(Tổ Quốc) - Một lần nữa, vấn đề đạo đức cầu thủ được mang ra bàn luận sau sự việc 5 cầu thủ thuộc biên chế CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vướng phải bê bối bị bắt vì sử dụng chất cấm.
Mới đây, sự việc 5 cầu thủ thuộc biên chế CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh là tiền vệ Đinh Thanh Trung, tiền vệ Nguyễn Trung Học, thủ môn Dương Quang Tuấn, trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng, trung vệ Nguyễn Văn Trường vướng phải bê bối bị bắt vì sử dụng chất cấm đã gây xôn xao dư luận.
Đây không phải lần đầu tiên cầu thủ bóng đá Việt Nam vướng phải tệ nạn này và phải đối diện với các án phạt. Trong nhiều năm trở lại đây, ngành TDTT nói chung và Bóng đá nói riêng đều đặt công tác phòng, chống cá độ, cờ bạc, sử dụng chất cấm... lên tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, các loại hình tệ nạn vẫn hình thành và len lỏi trong số ít giới cầu thủ, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành.
Trong quá khứ, đã có không ít danh thủ vướng vào vòng lao lí có thể kể đến như Phan Thanh Tuấn (SLNA), Nguyễn Văn Ý (SLNA), Lưu Văn Hiền, Nguyễn Hồng Việt (SLNA), Nguyễn Xuân Thành (Hà Nội ACB) hay nhóm 5 cầu thủ Lê Sỹ Mạnh, Lê Hoàng Anh Thi, Nguyễn Xuân Tú, Nguyễn Trọng Minh và Trần Quốc Tuấn (Hà Nội T&T, tiền thân Hà Nội FC)…
Ngoài chất cấm, bóng đá Việt Nam còn từng xảy ra bê bối liên quan đến nạn cờ bạc, cá độ.
Vụ bán độ của Vissai Ninh Bình năm 2014 có thể được xem là ví dụ điển hình khi 9 cầu thủ CLB bóng đá Vissai Ninh Bình bị truy tố với các tội danh "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc" khi nhận 800 triệu đồng để "làm độ" trong trận đấu gặp Kelantan tại vòng bảng AFC. Đại án này khiến Vissai Ninh Binh ngay lập tức giải thể.
Những tệ nạn này đã gây ảnh hưởng rất lớn không chỉ tới đạo đức cá nhân của cầu thủ mà còn tới công tác chuyên môn thi đấu của cầu thủ, chất lượng đội bóng, giải đấu và rộng hơn là các cấp độ đội tuyển quốc gia.
Cần nhìn nhận một cách nghiêm túc
Như đã nêu ở phần đầu, trong nhiều năm trở lại đây, ngành TDTT nói chung và Bóng đá nói riêng đều đặt công tác phòng, chống cá độ, cờ bạc, sử dụng chất cấm... lên tiêu chí hàng đầu. Trước, trong và sau mỗi mùa giải, công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống các loại hình tệ nạn luôn được ngành TDTT và các cấp quản lý bóng đá quán triệt, phân công thực hiện.
Dù vậy, một số ít cầu thủ vẫn tìm nhiều cách khác nhau, tận dụng các kẽ hở trong công tác quản lý của các cấp, gây ra những sự việc ảnh hưởng tới hình ảnh chung.
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, một số cầu thủ chuyên nghiệp chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân. Từ đó dẫn đến những suy nghĩ không chuẩn mực về nghề nghiệp, hành vi của nhiều cầu thủ.
ThS.BS Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng Y học thể thao Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nguyên giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam nhận định, với trình độ phát triển hiện tại của bóng đá Việt Nam, vấn đề này cần nghiêm túc được đặt ra bởi nền Bóng đá Việt Nam đã đạt được những yêu cầu khách quan về điều kiện tổ chức giải đấu từ FIFA, AFC.
Với những quy định của FIFA, AFC mà VFF đã cam kết tuân thủ, phía VFF hoàn toàn có thể chủ động trong việc kiểm tra cầu thủ tại bất kỳ thời điểm nào, bao gồm cả thời gian thi đấu và không thi đấu.
"Tức là một cầu thủ được đăng ký thi đấu tại một giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thuộc hệ thống quản lý của VFF thì VFF có quyền triệu tập để kiểm tra vào bất cứ thời điểm nào. Đây là điều tương tự như VĐV của các môn khác. Các tổ chức phòng, chống doping quốc gia và quốc tế hoàn toàn có thể yêu cầu kiểm tra doping đối với VĐV tại bất cứ thời điểm nào và bất cứ ở đâu" – ông Nguyễn Văn Phú nói.
Có thể khẳng định, trong những năm vừa qua, nền Bóng đá Việt Nam đã tạo được nhiều dấu ấn trên trường quốc tế với những thành tích xuất sắc của đội tuyển quốc gia, trong đó, nền tảng tạo nên là hệ thống giải quốc nội đang được chuyên nghiệp hóa.
Nhưng bên cạnh những điều tích cực, vẫn còn tồn tại những vấn đề đạo đức cầu thủ. Để giải quyết triệt để những vấn đề này, các cấp quản lý và chính cầu thủ cần có sự phối hợp chặt chẽ./.