghi nhận thêm 45 ca mắc COVID-19. Dù Đà Nẵng đang là "rốn" dịch của cả nước, nhưng sự đồng lòng, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn với nhau của tất cả mọi người, từ các y bác sĩ, tới thanh niên tình nguyện, đội ngũ dân quân, công an, người dân tại Đà Nẵng đã thể hiện một quyết tâm cao nhất chống lại dịch Covid-19.
Các y bác sĩ tất bật trong ca trực nhưng luôn giữ vững một tinh thần lạc quan
Ở nơi được xem là tâm dịch - Bệnh viện Đà Nẵng, hàng trăm y bác sĩ vẫn đang tất bật trong những ca trực của mình. Đội ngũ y tế vẫn trong tư thế sẵn sàng đón nhận các ca bệnh với tinh thần cùng nhau chiến đấu chống dịch, chuẩn bị các trang thiết bị, phòng ốc cho người nghi nhiễm và nhiễm bệnh cách ly, theo dõi.
Đến thời điểm này, hàng trăm y bác sĩ vẫn đang được cách ly theo dõi bệnh tình. Đặc biệt, đã có một số là nhân viên, y tá, bác sĩ tại bệnh viện được xác định dương tính với Covid-19.
Những chai nước được các nhân viên y tế đưa đến từng khoa, phòng, kèm theo lời nhắn nhủ, động viên: "Đà Nẵng quyết tâm chiến thắng đại dịch".
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Đà Nẵng, các y bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng đã sinh hoạt, cách ly ngay trong bệnh viện sau khi có lệnh phong toả cả ba bệnh viện. Là những nơi tuyến đầu chống dịch, cũng lại là "ổ dịch", đội ngũ y bác sĩ vừa chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân, vừa cố gắng giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh cho chính mình.
Cuộc sống của các bác sĩ trong bệnh viện bị cách ly chắc chắn có nhiều điều "khác biệt". Một số bức ảnh tiết lộ cuộc sống đời thường của các bác sĩ trong bệnh viện tại Đà Nẵng gần đây đã gây xúc động mạnh với cộng đồng mạng. Trong số đó, có bức ảnh các nữ bác sĩ cắt tóc ngắn để thuận tiện khi làm việc tại tuyến đầu chống dịch.
Bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội về nữ bác sĩ cắt tóc ngắn trong bệnh viện.
"Salon" tóc đặc biệt này không có ghế da cũng chẳng có gương, chỉ có chiếc ghế inox, cây kéo nhỏ cùng tờ giấy đặt phía sau lưng để những lọn tóc không bay ra ngoài. Còn thợ cắt tóc, chẳng phải ai khác mà chính là những người đồng nghiệp áo xanh trong bệnh viện. Các chị quan niệm rằng, mái tóc có thể cắt đi rồi dài lại, nhưng chống dịch chỉ có một lần, tận lực chiến đấu với dịch bệnh mới là điều hiện giờ các bác sĩ quan tâm nhất.
Hay như một bức hình xúc động khác về giờ phút nghỉ ngơi của các bác sĩ trong bệnh viện. Đêm đến sau ca trực bận rộn, một bác sĩ đã lót tạm tấm bìa carton xuống sàn bệnh viện để chợp mắt. Bức hình đã khiến nhiều người xúc động và hiểu hơn về những khó khăn mà các y bác sĩ đang đối mặt trong các bệnh viện tại Đà Nẵng.
Một bác sĩ lót tạm tấm bìa carton để tranh thủ chợp mắt buổi đêm sau ca trực bận rộn.
Thế nhưng trong khó khăn, tất cả y bác sĩ vẫn luôn giữ một tinh thần lạc quan yêu đời, tin rằng những nỗ lực chống dịch sẽ được đền đáp xứng đáng. Các bác sĩ vẫn tạo dáng nghịch ngợm trong các bức ảnh, dù ai cũng luôn kín mít trong các trang phục bảo hộ.
Các y bác sĩ luôn giữ một tinh thần lạc quan khi chống dịch Covid-19.
Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM
Dù sống trong "rốn dịch" nhưng dù thế nào họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời.
Không để các y bác sĩ Đà Nẵng phải gồng mình chống dịch, đội ngũ y tế trên cả nước gồm bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai từng chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cũng đã đến Đà Nẵng để chung tay cùng các đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh.
Hình ảnh những y bác sĩ đang sải bước vội vã trên hành lang bệnh viện khiến nhiều người dâng lên một cảm xúc khó tả. Nhiều dân mạng chia sẻ bức ảnh "những chiến binh thầm lặng" này với nhiều dòng trạng thái xúc động, biết ơn, gửi lời cổ vũ các y bác sĩ và cảm ơn người đã chụp bức ảnh "đắt giá" này.
Bài đăng gây nhiều cảm xúc trên MXH.
