(Tổ Quốc) - Bên cạnh những quy định, luật được đặt ra, các cầu thủ cần tự ý thức được "cái đúng - sai", tránh xa những tệ nạn để bảo vệ được nghề nghiệp của bản thân.
Giáo dục kỹ lưỡng ngay khi còn trẻ
Nhìn từ những vụ việc thời gian qua, có thể thế thấy rằng các thói hư, tật xấu hay những tiêu cực rất dễ lây lan đối với các cầu thủ trẻ khi nhận thức chưa tốt, đặc biệt là trong giai đoạn 18-20 tuổi, độ tuổi trưởng thành. Chính sự tò mò, ham muốn thể hiện, suy nghĩ không chín chắn, ham chơi đã khiến cho không ít cầu thủ trẻ vướng vào tệ nạn và không rút ra được. Do vậy, các CLB chủ quản cần siết chặt trong khâu quản lý, giáo dục các cầu thủ.
Theo chuyên gia Bóng đá Đoàn Minh Xương, từ BTC tới các CLB cần làm chặt chẽ và quy củ hơn, đồng thời chỉ rõ cho các cầu thủ nhận thức rõ các vấn đề về tiêu cực, cờ bạc, tránh các chất cấm, chất gây hại sức khỏe.
"Cầu thủ cần nhận thức, trân quý sự nghiệp bóng đá của mình. Nếu CLB và BTC giải làm chặt chẽ, quy củ thì các cầu thủ sẽ có cách ứng xử đúng đắn hơn với nghề nghiệp, biết cách bảo vệ "nồi cơm" của mình" - chuyên gia Đoàn Minh Xương nói.
Với các cầu thủ trẻ, CLB cần phải giáo dục kỹ lưỡng ngay khi còn trẻ về cả chuyên môn và lối sống. Trong vấn đề giáo dục cầu thủ, CLB là đơn vị "sát sườn" khi phụ trách phần lớn thời gian quản lý của cầu thủ.
HLV Nguyễn Đức Dũng (CLB Bóng đá Huế) cho rằng, CLB cần phải theo dõi, tăng cường kỷ luật để các cầu thủ không có tư tưởng sai lệch, đặc biệt là cầu thủ trẻ, lứa cầu thủ luôn đối diện nhiều cám dỗ.
"Lãnh đạo cũng như BHL cần theo dõi, quán triệt tư tưởng các cầu thủ. Bên cạnh đó, vấn đề kỷ luật trong sinh hoạt của đội cũng cần được tăng cường. Các cầu thủ cần lưu ý, tránh lặp lại sai lầm và gặp những hậu quả đáng tiếc mà các cầu thủ khác đã gặp phải" - HLV Đức Dũng nói.
Quy định, nguyên tắc, luật được đặt ra chỉ thực tế là ranh giới để các cầu thủ không vượt qua giới hạn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng vẫn nằm ở ý thức của chính cầu thủ.
"Quan điểm của tôi cho rằng, bên cạnh những chương trình của các cơ quan, bản thân cầu thủ cần dành nhiều thời gian, ý thức rõ hơn. Vì đây là điều quyết định sự nghiệp của một cầu thủ chuyên nghiệp. Bất cứ vi phạm nào dù cố tình hay vô tình đều đưa đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tập luyện, hình ảnh cá nhân và đôi khi đánh đổi cả sự nghiệp" - ông Nguyễn Văn Phú nhận định.
Những cầu thủ thuộc biên chế CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh trước mắt sẽ phải nhận án từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và khi các cơ quan chức năng hoàn tất điều tra, họ sẽ phải nhận bản án cho những vi phạm của bản thân. Đây sẽ là bài học đắt giá không chỉ riêng cho CLB mà cho tất cả các cầu thủ.
Cần sự nỗ lực tối đa của các giám sát, trọng tài
Thực tế, công tác kiểm tra sức khỏe cũng như tuyên truyền phòng chống tiêu cực cho cầu thủ bóng đá tham gia các giải chuyên nghiệp như hạng Nhất, V-League đã được VFF tiến hành thường xuyên và đưa ra rất nhiều quy định chi tiết.
Từ những năm 2008, 2009, VFF đã giao phòng Y học thể thao VFF thành lập các tổ công tác triển các cuộc kiểm tra sức khỏe ngay trước thời điểm thi đấu. Với phương thức thực hiện là đến từng CLB tổ chức khám, kiểm tra sức khỏe theo ý kiến từ đội ngũ y tế của đội, phòng Y học thể thao VFF sẽ có điều kiện phát hiện ra các trường hợp chấn thương, có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, những bệnh lý khác như tim mạch, hô hấp. Điều này cũng đảm bảo cho sự an toàn trong thi đấu của các cầu thủ.
ThS.BS Nguyễn Văn Phú - Trưởng phòng Y học thể thao VFF, nguyên Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam cho biết: "Song song với công tác khám, kiểm tra sức khỏe, phòng Y học thể thao VFF cũng tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên một số cầu thủ để lấy mẫu xét nghiệm trong quy trình kiểm tra sức khỏe nói chung".
Ông Nguyễn Văn Phú cho biết thêm, trong suốt thời gian bắt đầu triển khai đến 2018 không phát hiện trường hợp nào dương tính với các chất gây nghiện. Tuy nhiên, đến năm 2019, giải đấu gặp những thay đổi, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công tác kiểm tra không được duy trì đều dặn.
Tới năm 2024, tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2024/25, nội dung này đã được ban lãnh đạo VFF cũng như ban tổ chức đưa trở lại vào quy trình. Phòng Y học thể thao VFF tiếp tục được giao triển khai nhiệm vụ.
Công tác phòng chống tiêu cực nói chung luôn được VFF và VPF cùng BTC các giải đấu chú trọng, trước mỗi mùa giải, công ty VPF và BTC giải đều yêu cầu các CLB và các thành viên tham gia giải ký cam kết phòng chống tiêu cực. Trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp được bổ sung sửa đổi hàng năm, Quy định Kỷ luật, cũng như Điều lệ giải đều có quy định về phòng chống tiêu cực.
Trong nhiều năm qua, VFF cũng tiếp hành phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công An trong công tác phòng chống tiêu cực, đảm bảo an ninh, an toàn tại các hoạt động bóng đá do VFF quản lý, tổ chức và điều hành. Mới đây nhất, ngày 14/6/2023, VFF và Cục cảnh sát hình sự – Bộ Công an đã tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp về phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong Bóng đá giữa VFF và Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an.
Việc ký kết Quy chế phối hợp là cơ sở để tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an và VFF với mục tiêu đẩy mạnh công tác giáo dục, đấu tranh tiến tới loại bỏ các hành vi có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của Bóng đá Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong các lớp tập huấn giám sát, trọng tài, vấn đề phòng chống tiêu cực luôn được chú trọng. Ông Dương Nghiệp Khôi, Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cho rằng, các trận đấu cuối mùa là những trận đấu quan trọng, then chốt và cần sự nỗ lực tối đa của các giám sát, trọng tài. Do vậy, VFF luôn lưu ý các giám sát, trọng trong việc phối hợp trên sân để làm tốt các trận đấu.
"Ngoài ra, VFF cũng yêu cầu các giám sát, trọng tài lưu ý những tình huống, đội bóng có biểu hiện chưa tích cực, để sau mỗi trận đấu khi tiến hành họp cùng giám sát trận đấu đưa góp ý, báo cáo về Liên đoàn" - ông Dương Nghiệp Khôi nói./.