• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhìn tín hiệu mới từ giao thương Anh-Việt

Kinh tế 13/04/2023 14:26

(Tổ Quốc) - Trang Vietnam-Briefing đánh giá những tín hiệu tích cực trong mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Anh và tác động từ việc London gia nhập CPTPP đối với mối quan hệ thương mại song phương này.

Khi Vương quốc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2016, sự kiện này đã kéo theo nhiều làn sóng kinh tế trên khắp thế giới. Đây là một sự thay đổi chưa từng có đối với trật tự kinh tế toàn cầu. Sự ra đi của Vương quốc Anh, chiếm 16% nền kinh tế EU, đã giáng một đòn mạnh vào vị thế của EU như một đối trọng mạnh mẽ trong thương mại toàn cầu.

Đối với Việt Nam, điều này cũng kéo theo nhiều thay đổi. Anh vốn nằm trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) nhưng sau Brexit, Anh không còn thuộc về thỏa thuận này.

Và trong trường hợp Việt Nam và Anh không có thỏa thuận thương mại nào, hàng hóa của 2 bên sẽ được giao dịch theo hướng dẫn và biểu thuế quan chung của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Nhìn tín hiệu mới từ giao thương Anh-Việt - Ảnh 1.

Bộ trưởng phụ trách chính sách Thương mại Vương Quốc Anh Greg Hands đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trong chuyến thăm Việt Nam tháng 2 vừa qua để thảo luận về CPTPP. Ảnh: ĐSQ Anh tại Việt Nam.

Việt Nam và Vương quốc Anh tăng cường quan hệ

Tuy nhiên, không bên nào muốn bỏ lỡ những lợi ích mà hiệp định kinh tế mang lại. Hai nước đã bắt đầu đàm phán hiệp định kinh tế song phương, sử dụng EVFTA là nền tảng nhưng sẽ có 1 số điều chỉnh về hạn ngạch thuế quan, về quy tắc xuất xứ do hàng hóa từ Vương quốc Anh sẽ không còn được coi là từ EU và một số ít hàng hóa có thương hiệu đã được thêm vào các điều khoản sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, phần lớn các điều khoản của hiệp định EVFTA vẫn được giữ lại.

Do đó, quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh-Việt Nam (UKVFTA) diễn ra tương đối nhanh chóng và đã hoàn tất vào ngày 11/12/ 2020 và việc ký kết hiệp định diễn ra vào ngày 29/12 cùng năm, Vietnam-Briefing nhận định.

Đây là một điểm sáng trong quá trình đàm phán thương mại thời hậu Brexit của Vương quốc Anh, chấm dứt gần 4 năm tương đối không chắc chắn về thương mại song phương.

UKVFTA đã cắt giảm đáng kể thuế quan và tăng cường mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể cho cả hai nước. Chẳng hạn, hãng xe sang của Anh McLaren đã khai trương phòng trưng bày đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2022. Hãng vaccine AstraZeneca cũng đang hợp tác với chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh và nghiên cứu dược phẩm.

Ở chiều ngược lại, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo năm 2021 đưa ra cam kết tài trợ 155 triệu bảng cho một trường thuộc Đại học Oxford, Vương quốc Anh. Điều này đã thể hiện mong muốn nâng cao vị thế của các thương hiệu Việt Nam tại Vương quốc Anh.

Về kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, mặc dù đã sụt giảm trong năm 2020, nguyên nhân có thể là do nhu cầu thấp hơn do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, đã tăng trở lại từ năm 2021.

Thêm bước tiến từ khi Anh gia nhập CPTPP

Đầu năm nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã tiến thêm một bước khi Anh đã đạt được thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau 21 tháng cùng 3 vòng đàm phán chính.

Về lâu dài, cả hai nước đều được hưởng nhiều chính sách tích cực từ động thái này, ví dụ như: Thuế động cơ và thuốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ giảm nhanh hơn; thuế đối với thịt bò vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ khi Hiệp định có hiệu lực; thuế đối với thịt lợn và thịt gà sẽ lần lượt được loại bỏ từ năm thứ 3 và năm thứ 5; Việt Nam cũng sẽ được hưởng hạn ngạch thuế riêng đối với gạo xát hạt dài và các doanh nhân Vương quốc Anh đến Việt Nam công tác ngắn hạn sẽ được phép lưu trú tối đa 6 tháng thay vì 3 tháng như hiện nay.

Những thay đổi này sẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa hai quốc gia hơn nữa và cho phép liên kết chuỗi cung ứng tốt hơn giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và các quốc gia thành viên.

Hiện tại, mặc dù tác động của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP dự kiến sẽ không thể hiện ngay, nhưng sẽ có một số lợi ích dài hạn như cắt giảm thuế quan và tăng khả năng tiếp cận thị trường cho cả Việt Nam và Vương quốc Anh.

Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi từ việc tăng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và hải sản trong khi Vương quốc Anh sẽ nhận thấy sự gia tăng xuất khẩu thịt sang Việt Nam.

Hai nước đã tiến hành cải cách thương mại trong bảy năm qua và bước phát triển mới nhất này được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại song phương và thúc đẩy tăng trưởng thương mại hai chiều một cách liên tục.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