Tài khoản Đ.Phạm đăng bức hình đã chia sẻ nhiều cảm xúc: "Bức ảnh không đặc tả khuôn mặt hay ánh mắt của bất cứ người nào. Nhìn vào bức ảnh, mỗi người tự hình dung ra từng gương mặt họ theo cách của mình. Nhưng có một điều chắc chắn, ai cũng thấy họ, những thầy thuốc đang bước vào một cuộc chiến cam go mới. Họ đang đi vào chỗ nguy hiểm nhưng hoàn toàn không thấy một chút ngập ngừng toan tính nào mà trong mỗi bước chân ấy, ta thấy cả một sự tự tin - sự tự tin của những người hiểu được ý nghĩa lớn lao của công việc mình đang thực thi".
Bên dưới bức ảnh, nhiều người đã gửi lời chúc tới các bác sĩ, đồng thời tin rằng với những nỗ lực không mệt mỏi của họ, thành phố Đà Nẵng sẽ sớm thôi được trở lại bình yên.
Hàng trăm bác sĩ, sinh viên tình nguyện vào 'rốn dịch' Đà Nẵng
Đội ngũ y bác sĩ trong các bệnh viện đã nỗ lực là vậy, nhiều y bác sĩ ở các bệnh viện tư, các sinh viên y, dược tại Đà Nẵng cũng muốn góp sức mình chống dịch. Trước tình trạng số bệnh nhân tăng đột biến đến hơn 400% sau khi 4 bệnh viện ở Đà Nẵng bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19, Bệnh viện (BV) 199 bị quá tải nên đã đăng thông tin kêu gọi sự hỗ trợ từ các tình nguyện viên (TNV), sinh viên y khoa, y bác sĩ (BS) về hưu lên fanpage của BV.
Theo BS Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh nghề nghiệp, phụ trách truyền thông BV 199, chia sẻ với PV Báo Thanh niên, cho biết BV đã nhận hơn 400 lượt đăng ký của các TNV, trong đó có những BS đang trong thời gian nghỉ việc không lương để đi học, sinh viên, điều dưỡng... Khi có người đăng ký, BV đã gọi điện thoại ngay trong đêm và sáng hôm sau nhiều người có mặt ở BV làm công tác hỗ trợ. Đó đa phần là những người dưới 30 tuổi, có cả những người với trình độ chuyên môn cao, không ngại khó, không ngại khổ.
Nhiều người dân, nhân viên y tế tình nguyện vào "rốn dịch".
Ngày Đà Nẵng có lệnh giãn cách xã hội, phòng khám tư mà anh Lâm Văn Hạnh (28 tuổi, y sĩ đa khoa) làm việc đưa ra thông báo tạm ngưng hoạt động. Sau 3 ngày ở nhà, thấy tin BV 199 cần TNV, anh Hạnh liền đăng ký. Nhận được phản hồi của BV anh mới báo cho gia đình, dù có lo lắng nhưng cả nhà đều hoan nghênh và động viên anh. Sáng 30.7, anh tới BV nhận nhiệm vụ theo dõi bệnh, ghim truyền và phát thuốc cho bệnh nhân tại Khoa Nội tiết.
Không chỉ anh Hạnh, còn rất nhiều các bác sĩ, sinh viên khác đăng ký tình nguyện vào các bệnh viện tại Đà Nẵng. Họ sẵn sàng làm mọi việc, đem hết tâm sức và kiến thức của mình để phục vụ cho cộng đồng.
Bác sĩ tranh thủ nghỉ mệt ở hành lang sau nhiều giờ làm việc liên tiếp - Ảnh: Thanh niên
Nhiều người dân đội mưa gửi "núi" nhu yếu phẩm cho các bác sĩ
Khi 3 bệnh viện tại Đà Nẵng bị phong tỏa, mọi hoạt động buôn bán của các hộ dân nơi đây cũng tạm ngưng để đảm bảo an toàn trong công tác phòng dịch. Việc hàng nghìn người ngày đêm đang ở nơi "rốn dịch" đối mặt với "nguy hiểm" và những thiếu thốn vật dụng là hiển nhiên.
Thấu hiểu sự khó khăn đó của đội ngũ y tế, và chung một tấm lòng tri ân bác sĩ, muốn đóng góp công sức mình trong việc chống lại dịch Covid-19, nhiều người dân tổ chức, đơn vị tại Đà Nẵng đã quyên góp, ủng hộ hàng trăm tấn hàng cho đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân, người dân và các lực lượng chức năng đang ở và làm nhiệm vụ bên trong khu cách ly.
Hàng hóa mà người dân ủng hộ rất đa dạng, từ nước uống, mì gói, khẩu trang, sữa,... đến dây phơi đồ, băng, giấy vệ sinh, tã bỉm, nước súc miệng,… Hàng chục tấn nhu yếu phẩm ủng hộ cho 3 bệnh viện cách ly (Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng) được tập kết tại khu vực Ngô Gia Tự - Hải Phòng để vận chuyển vào bên trong.
Những thùng hàng cứ một cao, ngày một nhiều, mặc trời mưa nắng, nhưng tình cảm và sự sẻ chia người dân Đà Nẵng dành cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Hàng ngàn người dân địa phương và trên cả nước, cùng nhiều mạnh thường quân đều hướng về Đà Nẵng, cầu mong thành phố sẽ sớm chiến thắng cuộc chiến này.
Người dân gửi các thùng đồ nhu yếu phẩm vào trong bệnh viện - Ảnh: Thanh niên.
Những thùng hàng cứ ngày một chất cao như "núi" - Ảnh: Thanh niên
Hàng tấn các đồ dùng, nhu yếu phẩm được người dân gửi vào cho các y bác sĩ.
Người dân chăm lo cho cả đội ngũ công an, dân quân từng cốc nước, từng bữa cơm.
Ảnh: Tuổi trẻ
Không chỉ là những thùng hàng nhu yếu phẩm, một chuỗi nhà hàng tại Đà Nẵng còn nấu 800 suất cơm mỗi ngày tiếp sức bác sĩ trong thời gian nhà hàng phải đóng cửa do giãn cách xã hội. Ông Lê Văn Long - chủ chuỗi nhà hàng chia sẻ với PV báo Tuổi trẻ, sau khi đóng cửa chuỗi nhà hàng, ông Long nhận được điện thoại của một bác sĩ đề nghị hỗ trợ một số suất ăn. Với chuỗi 6 nhà hàng, cùng hàng trăm nhân viên, ông Long nhận thấy việc hỗ trợ miễn phí suất ăn cho các bác sĩ là trong tầm tay. Vậy là ông chủ và các nhân viên chia ca, kíp, bắt tay vào làm ngay.
"Chúng tôi chia làm 3 mũi, một đầu mối liên hệ với lãnh đạo bệnh viện để tính toán phương thức hỗ trợ, số lượng suất ăn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Thứ nữa là đội ngũ hậu cầu, cung cấp thực phẩm sạch, chất lượng làm món ăn. Tiếp đó là đội ngũ đầu bếp, nấu nướng, ra món" - ông Long cho hay.
Ảnh: Tuổi trẻ
Hàng trăm suất cơm được chuyển vào Bệnh viện C Đà Nẵng - Ảnh: Tuổi trẻ
Anh em thay vì nghỉ làm thì chia ca ra để nấu nướng, mỗi buổi làm 400 suất ăn hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. "Tinh thần là đảm bảo an toàn thực phẩm, bồi dưỡng và ngon miệng cho anh em bác sĩ, nhân viên bệnh viện" - ông Long tâm sự.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ mỗi ngày 800 suất cơm cho đến khi dỡ lệnh cách ly ở bệnh viện. Chỉ mong một chút ít đóng góp của mình sẽ tiếp thêm niềm tin yêu đến với những người đang ở tuyến đầu chống dịch" - ông Long chia sẻ.
Với một quyết tâm cao, Đà Nẵng nhất định sẽ chiến thắng đại dịch!
Dẫu ở trong tâm dịch, các y bác sĩ, đội ngũ dân quân, người dân Đà Nẵng đã chọn việc tin tưởng, chủ động khích lệ, động viên nhau. Những khung ảnh đại diện Facebook được thay với thông điệp "Đà Nẵng chung tay chống COVID-19", "Đà Nẵng quyết tâm đẩy lùi COVID-19"… được lan truyền và hưởng ứng nhanh chóng trên mạng xã hội, cùng nhiều thông điệp tích cực và nhắc nhở nhau cùng có ý thức để vượt qua dịch bệnh.
Trên báo Tuổi trẻ, facebook Cao Tâm Nguyên đã chia sẻ: "Sau cơn mưa trời lại sáng - mọi khó khăn gian nan rồi sẽ vượt qua, những điều tốt đẹp rồi sẽ đến. Chính nghị lực mãnh liệt, sự quyết tâm, tình đoàn kết của tất cả mọi người chắc chắn sẽ giúp Đà Nẵng vượt qua khó khăn này một lần nữa.
Và chính lần này, người Việt sẽ lại chứng minh cho cả thế giới thấy được tinh thần dân tộc, sức mạnh vượt qua dịch bệnh, khó khăn của mình. Hy vọng Đà Nẵng chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này. Rồi ngày mai, bầu trời Đà Nẵng lại trong xanh thôi".
Rất nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ thông điệp chống dịch COVID-19 - Ảnh: Tuổi trẻ
Bức vẽ được truyền đi trên mạng xã hội khích lệ tinh thần người dân Đà Nẵng.
Với một tinh thần tích cực của niềm tin, với sự nỗ lực mỗi phút giây của các bác sĩ tại Đà Nẵng, chúng ta rồi sẽ sớm thôi, "lại được cất những bước chân rộn vang đánh thức đàn voọc Sơn Trà mỗi sáng cuối tuần, thả trôi bồng bềnh trên sóng nước Mỹ Khê ngắm mặt trời ló rạng và dạo bước thong thả nơi phố cổ Hội An thôi! Sớm thôi!"
#StayStrongDaNang